Trường học không cần sách giáo khoa
Giáo dục - Ngày đăng : 10:35, 12/11/2015
Hiện nay, tại Israel có khoảng 10% trên tổng số 4.000 trường phổ thông đã đăng ký tham gia chương trình thực nghiệm nằm trong chuỗi cải cách và đổi mới GD của Bộ GD Israel bắt đầu từ năm 1990.
Tuy nhiên, trên thực tế, số trường triển khai thành công và được Bộ duyệt để thực hiện chính thức là rất thấp, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3 trong tổng số 10% nêu trên. Trong hai ngày qua, thật may mắn đã được bạn bố trí cho đi thăm hai trường thực nghiệm: Một tiểu học, một trung học....
Trường học không cần sách giáo khoa
Ein Karem Experimental High School là một trường không quá thiên về tôn giáo và hiện có khoảng 720 HS từ lớp 7 đến lớp 12 dang theo học. Thành lập cách đây 65 năm, với lợi thế của cơ sở vật chất là một trường từng tập trung về lĩnh vực nông nghiệp, trường đã đăng ký với Bộ GD để chuyển thành trường thực nghiệp từ 5 năm nay.
Cô hiệu trưởng phụ trách khối cấp 2 của trường (từ lớp 7 đến lớp 9) cho biết lý do của việc xin tiến hành thực nghiệm: Giáo viên chúng tôi nhận thấy với việc dạy học theo cách truyền thống, lượng kiến thức HS nhận được rất thấp. Chúng tôi quan niệm tất cả mọi kiến thức ở trường đều phải kết nối với cuộc sống và HS phải sử dụng được.
"Vì thế, trường đã quyết định đăng ký thực hiện phương pháp PBL (Project by Learning - Học theo dự án) để thay đổi cách dạy cho HS" - lời cô hiệu trưởng.
Trong chuồng trại, vườn rau..., chỗ nào cũng có thể thấy các HS bận rộn thế này. Trường không bao giờ và cũng không có ngân sách cho việc thuê người làm. Tất cả HS đều phải tham gia làm việc hàng ngày ở trường và các em rất hứng thú với những công việc đó. |
Để thực hiện phương pháp này, việc đầu tiên GV được yêu cầu là phải... vứt bỏ hết các sách giáo khoa! Khi không phụ thuộc vào SGK, giáo viên sẽ phải tự quyết định mình sẽ dạy theo cách nào và dạy như thế nào. Để chuẩn bị cho việc học tập, hàng năm, giáo viên và HS sẽ cùng nhau thảo luận nhằm chọn lựa ra các dự án phù hợp cho từng lớp, từng môn.
Có rất nhiều dự án để chọn và chỉ riêng việc tìm dự án cũng đã làm cho cả thầy và trò đều thích thú, cảm thấy việc dạy cũng như việc học không hề nhàm chán mà luôn đầy ắp hứng khởi.
Một nữ sinh lớp 9 kể cho chúng tôi một ví dụ: Năm ngoái, em nghiên cứu về lịch sử và làn sóng nhập cư của người Do Thái sau năm 1948. Nhiệm vụ của em là phải tưởng tượng mình là một người nhập cư vào thời điểm đó và ghi chép thành một cuốn nhật ký về việc này. Như vậy, em phải tìm hiểu mọi thứ và phải biết rất rõ thì mới làm được. Em kết luận một cách phấn khởi: Sau khi làm xong dự án, có thể cũng còn một số việc em chưa biết nhưng em nhớ rất rõ về mọi chuyện liên quan đến chủ đề này.
Thầy giáo phụ trách chương trình PBL của trường chia sẻ thêm: "Chúng tôi chủ trương không dạy cho HS quá nhiều thứ mà quan trọng hơn là phải giúp cho các em hiểu thật sâu. Trong thời đại ngày nay, kiến thức không còn quan trọng nữa, vì có thể tìm được mọi thứ trong kho dữ liệu thông tin khổng lồ ở trên mạng. Điều quan trọng hơn là phải giúp HS có các kỹ năng chọn lựa và sử dụng kiến thức có hiệu quả. Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng khoảng 30% HS của chúng ta có thể sẽ chọn lựa những nghề nghiệp tương lai mà hiện nay chưa hề xuất hiện.
Và vấn đề của giáo viên là phải làm sao giúp các em bước vào một tương lai mà ngay bây giờ chúng ta không thể hình dung được nó sẽ diễn ra như thế nào".
Việc thực hiện dự án được tổ chức rất đa dạng và nghiêm túc với nhiều mức độ khác nhau. Có những dự án đơn giản nhưng cũng có những dự án phức tạp. HS có thể chọn dự án cá nhân hoặc theo nhóm. Thông qua việc thực hiện dự án, HS cũng đồng thời học được cách quản lý thời gian, biết tổ chức và quản lý công việc sao cho hiệu quả nhất. Quy trình hoàn tất dự án là một thách thức khó khăn với HS vì các em sẽ phải trình bày dự án trước thầy cô, cha mẹ và đặc biệt là trước cả các chuyên gia trong ngành.
Tôi hỏi thầy rằng giả sử trong nhóm thực hiện dự án có những em làm biếng hơn, không tích cực tham gia vào dự án thì sao? Thầy giáo tự tin: "HS ở Israel được dạy không biết thỏa hiệp với những mặt tiêu cực trong cuộc sống. Các em sẽ không ngần ngại đấu tranh với những người bạn lười biếng và vô trách nhiệm. Mà nếu có xảy ra tình trạng này, các em cũng sẽ học được một bài học rằng: Trong cuộc sống luôn có kẻ lười và người chăm chỉ. Đó là vấn đề của cuộc sống mà các em sẽ phải tập đối diện với nó và tìm cách giải quyết!".
Giờ ra chơi chủ động: Rất nhiều trò chơi khác nhau của HS do HS lớp lớn thiết kế và tổ chức thực hiện. |
Việc dạy theo dự án như vậy có đảm bảo cung cấp kiến thức toàn diện cho HS để các em vẫn đạt được kết quả thi cử theo quy định của Bộ GD không? Câu trả lời là: HS vẫn được trang bị những kiến thức cơ bản theo nội dung chương trình khung mà Bộ đã quy định. Các em chỉ chọn lựa những vấn đề cốt lõi để làm dự án....
Ở ngôi trường này, các HS còn thiết lập mô hình câu lạc bộ HS. Kinh nghiệm cho thấy rằng ở lứa tuổi trung học, các em rất thích trò chuyện với nhau và với các giáo viên trong thời gian ngoài giờ học, thông qua việc ngồi uống cà phê. Các giáo viên của trường có nghĩa vụ phải tham gia các buổi trò chuyện với HS theo hình thức đó để hiểu HS, giúp đỡ các em giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, đồng thời chia sẻ kiến thức với các em và học lại từ chính HS của mình.
Tôi rất ấn tượng với quan điểm của những người làm nghề giáo ở đây: "Chúng tôi không chỉ dạy HS như một giáo viên mà còn phải là các educator (nhà giáo dục)".
Nếu học sinh không thích chơi thì có thể đến khu vực chuồng trại |
Trường như một doanh nghiệp sản xuất đa ngành
Theo chân thầy phụ trách chương trình PBL đi tham quan trường, chúng tôi thật sự... choáng ngợp về thành quả của việc áp dụng dạy theo dự án cho HS tại đây.
Cả trường như một doanh nghiệp sản xuất đa ngành! Có hẳn một nhà nuôi chó với nhiều giống chó khác nhau để có thể bán ra bên ngoài. Tuy nhiên, GV phụ trách nhấn mạnh: "Đó không phải chuyện quan trọng. Quan trọng hơn là chúng tôi không chỉ dạy cho HS nuôi một con chó. Thông qua việc chăm sóc chó, các em sẽ học được cách tôn trọng nhau và thương yêu bạn bè của mình hơn".
Ở khu nuôi gia cầm và gia súc, chúng tôi được thăm khu vực sản xuất trứng chim cút. Chim cút được nuôi kiểu công nghiệp, khi đẻ trứng, trứng sẽ được thu hoạch và xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm rồi đóng vào hộp giấy để cung cấp cho các siêu thị. Tại khu ươm cây giống, các loại cây ươm trồng cũng sẽ được bán cho các nhà vườn trong thành phố. Tất nhiên là khi tham gia vào các dự án chăn nuôi hoặc trồng trọt như thế, HS đã có thể học được rất nhiều bài học sống động, bổ túc cho những kiến thức phải học theo chương trình.
Ấn tượng nhất là xưởng sản xuất xà bông đang xuất khẩu sản phẩm đi 16 nước khắp thế giới (trong đó có Việt Nam).
Người phụ trách xưởng nguyên là Phó Tổng Giám đốc doanh nghiệp đã nghỉ hưu. Ông có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dược liệu thiên nhiên và đi làm ở trường hoàn toàn chỉ vì muốn đóng góp trách nhiệm xã hội. Tiếp chúng tôi, ông tự hào khoe rằng toàn bộ 600 sản phẩm hiện hữu đều là do HS thiết kế và tổ chức sản xuất.
Mỗi nhóm hoặc mỗi HS tham gia dự án hàng năm đều phải đưa ra một sản phẩm mới làm hoàn toàn bằng nguồn dược liệu và hương liệu từ thiên nhiên. Các sản phẩm này phải chưa hề có trên thị trường và thầy cũng chưa từng nghĩ ra!
Sau khi có ý tưởng về sản phẩm, các em phải tiếp tục xây dựng phương án sản xuất và tiêu thụ, trong đó bao gồm từ việc tìm nguồn nguyên liệu trồng cây, chiết xuất tinh dầu, tổ chức sản xuất... cho đến việc thiết kế mẫu mã bao bì, đặt tên sản phẩm, triển khai kế hoạch marketing và xây dựng các kênh bán hàng. Toàn bộ những công việc này các HS đều phải tự làm và chịu trách nhiệm 100% về chất lượng cũng như việc tiêu thụ sản phẩm cuối cùng.
Tất nhiên, sản phẩm phải được đưa đi đăng ký chất lượng và đạt tiêu chuẩn sử dụng theo quy định chung. Một lý do quan trọng khiến các sản phẩm ở đây phải có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên là do hàng năm, trường cũng hỗ trợ địa phương đưa các trẻ em cần giáo dục đặc biệt (như tự kỷ, chậm phát triển...) vào cùng làm việc với những nhóm HS thực hiện dự án, nhằm giúp các em hoà nhập, vì thế các nguyên liệu đều phải là loại có thể ăn được để tránh gây nguy hiểm cho những trẻ này khi các em chưa thể có ý thức và nhận thức đầy đủ như một người bình thường.
Trước đây, tôi từng nghe nhiều truyền thuyết về óc kinh doanh tài giỏi của người Do Thái mà mọi người cứ nghĩ là do "gien". Đến đây rồi mới hiểu rằng vì sao họ thành công như thế!
Với cách dạy HS kinh doanh kiểu này, tôi tin chắc rằng sau khi tốt nghiệp phổ thông, chưa cần phải vào ĐH - mỗi HS ở đây cũng đều có thể trở thành chủ một doanh nghiệp thành công vào bất cứ khi nào các em muốn.
Tất cả các thầy được giao nhiệm vụ phụ trách nhà nuôi gia cầm, vườn ươm cây và xưởng sản xuất xà bông đều cho biết rằng nhà trường không phải tốn kém một đồng nào cho các hoạt động của họ. Trái lại, mỗi năm, dưới sự tổ chức và điều hành của HS, những cơ sở này còn mang về một nguồn doanh thu không nhỏ để tái đầu tư cho các hoạt động giáo dục khác tại trường.
Ngay đoàn chúng tôi, khi rời ngôi trường này cũng phải "gửi lại" tổng cộng khoảng 700 USD để mua các sản phẩm chắc chắn 100% từ thiên nhiên trong xưởng xà bông (đã được giảm giá 50% vì là khách đặc biệt của trường). Tôi nói đùa với cô Tổng Hiệu trưởng rằng đây là lần đầu tiên tôi được "shopping" đúng nghĩa trong một trường phổ thông và trải nghiệm đó thật là thú vị!