Nhập khẩu tàu cũ về phá dỡ: Đừng biến Việt Nam thành bãi rác!
Kinh tế - Ngày đăng : 17:42, 11/11/2015
Sáng 11/11, báo cáo giải trình, tiếp thu Dự thảo Luật Hàng hải do Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày nêu có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định cho phép nhập khẩu tàu biển cũ để phá dỡ tránh ảnh hưởng đến môi trường.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng về để phá dỡ đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Việc phá dỡ tàu biển không chỉ là phá dỡ tàu biển của nước ngoài mà còn có phá dỡ tàu biển của Việt Nam; đồng thời, việc này có liên quan đến phát triển công nghiệp đóng tàu của ngành hàng hải, vấn đề an toàn, an ninh hàng hải… nên cần được quy định trong Luật Hàng hải.
Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường như ý kiến của đại biểu đã nêu, dự thảo luật đã được bổ sung thêm một mục về phá dỡ tàu biển để quy định chặt chẽ đối với việc phá dỡ tàu biển.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) |
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị việc phá dỡ tàu biển quy định trong dự thảo luật phải bảo đảm nguyên tắc không ô nhiễm môi trường và Việt Nam không trở thành bãi rác thải của thế giới, phải có phí bảo vệ môi trường. Quy định rõ nghĩa vụ tái xuất, vì hiện nay có một việc là các cảng hàng chở về, rác chở về chất rất nhiều các loại rác không có người nhận, bây giờ không ai chịu trách nhiệm về việc chở đi ra ngoài. Do đó, phải quy định rõ nghĩa vụ tái xuất và trách nhiệm của các cơ quan hải quan khi giám sát việc này.
Đồng tình, ĐB Lê Việt Trường (An Giang) bày tỏ e ngại việc nhập khẩu phá dỡ tàu biển có thể gây ô nhiễm môi trường và biến nước ta trở thành bãi rác thải của thế giới. "Trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể của chúng ta đang rất cần tạo công ăn việc làm. Hai nữa, cũng cần một số các nguyên vật liệu chưa sản xuất được trong nước thì việc này quan điểm tôi cho rằng nên cho phép. Tuy nhiên, cần quản lý hết sức chặt chẽ" - ĐB Trường nêu.
Phát biểu của ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng tập trung quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển. Nữ ĐB này đề nghị kiên quyết bỏ nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng bởi trong tàu biển vật liệu hình thành có chứa rất nhiều các nguyên tố độc hại.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) |
"Việc này có thể có một lợi ích rất lớn về kinh tế, nhưng tôi nghĩ sau lợi nhuận kinh tế đấy thì việc đó lại làm cho xã hội ta gọi là điêu đứng, các gia đình mất người thân, có những người gia đình khuynh gia bại sản, rất nhiều phúc lợi xã hội ta phải chi vào, tôi nghĩ ta sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và chưa kể đến ảnh hưởng đến nòi giống, trí tuệ và thể lực của nhiều thế hệ trẻ sau này" - ĐB An tha thiết đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiên quyết và cấm những hành vi gây ô nhiễm môi trường.
ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng Việt Nam đã ký tham gia Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu biển MARPOL ngày 29/8/1991. Do đó, việc vận chuyển các tàu này về Việt Nam từ các nước khó đảm bảo về môi trường vì phải có hệ thống nước thải nhiễm dầu, hệ thống ứng cứu sự cố do dầu tràn, không vận chuyển chất thải, hóa chất độc hại nên nhập tàu cũ về phá dỡ rất bất lợi cho Việt Nam.
"Hiện nay, biển của chúng ta đang phát triển kinh tế du lịch là việc nhập khẩu tàu cũ về phá dỡ sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cháy nổ và vùng nước đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và phát triển kinh tế trên địa bàn" - ĐB Công cũng kiên quyết đề nghị không cho nhập khẩu tàu cũ về phá dỡ tại Việt Nam.
Kết luận lại phiên thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, vấn đề nhập khẩu và phá dỡ tàu biển là vấn đề mà Quốc hội trong năm 2014 khi xem xét thông qua Luật Bảo vệ môi trường thì cũng ý kiến khác nhau, trao đổi, tranh luận gay gắt, cuối cùng chúng ta thống nhất là cho phép việc để nhập khẩu tàu biển và phá dỡ tàu biển nhưng với điều kiện quy định rất cụ thể, chặt chẽ để bảo đảm vấn đề tác hại đến môi trường.
“Đến hôm nay, các vị ĐBQH cũng đề xuất nên xem xét, cân nhắc thật thận trọng vấn đề này. Cũng có ý kiến đề nghị cần thiết phải sửa đổi điều đó của Luật Bảo vệ môi trường, chúng tôi sẽ nghiên cứu và báo cáo với Quốc hội khi xem xét thông qua” - Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu chốt lại.