Kỷ luật người đứng đầu nếu "huy động quá sức dân" đóng góp xây dựng NTM
Kinh tế - Ngày đăng : 15:17, 11/11/2015
Đó là nội dung tại Công văn số 7983/UBND-NNNT ban hành ngày 9/11/2015. Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc huy động vốn góp của nhân dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đường làng ngõ xóm tại xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) đã được cải tạo thuận tiện cho người dân đi lại. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc huy động vốn góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dụng nông thôn mới các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tập trung thực hiện một số việc: Về phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương lập kế hoạch trình HĐND cùng cấp quyết định, cần đảm bảo mức hỗ trợ 100% hoặc ít nhất 95% từ vốn ngân sách nhà nước cho các công trình trên các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn theo đúng qui định.
Việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đóng góp thực hiện Chương trình phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương và khả năng nguồn lực. Thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không thực hiện xây dựng khi không có nguồn kinh phí đảm bảo, không để nợ đọng xây dựng cơ bản. Cần rà soát, chỉ đạo xử lý và có biện pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm đối với nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có).
Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ; phải được sự đồng tình và nhất trí của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc, quá sức dân; không huy động đối với hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu việc xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân; chú trọng hướng dẫn, tổ chức, hỗ trợ người dân chủ động thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, tạo cảnh quan môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống của người dân nông thôn.
Công tác thẩm định, đánh giá và xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới ở các cấp cần phải thực hiện đúng theo quy định, các tiêu chí được công nhận đạt chuẩn phải đảm bảo chất lượng và có tính bền vững cao; quy trình xem xét phải công khai, dân chủ, minh bạch, tránh hình thức, chạy theo thành tích; không cho nợ tiêu chí chưa đạt chuẩn theo qui định; xã, huyện đạt chuẩn phải không có nợ xây dựng cơ bản sai qui định.