Hiểm họa bủa vây cầu
Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 11/11/2015
Không đạt tiêu chuẩn
Theo thống kê của Phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) thành phố hiện có 236 cây cầu các loại bắc qua sông, kênh rạch, trong đó có 208 cầu có khoảng không thông thuyền dưới 3m (chiếm khoảng 88%) và 169 cầu có khoảng không thông thuyền dưới 15m (chiếm khoảng 70%). Đặc biệt, trong đó còn tồn tại 45 cây cầu có khoảng không thông thuyền dưới 2m và 19 cầu có khoảng không thông thuyền dưới 10m. Đây là những cây cầu có khoảng không thông thuyền dưới mức quy định cho phép theo Tiêu chuẩn quốc gia về phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa.
Cầu Cái Tâm sập là sự cố nghiêm trọng. |
Những cây cầu có khoảng không thông thuyền thấp khiến mạng lưới giao thông thủy bị cắt khúc, là nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông đường thủy và khiến giao thông thủy không thể phát triển; nhất là thời gian cao điểm mùa mưa, thủy triều lên xuống liên tục, nguy cơ các phương tiện giao thông đường thủy va chạm làm hư hỏng cầu rất cao. Từ đầu năm 2015 đến nay đã xảy ra 11 vụ tàu thuyền, sà lan mắc kẹt, đâm hư hỏng cầu, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Mới đây, rạng sáng 1-11 cầu đường sắt Bình Lợi bị sà lan nghìn tấn đâm hỏng, khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn. Cầu Bình Lợi là tuyến giao thông huyết mạch đường sắt Bắc - Nam nhưng khoảng không thông thuyền chỉ khoảng 2m, rất nguy hiểm khi có tàu bè, sà lan qua lại. Trước đó là vụ sà lan gần 1.000 tấn đâm sập cầu Cái Tâm, bắc qua kênh Xáng Lý Văn Mạnh (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) vào rạng sáng 12-7, gây thiệt hại vào khoảng 3 tỷ đồng, một nửa số vốn xây cầu Cái Tâm là do nhân dân xã Tân Nhựt đóng góp.
Vừa qua, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND thành phố xây dựng cầu tạm Cái Tâm ở địa điểm xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh thay thế cho cầu cũ đã sập vào tháng 7-2015. Theo thiết kế, cầu mới có chiều dài 96m, chiều rộng 4m với tải trọng thiết kế 2,5 tấn, tổng vốn đầu tư khoảng 17 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2016. |
Vẫn chờ kinh phí
Sau hơn 2 tháng xảy ra sự cố sà lan đâm sập cầu Cái Tâm, UBND xã Tân Nhựt cho biết đã kiến nghị lên huyện Bình Chánh để xin đầu tư xây mới cây cầu nhưng vẫn đang chờ huyện... kiến nghị lên thành phố. Do chưa có chủ trương sửa chữa hay xây mới nên người dân phải đi theo đường dẫn vào cao tốc Trung Lương và chấp nhận nguy hiểm qua sông bằng đò, phà.
Ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) cho biết, để bảo đảm cho các tàu thuyền, sà lan qua lại tại các cây cầu trên thì hiện cơ quan chức năng thành phố đã cắm các biển báo hiệu cảnh báo, đưa các thông tin cảnh báo đến các chủ phương tiện qua lại, thông tin tuyên truyền đến các tài công sà lan. Thế nhưng, tuy các lái tàu biết rõ các quy định khi tham gia giao thông thủy, cũng như hiểu rõ việc kéo sà lan chui qua cầu lúc thủy triều lên sẽ nguy hiểm thế nào, nhưng họ vẫn bất chấp.
Đặc biệt, tại cây cầu trọng yếu như cầu Bình Lợi, cơ quan chức năng còn bố trí người trực gác 24/24h để bảo đảm an toàn. Theo ông Bằng, hiện tại Bộ GTVT đang có đề án xây dựng lại cầu Bình Lợi dựa trên nguồn vốn BOT, nhằm bảo đảm an toàn cho tuyến giao thông đường sắt huyết mạch Bắc - Nam. Về lâu dài, để bảo đảm an toàn thì cần nâng cấp, xây dựng mới các cây cầu tiêu chuẩn quy định.