Cấp giấy chứng nhận nhà, đất tại TP Hồ Chí Minh: Loay hoay gỡ vướng
Bất động sản - Ngày đăng : 06:50, 11/11/2015
Vướng do nhiều nguyên nhân
Mới đây, một nhóm khách hàng mua đất nền thuộc dự án Khu dân cư Đông Thủ Thiêm (Quận 2) do Công ty CP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (Công ty Hoàng Quân) phân phối đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng vì sau hơn 10 năm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính mà vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở dĩ Công ty Hoàng Quân "găm" giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khách hàng là do có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các chủ đầu tư với nhau. Ngoài ra, nhiều trường hợp người dân mua nhà đã và sinh sống ổn định nhiều năm nhưng vẫn bị "treo" sổ. Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ của văn phòng đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có ít nhất 10 dự án với hàng nghìn trường hợp người mua chưa được cấp sổ đỏ. Đặc biệt, nhiều dự án trong số này như chung cư Ruby Land (quận Tân Phú), chung cư Ruby Garden (quận Tân Bình), chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân)... đã bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng.
Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn tồn tại rất nhiều trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận nhà đất do vướng các quy định pháp lý hiện hành. Cụ thể, theo tổng hợp số liệu từ các quận, huyện, có tới 93.665 trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định pháp luật, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là nhà đất được sang nhượng bằng giấy viết tay; xây nhà sai phép, không phép; xây nhà trên đất nông nghiệp... Nhiều trường hợp hoàn toàn đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nhưng tiến độ cấp vẫn chậm, quá hạn, gây nhiều phiền toái cho người dân. Đơn cử, đối với trường hợp xin đổi giấy chứng nhận nhà đất từ chủ cũ sang chủ mới; cấp đổi giấy chứng nhận có tăng thêm diện tích đất hoặc hồ sơ tách thửa thì nhiều hồ sơ bị "ngâm" vô hạn định.
Đặc biệt, kể từ khi TP Hồ Chí Minh thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp (trực thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường), công tác cấp giấy chứng nhận trở nên "rối ren" hơn. Theo đại diện Văn phòng đăng ký đất đai Quận 2, nguyên nhân được cho là các hồ sơ cấp, đổi giấy chứng nhận phải chuyển về Văn phòng đăng ký đất đai thành phố để nơi đây trình Sở Tài nguyên - Môi trường ký cấp giấy. Nhiều hồ sơ bị trễ hẹn được cho là do Văn phòng đăng ký đất đai thành phố chưa trả về.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, những trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận thường rơi vào các nguyên nhân như chuyển nhượng bằng giấy tay (chiếm 40%); lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép không phù hợp quy hoạch (chiếm 23%); vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng chưa được xử lý (chiếm 0,4%). Còn lại là các trường hợp vướng mắc như giấy tờ, nguồn gốc quá trình sử dụng đất không rõ ràng, có tranh chấp... |
Kiến nghị tháo gỡ
Theo các cơ quan chức năng, thời gian qua nhiều khu vực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh quá trình phát triển đô thị diễn ra quá nhanh. Tuy nhiên, công tác quy hoạch đô thị, quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch tại nhiều khu vực, thuộc thẩm quyền của nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thực tế. Từ đó, phát sinh vấn đề vướng mắc liên quan đến pháp lý nhà, đất khiến chậm trễ trong công tác cấp giấy chứng nhận. Dù thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ, nhưng do hồ sơ tồn đọng quá nhiều qua các thời kỳ chưa thể giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo. Đơn cử, theo quy định trước đây, UBND cấp quận, huyện được phép cấp giấy chứng nhận lần đầu. Do đó, đối với các loại hồ sơ xin cấp mới không phải thông qua cấp thành phố. Tuy nhiên, từ khi Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) có hiệu lực, mọi loại giấy chứng nhận nhà đất đều phải thông qua Sở Tài nguyên - Môi trường.
Để tháo gỡ nhiều trường hợp ách tắc trong cấp giấy chứng nhận nhà đất, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường xem xét cấp giấy chứng nhận đối với các đối tượng đang sử dụng ổn định, phù hợp với quy hoạch và không có tranh chấp, khiếu nại. Còn đối với trường hợp do khó khăn về nhà ở nên người dân tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp, TP Hồ Chí Minh đề xuất được cấp giấy chứng nhận đối với các đối tượng được chính quyền địa phương xác nhận nhà ở đã tồn tại trên đất nông nghiệp trước thời điểm công bố quy hoạch, đối tượng hộ gia đình, cá nhân thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn của thành phố, không có chỗ ở khác. Riêng trường hợp nhà đất thuộc dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp, TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi người mua đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư thì phải được xem xét cấp giấy chứng nhận. Chính vì vậy, UBND thành phố cũng đã kiến nghị tháo gỡ vướng mắc này nhằm giúp người dân có nhà, đất hợp pháp.