Lại Yên mãi chưa… yên!
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:31, 11/11/2015
Cụm công nghiệp chuyên… bê tông
CCN Lại Yên (xã Lại Yên, huyện Hoài Đức) được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định 1215/QĐ-UB ngày 28-8-2002 với tổng diện tích 267.965m2. Sau 5 năm, CCN được UBND tỉnh Hà Tây tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết, theo đó diện tích CCN được điều chỉnh tăng thêm gần 5.000m2. Sau thời gian giải phóng mặt bằng, khoảng năm 2007-2008 các doanh nghiệp đi vào hoạt động. Thế nhưng, đến nay CCN đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Nhiều diện tích đất trong cụm công nghiệp Lại Yên vẫn bỏ hoang. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, điều khiến người dân và một số doanh nghiệp bất bình kéo dài trong suốt thời gian qua là việc con đường đi qua CCN quá xuống cấp, môi trường ngày càng ô nhiễm. Không chỉ vậy, qua thực tế, phóng viên nhận thấy tại CCN này còn nhiều tồn tại khác cần sớm giải quyết. Theo đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong CCN Lại Yên, cơ sở hạ tầng của CCN không được đầu tư bài bản, còn thiếu những hạng mục cơ bản như hệ thống xử lý nước thải, điện sản xuất… vì thế, các doanh nghiệp phải tự đầu tư. Các doanh nghiệp phải bỏ tiền xây dựng hệ thống cống gom nước thải (nước thải không qua xử lý mà đổ thẳng xuống cống), đồng thời là đường gom cho người, xe máy và xe thô sơ. Trải qua thời gian, hệ thống cống đã bị lấp đầy bùn, rác, hố ga mất nắp. Trước kia, có hơn 30 doanh nghiệp thuê đất để sản xuất, nhưng đến nay chỉ còn 3 doanh nghiệp chính chủ, còn lại đều không hoạt động sản xuất mà chỉ "sống" nhờ vào việc cho thuê lại đất. Một số doanh nghiệp hoạt động trong CCN "dở khóc, dở cười" vì sản xuất gặp nhiều khó khăn. Có doanh nghiệp sản xuất gỗ nội thất dù đầu tư hàng tỷ đồng cho máy móc, nhà xưởng nhưng phải chịu phá sản vì đường vào CCN quá xuống cấp khiến công nhân bỏ việc, khách hàng bỏ doanh nghiệp... Một người dân địa phương cho biết: Mấy năm gần đây, do đường liên xã Lại Yên - An Khánh quá xuống cấp, đi lại khó khăn nên người dân phải đi đường vòng, xa thêm vài ki lô mét.
Nhiều câu hỏi chưa có lời đáp
Mục sở thị CCN Lại Yên, có lẽ nhiều người sẽ đồng cảm với ý kiến của doanh nghiệp và người dân nơi đây. Hai bên đường là những ụ, dải bê tông chềnh ềnh, giữa đường là những hố lồi lõm khiến những chiếc xe tải trọng lớn vất vả mới qua được. Ngày nắng, bụi bay mù mịt, trời mưa, lớp bùn trên bề mặt đường trở lên đặc quánh, nhão nhoét, những ổ voi, ổ trâu như thử thách người đi đường. Nói đến CCN, người ta thường nghĩ đến sự nhộn nhịp, sôi động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng tại CCN này nhiều nhà xưởng "cửa đóng, then cài", có doanh nghiệp xây tường bao để giữ đất, rất ít doanh nghiệp hoạt động sản xuất theo đúng ngành nghề đăng ký ban đầu. Có lẽ, "đặc điểm" nổi trội của CCN này là có nhiều doanh nghiệp sản xuất bê tông thương phẩm, cùng một con đường bị bỏ quên nhiều năm.
Ông Lê Văn Hường, Chủ tịch UBND xã Lại Yên cho biết: Các hộ gia đình và doanh nghiệp hoạt động trong CCN Lại Yên đều được UBND huyện và UBND thành phố cho thuê đất nên xã không nắm rõ thông tin, cũng không cơ quan, đơn vị nào thông báo hoạt động tới UBND xã ngoài Công ty TNHH Sungshin Vina - sản xuất bê tông thương phẩm. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường của CCN, UBND xã nhiều lần mời các doanh nghiệp sản xuất bê tông đến ký cam kết không gây ô nhiễm môi trường, nhưng ký xong... đâu vẫn hoàn đó. UBND xã đã đề nghị các phòng, ban chức năng của huyện giúp bắt xe đổ trộm bê tông… nhưng đến nay chưa thấy xe nào bị xử lý. Trước những thông tin trên, chúng tôi đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Hoài Đức, song những thông tin chúng tôi nhận được cũng chưa đầy đủ.
Theo đó, CCN Lại Yên có 32 đơn vị, hiện tại có 4 doanh nghiệp đang cho thuê lại đất và một doanh nghiệp đang làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hiện CCN chỉ có 26 doanh nghiệp đang hoạt động với các ngành nghề như: Sản xuất đồ gỗ, làm hương, sản xuất cơ khí, gia công kính, bi thủy tinh đồ chơi, dệt len, sản xuất hạt nhựa, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất sơn, kinh doanh xăng dầu… và có đến 7 doanh nghiệp sản xuất bê tông thương phẩm, vật liệu xây dựng. Tám hộ do UBND huyện Hoài Đức ký hợp đồng cho thuê đất không có cơ sở nào xin thuê đất để sản xuất bê tông. Còn 24 doanh nghiệp do cấp thành phố cho thuê đất thì UBND huyện Hoài Đức bỏ ngỏ thông tin về việc có doanh nghiệp nào được phép sản xuất bê tông hay không. Tuy nhiên, đại diện UBND huyện Hoài Đức cũng khẳng định: "Các đơn vị sản xuất kinh doanh khi thuê đất đều được thực hiện các thủ tục đăng ký giấy phép về môi trường theo quy định" và thừa nhận: "Gần đây một số đơn vị sản xuất bê tông hoạt động tại CCN Lại Yên vận chuyển bê tông rơi vãi ra đường, gây khó khăn trong việc đi lại, ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước và môi trường. UBND huyện cũng chỉ đạo các ban, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý, song hiệu quả còn hạn chế"… Còn về con đường qua CCN, UBND huyện đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục lập dự án đầu tư, xây dựng đường Lại Yên - An Khánh, đoạn Cầu Khum - Đìa Sáo, dự kiến sẽ khởi công vào quý IV năm 2015.
Như vậy, từ việc một con đường xuống cấp đã phơi bày nhiều vấn đề khác. Khi đi vào hoạt động, đơn vị nào cũng phải tuân thủ các quy định về môi trường, vậy 7 doanh nghiệp đang sản xuất bê tông thương phẩm có bao nhiêu đơn vị hoạt động đúng phép? Tại sao có nhiều đoàn kiểm tra, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn ở mức ngày càng gia tăng, gây bất bình cho người dân và chính những doanh nghiệp khác trong CCN? Khi bài báo này lên trang, cũng là lúc dự án xây dựng đoạn đường Cầu Khum - Đìa Sáo bắt đầu được triển khai. Song nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn vì nếu những đơn vị sản xuất bê tông chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng còn buông lỏng quản lý thì liệu tình trạng ô nhiễm môi trường ở Lại Yên có được giải quyết triệt để?
Để CCN Lại Yên hoạt động thiếu quy củ trong suốt một thời gian dài trách nhiệm thuộc về ai ?