1 ha đất nông lâm trường nộp ngân sách tương đương... 5 kg gạo

Kinh tế - Ngày đăng : 23:13, 10/11/2015

(HNMO) - Trong khi ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng giá trị nộp ngân sách của mỗi ha đất nông lâm nghiệp chỉ bằng vài chiếc kẹo thì ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) lại ví với 5kg gạo.

Ngày 10/11, sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, QH đã dành toàn bộ thời gian còn lại để thảo luận tại hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014.

"Càng làm càng thấy đau đầu"

Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận định, trong 10 năm qua, kết quả nổi bật là việc quản lý, sử dụng đất đai của phần lớn các nông, lâm trường trong cả nước đã có bước chuyển khá tích cực, nhất là các đơn vị đã cổ phần hóa; hiệu quả sử dụng đất nâng lên, góp phần nâng cao đời sống người lao động trong các nông, lâm trường.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước


Tuy nhiên, cũng theo ông Phước, việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tiến độ thực hiện rà soát, sắp xếp, đổi mới về quản lý sử dụng đất của các nông, lâm trường còn chậm; chất lượng công tác quản lý, sử dụng đất đai chưa được nâng cao. Tình trạng bản đồ và hồ sơ quản lý đất đai kém chất lượng, thiếu chính xác, không được chỉnh lý kịp thời, không phản ánh đúng thực tế quản lý, sử dụng đất chưa được khắc phục; việc xác định, cắm mốc và lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất chưa được thực hiện đối với hầu hết các nông, lâm trường.

Kết thúc phần trình bày báo cáo, phát biểu thêm với QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước chia sẻ thêm: “Chúng ta đã có luật, các văn bản dưới luật cũng đã có khá đầy đủ, nếu thực hiện nghiêm thì rất ổn. Về việc này, ý Đảng lòng dân đều thống nhất, vấn đề chính là tổ chức thực hiện. Công tác giám sát thanh tra còn yếu. Nhiều trường hợp phát hiện sai phạm rồi xử lý không nghiêm minh”. Thậm chí, vẫn còn tình trạng các cơ quan chính quyền rất lúng túng, “nhìn nhau để xử lý”.

“Nói thật với Quốc hội, chúng tôi càng làm càng thấy đau đầu” - ông Ksor Phước giãi bày.

"Mổ xẻ" hiệu quả hoạt động của các nông lâm trường

Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, việc quản lý sử dụng đất tại các nông lâm trường quốc doanh chưa đạt được hiệu quả cao thể hiện ở chỗ, trong khi nhiều người dân thiếu đất ở và đất sản xuất để an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống thì tại các nông, lâm trường, các dự án thăm dò khoáng sản, các dự án trồng rừng, các dự án thủy điện lại được bố trí phần diện tích đất lớn nhưng sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích và chậm được nhà nước thu hồi.

Đại biểu phân tích thêm, trong khi người dân thiếu đất sản xuất để duy trì cuộc sống hàng ngày thì lại có một số công ty ký hợp đồng khoán với cá nhân bên ngoài địa phương mà không ký khoán với người dân đã gây ra những bức xúc, những mâu thuẫn giữa các công ty, lâm trường với hộ dân, giữa hộ dân với chính quyền địa phương. Từ đó, đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp khiếu kiện về đất đai mà chính quyền địa phương, các bộ, ngành, Chính phủ khó giải quyết dứt điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cùng nhiều ĐB khác đều cùng quan điểm khi cho rằng, hiệu quả sử dụng đất của các nông, lâm trường hiện rất thấp, thất thu tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.

ĐB này nêu ra hàng loạt minh chứng: "Hiện có hơn 428 nghìn héc ta đất chưa sử dụng, sử dụng vào mục đích khác để hoang hóa. Các công ty còn nợ 51% tiền sử dụng đất, 20% tiền thuế phải nộp. Các nông, lâm trường quản lý đất đai là khá lớn, khoảng 8 triệu héc ta. Riêng các công ty nông, lâm nghiệp là hơn 2.800 nghìn héc ta nhưng nộp ngân sách Nhà nước chỉ được 1.722 tỷ đồng là quá thấp trong vòng 10 năm. Năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp, việc rà soát, sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường theo Nghị quyết 28.

Hơn 10 năm thực hiện còn chậm, chất lượng hiệu quả thấp, có công ty nông nghiệp đã phá sản nhưng vẫn còn tồn tại. Hầu hết các nông, lâm trường mới sắp xếp lại tổ chức để thực hiện chuyển đổi tên gọi thành công ty mà chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp, tức là bình mới mà rượu vẫn cũ. Tại một số đơn vị sau khi cổ phần hóa công tác quản lý đất đai vẫn tiếp tục lỏng lẻo. Nhiều nơi khoán trắng đất cho người lao động nhưng buông lỏng không quản lý được hợp đồng giao khoán. Có nơi khoán trắng, khoán trái pháp luật, có tình trạng khoán trắng theo kiểu phát canh thu tô.

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá)


ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cũng nêu theo báo cáo của Tổng cục thuế có 6 đơn vị không có số liệu thu vào ngân sách. Còn tất cả các địa phương có đất rừng còn lại trong giai đoạn năm 2004 - 2014 chỉ nộp được 1.700 tỷ đồng (ĐB nói số tròn). "Bình quân 1 hecta đất sản xuất phải kê khai để làm nghĩa vụ tài chính trong mỗi năm chỉ nộp vào ngân sách nhà nước 80 đến 90 ngàn đồng tương đương với giá trị của vài chiếc kẹo, một con số cho thấy hiệu quả sản xuất kinh doanh là không thể chấp nhận được. Điều đó cũng có nghĩa là sự thât thoát lãng phí " - ông Diệu nhìn nhận.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cũng đưa ra con số phân tích tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông, lâm trường trong 10 năm từ năm 2004 - 2014 chỉ được 1.800 tỷ đồng. Như vậy tính bình quân mỗi ha/năm bình quân chỉ đạt 90.000 đồng, tương đương với khoảng 5kg gạo.

Nêu con số khoảng 17.000 ha rừng của Hà Nội, đại biểu Bùi Thị An cũng cho hay, dù được giao tài sản rất lớn, hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn ha nhưng nhiều nông, lâm trường vẫn nợ lương công nhân."Vẫn nợ thuế, vẫn nợ ngân hàng mà gần như vô vọng, không nhìn thấy tương lai nguồn thu nào để trả nợ" - bà An nói.

Trong phiên làm việc buổi chiều, cả hai bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đều đồng tình với những ý kiến của các đại biểu, đồng thời thấy rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với những tồn tại yếu kém kéo dài trong quản lý đất đai nông lâm trường như các đại biểu đã nêu.

Ngân Hạ