Đã bố trí được hơn 11.000 tỷ để tăng lương cơ sở lên 5%
Đời sống - Ngày đăng : 20:15, 10/11/2015
ĐB Bùi Đức Thụ chia sẻ việc cân đối NSNN năm nay cực khó khăn. |
Ông Thụ cho biết, ngoài việc tăng lương như năm 2015 cho những người nghỉ hưu và cho đối tượng có thu nhập lương thấp dưới 2,34 thì việc tăng 5% từ 1/5/2016 đòi hỏi khoảng trên 11.000 tỷ đồng để thực hiện việc tăng lương cơ sở lên 5%.
Để bố trí được số tiền đó thì phải cơ cấu lại chi, trong đó rà soát lại, cắt giảm chi thường xuyên, đặc biệt cắt giảm 30% đối với hội nghị, hội thảo, một số lĩnh vực mua sắm chưa thật cần thiết; rà soát lại đầu tư, những dự án nào chưa thật cấp bách có thể điều chỉnh và cũng triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên; đối với chi trả nợ giữ nguyên mức độ và bội chi NSNN giữ nguyên mức 254.000 tỷ đồng.
"Với tinh thần triệt để tiết kiệm, nhất là với các khoản chi chưa thật cần thiết và cơ cấu mạnh lại chi NSNN trên tinh thần chi tiết kiệm thì đã bố trí được nguồn để thực hiện cải cách tiền lương" - ông Thu khẳng định.
Ông Thụy cũng nói thêm, trong hơn 11.000 tỷ để điều chỉnh tiền lương từ 1/5/2016 theo mức tăng lương cơ sở lên 5% thì hơn một nửa của ngân sách địa phương. Uỷ ban Tài chính Ngân sách đã thống nhất được với các bộ về nguồn tiền này và thống nhất trình Quốc hội phương án cải cách tiền lương, nâng lương cơ sở từ 1/5/2016. Như vậy mức lương cơ sở sẽ là 1.210.000 đồng
"Quả thật cân đối NSNN năm nay cực khó khăn. Thu thì giảm nhưng áp lực chi tăng. Nguyên điều chỉnh chuẩn nghèo thì đã làm phát sinh tăng chi cho an sinh xã hội lên đến 17.000-18.000 tỷ đồng. Và bây giờ nếu điều chỉnh tiền lương tăng ở mức thấp, chỉ có 5% lương cơ sở thì đã tăng lên 11.100 tỷ đồng và rất nhiều áp lực khác.
Ngay cả chi trả nợ thì năm nay bố trí khá hơn năm ngoái là 155.000 tỷ đồng nhưng vẫn còn phải đảo nợ đến 95.000 tỷ đồng. Để thực hiện cân đối đó, trong điều kiện thu như vậy thì chúng ta đã huy động các nguồn lực khác để bổ sung. Ví dụ như sử dụng 30.000 tỷ đồng từ bán cổ phần nhà nước trong các DN để có nguồn chi trong năm 2016; cho phép sử dụng quỹ làm lương của một số tỉnh dư thừa để sử dụng 12.000 tỷ đồng bổ sung chi đầu tư 2016...
Áp lực làm lương lúc đầu rất khó, nhưng quan điểm chúng tôi cho đó là cần thiết và cấp bách, cần xử lý mạnh hơn, nhất là trong điều kiện một số khoản chi chưa thực sự tiết kiệm, tình trạng nợ đọng thuế tương đối lớn, trên 76.000 tỷ đồng (trong số đó một nửa có khả năng thu được); lộ trình làm lương chậm lại và người hưởng lương tương tối nhiều. Trong số người hưởng lương đó tuyệt đại bộ phận thu nhập bằng lương là chính trong khi giá dịch vụ y tế, giáo dục, sinh hoạt đều tăng khiến mức sống khó khăn. Do vậy cải cách tiền lương đợt này thấp, chỉ là 5% so với 8% so với các lần trước, nhưng đấy là cố gắng lớn.
Việc tăng 5% mang cả ý nghĩa vật chất và tinh thần vì không đạt được kỳ vọng tối thiểu tăng 8% như đã tăng cho đối tượng nghỉ hưu, đối tượng lương thấp từ năm 2015" - ông Thụ chia sẻ