Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm: Tôi ủng hộ tự do lãi suất!

Tài chính - Ngày đăng : 17:22, 10/11/2015

(HNMO) - ĐB Quốc hội Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tự do hóa lãi suất là con đường tất yếu phải thực hiện.


Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ĐB Quốc hội Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng, tự do hóa lãi suất là con đường tất yếu phải thực hiện. Bởi chỉ khi mặt bằng lãi suất được xây dựng bằng sự cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng thì người dân, doanh nghiệp mới có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn tín dụng.

ĐBQH Cao Sĩ Kiêm.


Ở kỳ họp thứ Quốc hội khóa XIII, ông có đề cập và ủng hộ vấn đề tự do hóa lãi suất nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các tổ chức tín dụng. Tại kỳ họp thứ 10 đang diễn ra, ông có bảo lưu quan điểm này khi thảo luận về điều 475 của Bộ luật Dân sự (sửa đổi)?

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm: Theo tôi, tự do hóa lãi suất là con đường mà bất cứ quốc gia nào hoạt động theo quy tắc kinh tế thị trường cũng phải thực hiện và trên thực tế, nhiều quốc gia đã áp dụng và gặt hái được những thành công. Theo lý thuyết kinh tế học, khi nền kinh tế vận hành theo thị trường thì phải tự do hóa lãi suất. Hiện chúng ta quyết tâm vận hành nền kinh tế theo thị trường nhưng thực tế vẫn chưa đầy đủ bởi chúng ta vẫn còn nhiều lĩnh vực phải ưu tiên. Tuy nhiên, nếu tiếp tục sử dụng các công cụ quản lý nhà nước như quy định về trần lãi suất để lấp lỗ hổng sẽ rất dễ nảy sinh tiêu cực, đặc biệt là trong hoạt động cho vay thương mại.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định về trần lãi suất tại Bộ luật Dân sự sửa đổi là nhằm hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi. Nhưng luật chuyên ngành, cụ thể là Luật Ngân hàng nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định rõ điều này, nên sẽ gây ra tình trạng luật “bức tử” luật. Ý kiến của ông về vấn đề này?

ĐBQH Cao Sĩ Kiêm:

“Nên để các ngân hàng tự đưa ra quy định về lãi suất, như vậy, tất cả các tổ chức tín dụng sẽ cạnh tranh lành mạnh và có quyền lợi, trách nhiệm ngang nhau”

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm: Sở dĩ Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vẫn còn có quy định về điều này là do một số nơi vẫn giữ quy định về lãi suất cơ bản để phân biệt lãi suất lãi suất cho vay thương mại, hiện quy định ở mức 200%. Theo tôi, quy định như vậy là để bảo đảm yếu tố quản lý. Thế nhưng, để bỏ quy định này khỏi Bộ luật Dân sự, Ngân hàng Nhà nước phải thay đổi cách quản lý vì lâu nay ta không công bố lãi suất cơ bản, có khi 3-4 năm cũng không công bố. Trong khi đó, ở nước ngoài, Ngân hàng trung ương sẽ lấy lãi suất của 5 ngân hàng lớn chia bình quân để áp chung cho các tổ chức tín dụng nhằm khống chế lãi suất một cách khoa học. Mức lãi suất bình quân này được công bố thường xuyên và đây chính là nền lãi suất mà toàn xã hội phải tuân theo. Cũng như ở nước ta, đã quy định rồi mà tổ chức nào cho vay lãi suất vượt quá 200% chắc chắn sẽ bị huýt còi bởi họ đã cho vay nặng lãi. Còn nếu cứ để tự do hóa lãi suất và cạnh tranh lãi suất theo thị trường thì tổ chức tín dụng nào cho vay ưu đãi hơn, người vay sẽ tự tìm đến.

Nhiều tổ chức tín dụng đang kỳ vọng quy định về trần lãi suất sẽ được gỡ bỏ khỏi Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), để luật chuyên ngành điều chỉnh lãi suất. Ông nghĩ gì về đề xuất này?

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm: Luật Dân sự là Bộ luật giải quyết những vấn đề dân sự liên quan giữa con người với con người trong đó có cả lĩnh vực cho vay. Song tôi cho rằng khi vận dụng vào trường hợp đặc biệt của Luật chuyên ngành phải linh hoạt, sao cho Luật này không ngược với luật kia.

Tới đây, khi biểu quyết về Bộ luật Dân sự (sửa đổi), ông sẽ chọn phương án nào hay vẫn bảo lưu quan điểm từ kỳ họp trước?

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm: Tôi ủng hộ quan điểm tự do hóa lãi suất. Theo tôi, nên để các ngân hàng tự căn cứ vào chất lượng kinh doanh và từ đó đưa ra quy định về lãi suất. Làm như vậy, tất cả các tổ chức tín dụng sẽ cạnh tranh lành mạnh và có quyền lợi, trách nhiệm ngang nhau. Khi đó, lãi suất chỉ có giảm, chứ không có tăng, như vậy mới thu hút được khách hàng.

Nếu quản chặt quá vô tình sẽ bó buộc sự năng động sáng tạo của các tổ chức tín dụng. Bởi trên thực tế, nhiều khách hàng cần vốn vay để thực hiện những hợp đồng có thể thu về lãi suất cao hơn nhiều lần chi phí bỏ ra. Khi đó, khách hàng sẵn sàng vay với lãi suất cao nếu được đáp ứng nguồn vốn kịp thời để họ không bị mất thời cơ.

Bởi vậy, theo tôi, nên để động lực thị trường quyết định lãi suất và không nên can thiệp bằng biện pháp hành chính.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Hoàng Lan