Nâng cao chất lượng quản lý, đẩy mạnh thu hút đầu tư

Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 10/11/2015

(HNM) - Tính đến hết tháng 10-2015, các khu công nghiệp và chế xuất (KCN-CX) trên địa bàn Hà Nội đã thu hút được 602 dự án, trong đó có 312 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với số vốn đăng ký đạt 4,9 tỷ USD; 290 dự án trong nước, vốn đăng ký đạt 11.700 tỷ đồng.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam


Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp (DN) trong các KCN-CX, TP Hà Nội nói chung, Ban Quản lý (BQL) các KCN-CX Hà Nội nói riêng đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Đóng góp ngày càng lớn

Theo BQL các KCN-CX Hà Nội, hiện có 33 KCN nằm trong danh mục quy hoạch phát triển của thành phố, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 6.693ha. Đến nay, Hà Nội đã, đang phát triển 19 KCN, khu công nghệ cao với tổng diện tích gần 4.100ha. Trong đó, có 8 KCN tổng diện tích 1.236ha đã được xây dựng, đưa vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 90%; 4 KCN đang trong giai đoạn triển khai chuẩn bị đầu tư và xây dựng, tổng diện tích 1.084ha; 7 KCN có trong danh mục quy hoạch phát triển các KCN cả nước đến năm 2020, đang trong giai đoạn lập quy hoạch, tổng diện tích 1.749,5ha.

Tính đến hết tháng 10-2015, các KCN-CX Hà Nội đã thu hút 602 dự án và 545 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) đạt hiệu quả cao, thu hút hơn 14 vạn lao động; mức tăng trưởng doanh thu bình quân đạt khoảng 11%/năm, nộp ngân sách hơn 2.230 tỷ đồng/năm. Ước cả năm 2015, các KCN Hà Nội sẽ đạt khoảng 6 tỷ USD doanh thu, nộp ngân sách khoảng 140 triệu USD (tương đương hơn 3.000 tỷ đồng), chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Chiếm tỷ trọng lớn trong các KCN-CX Hà Nội là các DN FDI đến từ những tập đoàn hàng đầu thế giới, sản xuất sản phẩm công nghệ cao như: Canon, Panasonic, Meiko, Toto (Nhật Bản)... có mức vốn đăng ký 250-300 triệu USD.

Để bảo đảm sự đồng bộ về hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động, BQL các KCN-CX Hà Nội đã tích cực đôn đốc triển khai chương trình bổ sung quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân, các công trình phúc lợi phục vụ công nhân lao động, như khu nhà ở công nhân Kim Chung diện tích 20ha đã được bàn giao đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho gần 8.000 lao động của KCN Thăng Long; khánh thành nhà trẻ, mẫu giáo trong khu nhà ở công nhân với 9 phòng học có thể tiếp nhận 220 cháu. Bên cạnh đó, BQL đã hỗ trợ Tập đoàn Đầu tư Phú Mỹ (chủ đầu tư KCN Phú Nghĩa) đầu tư dự án khu nhà ở công nhân trên diện tích 3,7ha; hỗ trợ các Công ty TNHH: Điện tử Meiko Việt Nam, Young Fast Việt Nam (KCN Thạch Thất - Quốc Oai) tự xây dựng nhà ở công nhân, với tổng diện tích hơn 35.000m2.

Chú trọng cải cách thủ tục hành chính

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với DN, nhất là DN FDI trong các KCN-CX Hà Nội, TP Hà Nội nói chung, BQL các KCN-CX Hà Nội nói riêng đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách TTHC, nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư; hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy SXKD, góp phần ổn định KT-XH Thủ đô.

Ông Phạm Khắc Tuấn, Trưởng BQL các KCN-CX Hà Nội cho biết, BQL đang thực hiện 136 TTHC, trong đó thường xuyên rà soát, đơn giản hóa TTHC trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước; tăng cường tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, chủ DN và người lao động về các quy định hành chính, TTHC. Thực hiện đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" giữa các phòng, đơn vị và phối hợp giữa BQL với các sở, ngành của thành phố trong giải quyết TTHC; tư vấn miễn phí cho DN đến giao dịch giải quyết TTHC. Tập trung xây dựng, hoàn thiện quy trình triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ của BQL theo hướng chuẩn hóa để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm. Bên cạnh công tác quản lý nhà nước, BQL còn hỗ trợ DN tuyển dụng lao động, tổ chức nhiều lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, tư vấn hỗ trợ đầu tư, xây dựng, môi trường... đạt hiệu quả; tạo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật nhằm thu hút đầu tư, giảm suất đầu tư cho DN.

Việc xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong các DN KCN cũng được BQL chú trọng thực hiện nhằm củng cố, phát triển, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho chủ sử dụng lao động và người lao động trong các KCN Hà Nội, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Hiện, Đảng bộ các KCN-CX Hà Nội có 41 tổ chức Đảng trực thuộc, trong đó có 3 đảng bộ và 38 chi bộ trực thuộc, với 644 đảng viên. Tổ chức công đoàn các KCN-CX có 254 tổ chức công đoàn cơ sở với hơn 101.000 đoàn viên. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các KCN-CX Hà Nội hiện có 20 tổ chức, với 1.699 đoàn viên. Các tổ chức, đoàn thể đã phối hợp tốt với BQL trong việc chăm lo quyền lợi và đời sống cho người lao động.

Trải qua 20 năm xây dựng, phát triển, các KCN-CX Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư của các DN FDI, qua đó tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp Thủ đô và các tỉnh lân cận. Ghi nhận những thành tích đã đạt được, nhiều năm qua BQL các KCN-CX Hà Nội đã được cấp có thẩm quyền tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhì. 

Thanh Hiền