Thực hiện Chính phủ điện tử: Lo ngại triển khai ì ạch
Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 10/11/2015
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính phủ điện tử sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Ảnh: Viết Thành |
Tuy nhiên, dư luận lo ngại, vì lợi ích của mình, nhiều đơn vị sẽ không tích cực áp dụng, "liên" nhưng không "thông". Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Lê Mạnh Hà khẳng định, sẽ áp tiến độ với những bộ, ngành, địa phương có biểu hiện trên.
Tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, mục tiêu của Nghị quyết 36a là 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng; thiết lập cổng dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng, liên thông văn bản từ cấp trung ương đến xã. Qua đó, nâng vị trí của Việt Nam về CPĐT theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Chính phủ yêu cầu trong 3 năm 2015-2017, các ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí. Hết năm 2016, các bộ, ngành có 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên mạng.
Đến thời điểm này, UBND 27 tỉnh, thành phố và 3 bộ: Y tế, Kế hoạch - Đầu tư, Thông tin - Truyền thông đã thực hiện kết nối, liên thông thử nghiệm phần mềm quản lý văn bản với hệ thống giả lập của VPCP, nhằm liên thông gửi, nhận văn bản giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau, với Chính phủ, VPCP và ngược lại; phản hồi tình trạng xử lý văn bản chỉ đạo điều hành từ Chính phủ đến các cấp hành chính của bộ, ngành, địa phương. Kết quả cho thấy, việc liên thông văn bản điện tử thông suốt từ trung ương đến địa phương. Khảo sát sơ bộ, 90% cán bộ, công chức đã được trang bị máy tính phục vụ công việc hằng ngày, 100% cơ quan nhà nước được trang bị hệ thống văn bản quản lý điều hành, thư điện tử. Gần như tất cả bộ, ngành, tỉnh, thành đều đã có hệ thống quản lý văn bản, giấy tờ hành chính. Việc tiếp theo là kết nối, liên thông với nhau. Phát triển CPĐT tới đây sẽ tập trung vào ba nhóm lĩnh vực: Nhóm liên quan trực tiếp tới số đông như đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường; nhóm tạo tác động sâu rộng như quản lý doanh nghiệp, đầu tư và nhóm hoạt động dễ phát sinh tiêu cực như thuế, hải quan, dịch vụ công.
Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm
Dù vậy, trước tình hình cơ chế hải quan "một cửa" đã được triển khai, nhưng việc kết nối, liên thông vẫn còn hạn chế, lỏng lẻo. Ngay tại Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2015 vẫn còn có hiện tượng các sở, ngành chậm ban hành kế hoạch cải cách hành chính theo tiến độ UBND thành phố đề ra, điển hình là Sở GD-ĐT, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Y tế. Tại các địa phương, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước vẫn mang tính nội bộ, thiếu tính kết nối, khiến dư luận cho rằng, cần phải tạo áp lực mạnh hơn, giám sát chặt chẽ, tránh tối đa hiện tượng ì ạch trong việc triển khai cải cách hoặc có sửa đổi nhưng lại theo hướng tệ hơn trước.
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà khẳng định, mục tiêu đề ra là từ ngày 1-1-2016 phải liên thông được tất cả hệ thống quản lý văn bản của tất cả các nơi với VPCP. Sau khi kết nối thành công, sẽ công khai kết quả xử lý hồ sơ của tất cả tỉnh, thành phố, bộ, ngành để nội bộ thi đua và người dân giám sát. Các bộ, ngành, địa phương nào chưa tích cực sẽ bị áp đặt tiến độ. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm cá nhân trước kết quả ứng dụng công nghệ thông tin ở cơ quan của mình.
Theo tính toán sơ bộ, nếu thực hiện hiệu quả, CPĐT còn giúp tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà lấy ví dụ, riêng về ngành Y tế, mỗi năm chi trả bảo hiểm khoảng 50.000 tỷ đồng và có hiện tượng sai sót, tiêu cực, có phần do cách làm hồ sơ thủ công. Khi ứng dụng tin học vào kê khai hồ sơ, rồi chữ ký số... chắc chắn tiêu cực, sai sót sẽ giảm, số tiền tránh thất thoát sẽ khoảng 5.000 tỷ đồng - một con số không nhỏ...
Hiện Chính phủ đã tiên phong thử nghiệm mở trên facebook tài khoản "Thông tin Chính phủ" để đăng tải các thông cáo báo chí, thông tin về lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, cũng như một số hoạt động của Chính phủ để cộng đồng facebooker, người sử dụng internet và toàn thể mọi người quan tâm biết vì sức mạnh của internet là rất lớn. Ông Vi Quang Đạo, Tổng Giám đốc Chinhphu.vn cho biết, thử nghiệm từ đầu tháng 10 tới nay thấy phản hồi khá tích cực. Thời gian tới, Chinhphu.vn sẽ lập dự án, hợp tác chính thức với facebook tại Việt Nam trong việc đưa thông tin Chính phủ lên mạng xã hội. |