Bảo đảm chỉ tiêu số người tham gia bảo hiểm y tế: Vào hồi “nước rút”
Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 10/11/2015
Tham gia bảo hiểm y tế giúp những người kém may mắn được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ảnh: Kỳ Anh |
Huyện Đan Phượng vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với hàng loạt các chỉ tiêu đạt cao như: Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,2%, thu nhập bình quân 28,8 triệu đồng/người/năm; 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế, trong đó 14/15 xã đạt chuẩn mức độ 2; 45 làng đạt danh hiệu văn hóa, 90% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa… Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn huyện Đan Phượng lại nằm trong tốp cuối của thành phố. Tính đến ngày 30-9, bình quân toàn huyện Đan Phượng có 443 người/xã tham gia BHYT, xếp thứ 22/30 quận, huyện; tỷ lệ bao phủ BHYT trên tổng số dân đạt hơn 62%, trong khi chỉ tiêu đề ra hết năm 2015 là 75%. Mặc dù, ngành BHXH huyện Đan Phượng đã và đang tích cực tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo sát sao các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các xã, thị trấn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, song đây vẫn là chỉ tiêu khó có thể "về đích".
Theo thống kê của BHXH thành phố, tỷ lệ bao phủ BHYT ở các khối có đặc thù, thấp nhất phải kể đến là khối doanh nghiệp, mới đạt khoảng 40% so với tổng số doanh nghiệp thực tế. Trong khối học sinh (HS) tham gia BHYT, dù tỷ lệ luôn đạt khá cao với 88,3% bình quân toàn thành phố năm học 2014-2015, song còn 11 huyện, thị xã có tỷ lệ HS tham gia dưới mức bình quân này. Đối với khối sinh viên (SV) các trường đại học, cao đẳng, THCN, năm học 2014-2015 đạt 83,3% nhưng vẫn còn nhiều trường chỉ đạt dưới 50%. Đặc biệt, tỷ lệ SV năm thứ hai trở đi không tham gia là khá cao.
Đối với BHYT hộ gia đình, toàn thành phố có hơn 349 nghìn người tham gia, bình quân mỗi xã, phường, thị trấn là 598 người/xã. Một số quận, huyện có số người tham gia bình quân cao như: Hoàng Mai 1.244 người/phường, Thanh Xuân có 1.064 người/phường, Đống Đa có 1.032 người/phường, Hai Bà Trưng có 974 người/phường… Một số xã, phường tiêu biểu như: Khương Trung (Thanh Xuân) có 2.636 người tham gia; xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) có 2.133 người tham gia… Tuy nhiên, ở khu vực ngoại thành còn chưa "đả thông" được tư tưởng cho người dân tham gia BHYT nên con số rất thấp như ở Mỹ Đức chỉ đạt 251 người/xã; Phúc Thọ 282 người/xã; Quốc Oai 304 người/xã; Ba Vì 316 người/xã; Thanh Oai 410 người/xã và ở Đan Phượng là 443 người/xã…
Tăng số tiền đóng, tăng một số quyền lợi cho người tham gia BHYT, đặc biệt là viện phí và một số dịch vụ y tế tăng cao là những điểm mới, "nóng", không chỉ những người đang tham gia BHYT quan tâm mà cần tuyên truyền mạnh cho những người chưa tham gia. Không ai mong muốn mình bị đau ốm, bệnh tật hay tai nạn rủi ro, tuy nhiên, tấm thẻ BHYT vừa là sự phòng hộ cho bản thân và gia đình khi lỡ gặp phải, vừa là sự chung tay sẻ chia với những người kém may mắn trong xã hội, để chính sách an sinh cho toàn dân đạt kết quả cao.
Chỉ còn gần 2 tháng nữa để thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT 77,2% dân số mà Chính phủ giao. Đây rõ ràng không chỉ là bài toán khó mà còn là thách thức đối với ngành BHXH cũng như toàn thành phố. Cùng với nhiều biện pháp, ngành BHXH đang đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi cho các bên tham gia BHXH, BHYT, triển khai giao dịch điện tử trong cấp, đổi thẻ…
UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã cần đưa chỉ tiêu BHYT vào chuẩn nông thôn mới với tỷ lệ đạt trên 70%. Đặc biệt, thành phố yêu cầu giao chỉ tiêu cho mỗi xã, phường phải đạt 1.000 người tham gia BHYT trở lên; đối tượng HS, SV phấn đấu phải đạt 100%. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm cho người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi cao nhất.