Phá đường dây hù dọa, lừa đảo 2 tỉ đồng qua điện thoại

Pháp luật - Ngày đăng : 20:23, 09/11/2015

Một nhóm người Việt lập ra một


Tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp lập “đại bản doanh” ở Trung Quốc, tuy nhiên nhóm tay chân người Việt đã lập một “nhánh” riêng để gọi điện lừa đảo nạn nhân chuyển tiền.

Chiều 8/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã dẫn giải đối tượng Vũ Văn Ngoan (29 tuổi, ngụ H.Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) từ Hải Phòng về TP.HCM để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoan là một thành viên trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia bằng chiêu thức gọi điện thoại đe dọa, khủng bố tinh thần nạn nhân để buộc họ chuyển tiền vào tài khoản của nhóm.

Vũ Văn Ngoan tại Cơ quan điều tra Công an TP.HCM


Giả công an, kiểm sát để hù dọa chuyển tiền

Ngày 3/11, bà T.N.H. (ngụ TP.HCM) nhận một cuộc điện thoại vào số máy nhà riêng, người gọi tự xưng là thuộc Cơ quan điều tra Công an Hà Nội, thông báo bà nằm trong danh sách của một đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia.

Bà H. vừa sợ hãi, vừa giận dữ, khẳng định mình không có liên quan gì với tội phạm. Người gọi liền gợi ý: “Nếu không tham gia tổ chức buôn bán ma túy, đề nghị bà hợp tác với cơ quan điều tra”.

Vậy là lần lượt các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền trong tài khoản, sổ tiết kiệm, tài sản trong nhà được bà H thống kê đầy đủ, khai báo thành khẩn với "cơ quan điều tra”.

Nắm được thông tin về tài sản trong nhà, trong tài khoản bà H. còn có 2 tỉ đồng, nhóm lừa đảo đã lần lượt đi từng bước để đánh vào tâm lý của bà H., khiến bà mất kiểm soát và lần lượt làm theo hướng dẫn.

Đầu tiên, các đối tượng gọi điện đề nghị bà rút tiền trong tài khoản chuyển vào số tài khoản mang tên Trần Văn Mạnh tại ngân hàng Sacombank Chi nhánh Hải Dương để “điều tra nguồn gốc số tiền có phải do rửa tiền cho nhóm buôn ma túy mà có hay không”.

Sau hơn 4 giờ đồng hồ chuyển 15 triệu đồng đi, bà H. nhận lại số tiền vào tài khoản với thông báo: “Số tiền này không phải từ đường dây mua bán ma túy, Cơ quan điều tra trả lại đầy đủ và đề nghị bà tiếp tục chuyển số tiền còn lại để xác minh”.

Quá sợ hãi và tin rằng tiền chuyển đi xác minh xong sẽ được trả về, bà H. lại chuyển tiếp 315 triệu đồng nữa vào hai số tài khoản mở tại ngân hàng Agribank Chi nhánh Bắc Ninh với hi vọng sẽ “được minh oan” và trả lại tiền.

Do liên tục bị bắt buộc giữ liên lạc qua điện thoại, cộng thêm những lời lẽ đe dọa, yêu cầu rút tiền từ tài khoản của mình chuyển cho người khác khiến bà H. hoài nghi.

Cộng thêm thời gian liên lạc, chuyển tiền qua lại kéo dài, nhiều người thân, quen của bà H. phát hiện và tố cáo tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.

Các cán bộ, trinh sát, điều tra viên của PC46, Công an TP nhanh chóng điều tra, bắt giữ đối tượng khả nghi khi đang ung dung chờ lấy tiền tại Agribank Chi nhánh Bắc Ninh. Từ đây, đường dây lừa đảo được làm rõ.

Đối tượng Đồng Xuân Dũng


Lập đường dây lừa đảo riêng, qua mặt "ông trùm"

Hai đối tượng bị bắt giữ khi đang chuẩn bị nhận hơn 300 triệu đồng của bà H. tại Agribank Chi nhánh Bắc Ninh được xác định tên thật là Đồng Xuân Dũng (23 tuổi, ngụ H.Đầm Hà, Quảng Ninh) và Đặng Văn Mùa (21 tuổi, ngụ H.Phù Cừ, Hưng Yên).

Theo lời khai ban đầu của Dũng, Dũng có anh rể là Nguyễn Văn Linh (26 tuổi, ngụ Quảng Ninh) đang làm việc tại Trung Quốc.

Linh cùng Thắng, Cường (chưa rõ lai lịch) là thành viên trong đường dây chuyên lừa đảo bằng chiêu gọi điện giả danh cơ quan chức năng để dụ dỗ, lừa các nạn nhân tại Việt Nam chuyển tiền vào tài khoản đã lập sẵn nhằm chiếm đoạt.

Tuy nhiên, Linh, Thắng và Cường đã móc nối với đối tượng là phiên dịch người Trung Quốc tổ chức một đường dây lừa đảo riêng, “qua mặt” ông trùm người Trung Quốc.

Sau khi lừa được các nạn nhân, Linh và đồng phạm yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào số tài khoản do người thân của Linh lập ra chứ không chuyển tiền vào tài khoản do ông chủ người Trung Quốc chỉ định.

Để thực hiện kế hoạch này, Linh đã chỉ đạo Dũng lôi kéo người khác tham gia đường dây bằng cách dùng hình ảnh của từng người, làm giả CMND để tới các ngân hàng mở tài khoản. Khi nạn nhân chuyển tiền vào thì ngay lập tức rút ra, hủy số tài khoản để xóa dấu vết.

Chính Dũng là người dùng giấy CMND giả lập tài khoản nhận 15 triệu đồng của bà H., sau đó lại chuyển trả lại nhằm tạo niềm tin.

Khi bà H. chuyển tổng cộng 315 triệu đồng vào hai tài khoản tại Agribank Chi nhánh Bắc Ninh do Dũng, Mùa làm giả CMND mở tài khoản, Dũng và Mùa cũng được lệnh rút tiền để chuyển trả lại, mục đích là để chiếm trọn số tiền 2 tỉ đồng của bà H.

Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện trọn vẹn kế hoạch thì cả hai bị bắt.

Theo lời khai ban đầu của Dũng và Mùa, Mùa đã rút thành công 300 triệu đồng từ việc lừa đảo, giao cho Dũng. Riêng Dũng đã rút được khoảng 1,5 tỉ đồng.

Ngoài “chi nhánh” lừa đảo được lập tại Quảng Ninh do Dũng làm đầu mối, nhóm lừa đảo tại Trung Quốc còn lập một nhánh khác tại Hải Phòng, với thủ đoạn tương tự.

Đầu mối tại Hải Phòng được xác định có Vũ Văn Quang và Vũ Văn Ngoan (cùng 29 tuổi, ngụ H.Tiên Lãng, TP.Hải Phòng). Khi tổ công tác của PC46, Công an TP.HCM bắt giữ Quang, Ngoan đã nhanh chân tẩu thoát.

Đối tượng Đặng Văn Mùa (phải) và Vũ Văn Quang bị công an bắt giữ


Nhờ công an đến bắt vì sợ bị "xử"

“Cấp trên” của Quang và Ngoan là một đối tượng tên Khánh (chưa rõ lai lịch), khi phát hiện Quang bị bắt đã ngay lập tức liên lạc với Ngoan. Khánh yêu cầu: “Mày phải theo tao trốn qua Trung Quốc ngay, tao sẽ “lo” cho mày”.

Vì đang có con nhỏ, vợ lại đang mang thai, Ngoan nói không thể trốn thì Khánh báo cho cha của Ngoan yêu cầu: “Hoặc là trốn, sẽ được cung cấp tiền. Còn không sẽ bị truy sát!”.

Quá sợ hãi, cha của Ngoan đã liên lạc với cơ quan điều tra đề nghị sớm bắt Ngoan để tránh bị truy sát. Riêng Ngoan, sau vài ngày lẩn trốn, vì quá sợ hãi nên đã tới Công an H.Tiên Lãng, TP.Hải Phòng đầu thú.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM kêu gọi các nạn nhân của trò lừa này, đặc biệt là ai đã chuyển tiền vào các số tài khoản nêu trong bài viết sớm thông báo cho đội 8, phòng PC46, Công an TP.HCM để được giúp đỡ./.

Theo Gia Minh/Tuổi Trẻ