Những cái smartphone "vô tâm" trước nỗi đau người bị nạn
Xã hội - Ngày đăng : 20:10, 09/11/2015
Hiện trường vụ tai nạn trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc. |
Sáng 9-11, ngay sau thông tin về vụ tai nạn liên hoàn trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc làm ít nhất một người chết, còn tài xế gây tai nạn nhảy cầu tự vẫn, trên mạng Facebook xuất hiện bài viết của bạn tên Tr.H.Tr. về việc nhiều người đi đường khi thấy tai nạn đã không giúp đỡ nạn nhân mà chỉ lo chụp ảnh, quay phim để sau đó tung lên mạng câu view.
Cảm giác ra sao khi té xuống xung quanh chỉ toàn tiếng máy ảnh?
Theo cô, trong vụ tai nạn, nếu trách người lái taxi 5, trách nhóm người rượt đuổi 10 thì cô trách những người vô tâm đến 20 lần.
Cô cho biết qua lời kể của một nhân chứng thoát chết trong vụ tai nạn, "trong tất cả quá trình vụ tai nạn, người bu lại rất đông, nhưng mình để ý được ngoài mình còn hai bạn gái, một anh đeo kính đi xe Ford và một bạn sinh viên đeo cặp chéo là không hề cầm điện thoại trên tay để lao vào giúp đỡ.
Còn lại thì bàn tán và chụp ảnh và lảng đi khi được nhờ. Nhất là một cậu trai mặt non choẹt, tay xăm kín thốt lên rằng "em đau tay" khi bác sĩ nhờ cậu ta nhấc người gãy hai chân kia ra khỏi đầu xe taxi, dù cậu trai này là kẻ nhiệt tình đứng ngó nghiêng nhất, nhưng chắc cậu ta vẫn nghe rõ được lời của mình đồ hèn, tránh ra"...
Cô cũng kể lại vụ tai nạn mà mình từng bị vào ngày 13-8. Lúc đó cô đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết khi chiếc xe cô đang lái bị ép và kẹt giữa làn xe container và bị một chiếc xe bồn kéo lê đi.
"Tôi vẫn nhớ như in cảm giác mình lơ mơ tỉnh dậy choáng váng nơi ghế lái... Bên đống kính vỡ vụn và cánh cửa kẹt không thể mở được, tôi lồm cồm chui ra, đám tiền lẻ bay quanh tôi những tờ 1.000, 2.000 đồng của người đi đường thả (chắc họ đoán tôi... nghẻo rồi).
Nhưng cảm giác tuyệt vọng nhất không phải là nỗi đau thân thể hay cái xe hỏng mà là cảm giác không biết bao nhiêu người đi đường quần áo đẹp đẽ... phóng qua, đi chậm lại, hạ kính ôtô, dừng xe tay ga chen chúc nhau giơ máy điện thoại và... quay lại.
Tôi gần như van xin đừng quay nữa và kêu đau đớn thì từng lớp lớp người đi đường vẫn quay, vẫn chen nhau vào, tiếng cười nói rôm rả cả đoạn đường xen lẫn tạp âm quốc lộ...
Tôi xỉu đi giữa đám người đông nghịt không có chút không khí để thở và những cái smartphone vô tâm như vậy, cho đến khi có một chị đi chở sơn (vôi ve) đội nón bịt mặt, tách đám người gào lên: Tránh ra cho người ta thở!
Và sau đó vài người dân lao động ra giúp tôi, họ không có smartphone và chẳng đi xe đẹp hay xe tay ga gì cả...
Nếu ai từng bị tai nạn giữa đường và trải qua cảm giác đó mới hiểu được tôi đang muốn nói gì. Các bạn hãy thử đặt địa vị vào tôi hoặc nếu tôi là người thân, các bạn sẽ hiểu ý tôi đang cố gắng diễn đạt...
Xã hội càng văn minh, tình người càng đi xuống, tất cả đều có thể biến thành event cho thiên hạ: tai nạn, chết người, đời tư... đều có thể biến thành món ăn hấp dẫn...
Tôi chẳng mong sau những câu chữ này của mình thiên hạ "hiểu" được hay họ lại phẩy tay cười hô hố...
Nhưng sống chậm lại một chút đi, đứng vào vị trí của người khác đi để mà xem, là người nằm ra đó, giữa con đường thành phố ngập ánh đèn kia - máu từ đầu, từ tai chảy ra, xung quanh chỉ toàn tiếng máy ảnh, tiếng quay clip... Cảm giác nó khốn nạn thế nào?".
Cuối bài viết, cô không quên cầu mong "tất cả những nạn nhân còn sống tai qua nạn khỏi".
Bài viết đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo cư dân mạng. Chỉ sau 3 giờ, bài viết được hơn 230 lượt chia sẻ (share) và 6.000 lượt thích (like). Nhiều người cho biết họ từng chứng kiến những vụ tai nạn mà nhiều người xúm vào quay phim, chụp ảnh thay vì giúp đỡ nạn nhân.
Bài viết của Tr.H.Tr. trên Facebook - Ảnh chụp màn hình |
Đau lòng bởi sự vô cảm
Chủ Facebook Ng.H.Tr. nhớ lại: "Em từng ngẩng mặt lên cầu xin người đi đường đỡ bố mẹ em dậy vì bị xe đè vào người, vừa xin vừa khóc, không một ai giúp, đi qua chỉ nhìn... Rồi hai chú trông như thợ hồ đi xe Cub 81 phanh kít lại, nhảy xuống bế mẹ em lên đưa vào lề đường, rồi lại quay ra đỡ bố em. Người ta đã đi mất trong lúc người nhà mình còn hoảng loạn chưa biết gì để còn có lời cảm ơn...
Em cũng đã từng nằm im đoạn Khâm Thiên, chỉ có một bạn sinh viên nữ, đi ngược chiều, dựng xe bên kia đường chạy sang đỡ và hỏi han... Những cái cảm giác đấy in sâu vào đầu và hứa với bản thân phải có ý thức giống những người được gọi là ân nhân của mình. Đau lòng lắm những con người vô cảm ...".
Chủ Facebook tên P.Th. cũng kể: "Hơn 10 năm trước, mình cũng bị tai nạn xe như vậy, hồi đó chưa có smartphone như bây giờ, điện thoại di động ngày đó cũng vẫn xa xỉ nên người đi đường họ xúm vào sơ cứu cho mình rồi gọi về điện thoại nhà cho gia đình. Có lẽ càng hiện đại người ta càng vô tình với nhau".
Bạn V.B. thì chia sẻ: "Đọc bài viết của bạn, mình cảm thấy buồn quá, trước đây mình cũng đã rơi vào trường hợp này, cả đám người đứng nhìn... may mắn là cuối cùng cũng có người tốt giúp đỡ. Cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân sớm bình phục".
"Điều đáng sợ nhất là trong xã hội tình người ngày càng thụt lùi, con người đối xử với nhau lạnh lùng vô cảm", bạn tên Th.L. chua xót.