Công trình hành chính "nghìn tỷ": Không cẩn trọng sẽ dễ thành "dịch"

Chính trị - Ngày đăng : 14:06, 09/11/2015

(HNMO)- Thông tin về Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính, chính trị Hải Phòng  với tổng kinh phí đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đã làm

Nếu "hoành tráng" quá đáng, nên tính toán lại

Đó là quan điểm của ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) trước câu hỏi các tỉnh có nên ưu tiên cho việc xây dựng các quảng trường "hoành tráng" trong tình hình ngân sách eo hẹp, nợ công tăng cao như hiện nay.

ĐB Lê Nam (Thanh Hoá)


"Tôi không bình luận cụ thể địa phương nào, tuy nhiên, yêu cầu xây quảng trường rất khách quan. Bất cứ địa phương nào cũng cần xây quảng trường vì đó là bộ mặt, là trung tâm sinh hoạt văn hoá, sinh hoạt chính trị và cũng là đáp ứng từ những đòi hỏi chính đáng từ người dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cần phải tính toán làm sao thật sự hợp lý, phù hợp với khả năng ngân sách và điều kiện quốc gia. Chính phủ nên xem lại xem các địa phương như vậy là như thế nào và có chỉ đạo. Không nên các địa phương được quyết định xây dựng. Trong bối cảnh hiện nay, nếu hoành tráng quá đáng, nên tính toán lại" - ĐB Nam phân tích.

Đối với chuyện chi tiêu ngân sách quốc gia, cũng theo ĐB Nam, chúng ta đang vẫn đi theo con đường lâu nay chúng ta vẫn đi. Những "con tàu", "cỗ xe" tiêu pha ngân sách vẫn chạy theo cách thức, con đường vẫn đi lâu nay mà chưa có điều chỉnh.

"Cần ai đạp phanh, phanh như thế nào để không gây tai nạn, phanh như thế nào là hợp lý và như thế nào để đạt mục tiêu đặt ra? Đã đến lúc Đảng, nhà nước, Chính phủ và Quốc hội phải có quyết định, giải pháp cụ thể. Nói thì thống nhất cao rồi còn làm thế nào? - Câu trả lời thuộc về chính phủ" - ĐB Nam đề xuất.

Không cẩn trọng sẽ thành "dịch"

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, công trình ở Hải Phòng này là công trình đầu tư lớn và đi theo mô hình của một số địa phương đã làm như Bình Dương, Lâm Đồng, Đà Nẵng...

"Việc xây dựng các công trình khu trung tâm hành chính này cũng giống như việc chi tiêu trong gia đình, phải tính xem có khả năng đến đâu và nhu cầu đến đâu để cân nhắc. Chính phủ nên có tổng kết về mô hình này làm có phát huy được hiệu quả không. Lúc đó chúng ta mới xem có làm hay không. Cũng cần làm rõ xem phương thức tạo vốn là như thế nào. Bởi vì, có việc tập trung như thế thì các địa điểm cũ nếu thanh lý thì tính một phép tính đơn giản nó sẽ dư ra chứ không phải hụt đi. Cùng với đó, quy mô như thế nào cho vừa phải.

Thứ hai, trong lúc đang thiếu vốn như thế này đã nên triển khai các công trình này chưa. Cho dù có nói là cần thiết nhưng nó phải mang lại hiệu quả gì trong mối quan hệ với dân, năng lực dịch vụ, tác động vào kinh tế, xã hội... Khi đó, thì mới làm chứ không làm xong một thời gian lại chưa chắc đã được. Lúc này là lúc nên tính toán kỹ, thận trọng nếu không sẽ thành một dịch trong lúc nợ công..." - ông Quốc nói.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai)


ĐB  này cũng bày tỏ lo ngại về việc xây dựng các công trình hành chính, trụ sở lên đến hàng ngàn tỷ này rất dễ thành phong trào bệnh dịch, nhất là khi "anh này nhìn anh kia".

ĐB Lê Nam cũng cho rằng cần phải xem lại thứ nhất hệ thống công sở mà chúng ta đã đầu tư xây dựng mấy chục năm qua còn dùng được hay không vì có nơi khi xây dựng Trung tâm hành chính, tất cả cơ sở vật chất hàng trăm tỷ, tiền bạc của nhân dân để không, gây lãng phí lớn.

Cũ theo ĐB Nam, việc xây dựng làm sao phải bảo đảm thống nhất, không để mỗi nơi xây theo số lượng tiền bạc, kiến trúc không có thống nhất. Chi tiêu cho cơ quan quyền lực phải theo quy định chung.

Bảo Hân