Hơn 30 năm giã thuốc chữa bệnh méo mồm
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:15, 09/11/2015
Cho đến lúc này bà lang vẫn chưa hết ngạc nhiên về sự nổi tiếng bất ngờ của mình. Dẫn khách vào nhà, thoáng chút bối rối, bà cười phân trần: "Nào tôi có biết gì đâu. Dạo trước, lúc tôi đang giã thuốc thì có một chú nhà báo đến lân la hỏi chuyện. Tưởng chú ấy hỏi chơi cho biết, ai dè mấy hôm sau đứa cháu tôi vừa cầm tờ báo, vừa chạy đến gọi: Bà… bà ơi, bà lên báo rồi này".
Bà lang Nguyễn Thị Thiệp giã thuốc. |
Bài thuốc gia truyền
Mấy chục năm kể từ ngày được bố chồng là ông Đỗ Văn Ký truyền lại cho bài thuốc của dòng họ, đến nay, bà Thiệp chẳng thể nhớ nổi đã chữa khỏi cho bao nhiêu người mắc chứng bệnh lạ đời này. Bà cho biết, nguyên nhân của bệnh méo mồm chủ yếu là do người bệnh bị cảm gió. Bệnh thường xuất hiện nhiều nhất vào mùa đông và trong khoảng thời gian giao mùa. Oái oăm đó cũng là thời điểm khó kiếm lá thuốc nhất. Với những người có hệ thần kinh ổn định và mới bị thì bệnh rất dễ chữa, chỉ cần đắp thuốc khoảng 3, 4 ngày là khỏi hẳn. Chẳng hạn như trường hợp của bé Kiều Quang Việt là một ví dụ. Vốn là một bé trai hiếu động, ấy vậy mà một buổi sáng sau khi đi học về, miệng cháu Việt bỗng méo xệch, mắt lộn ngược nhìn thấy nửa lòng trắng. Việt không nói được mà liên tục khóc thét, càng ngày tiếng khóc càng trở nên méo mó. Hoảng quá, người mẹ vội vã đưa con đến trạm xá.
Thăm khám một hồi vẫn không ra bệnh, cô y tá đành bảo: "Chắc do trúng gió, cứ về lấy dầu gió xoa cho bé". Thế nhưng xoa đi xoa lại bệnh tình không thuyên giảm, chỉ đến khi mang con ra viện lớn khám, chị mới biết dây thần kinh số 7 ngoại biên của Việt bị ảnh hưởng, phải châm cứu ngay. Khổ nỗi hễ nhìn thấy kim là Việt lại khóc thét, chẳng chịu ngồi yên. Chợt nhớ ra trước đây từng nghe phong thanh về tài của bà lang Thiệp xóm bên, thôi thì có bệnh đành vái tứ phương, chị liền mang con đến nhờ bà giúp đỡ. Kết quả, sau khi đắp khoảng 14 miếng thuốc, khuôn mặt của bé Việt đã trở lại bình thường.
Tùy theo thể trạng của từng người mà bà Thiệp bốc thuốc. Bản thân người bốc thuốc cũng không chắc chắn bao lâu bệnh sẽ khỏi mà người chữa phải thật kiên trì điều trị. Với những trường hợp để quá lâu, tai biến quá nặng thì phải đắp liên tục, có khi cả tháng trời mới có thể hồi phục phần nào. Riêng những người bị méo miệng bẩm sinh thì rất khó chữa. Tuy nhiên cũng không ít lần bà Thiệp chứng kiến sự hồi phục đáng kinh ngạc của người bệnh. Một buổi trưa cuối thu, khi bà đang bốc cỏ cho đàn bò thì có 2 người khách lạ đến tìm. "Tôi không nhớ tên 2 người đó, chỉ nhớ họ ở Hội An và cậu con trai khoảng hơn 30 tuổi. Ban đầu tôi tưởng cậu ta chỉ bị méo miệng, ai dè mới chạm vào đầu, tôi đã giật mình la toáng lên: "Ối giời ơi, sao đầu nó lại mềm nhũn ra thế này?". Hỏi ra mới biết anh ta bị tai nạn giao thông, mất gần nửa hộp sọ. Dù giữ được mạng sống nhưng cả mũi và miệng đều méo xệch, hai mắt ngủ cũng như thức, lúc nào cũng thao láo"...
Thương con đã mấy chục tuổi đầu mà cứ như đứa trẻ lên 3, bữa ăn, giấc ngủ từ lâu chẳng còn tròn vẹn, ông bố gắng sức đưa con đi chữa trị khắp nơi. Tám lần xuất ngoại chữa trị ngốn không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức, thế nhưng lúc đi hy vọng bao nhiêu, khi về họ lại thất vọng bấy nhiêu. Đang lúc tuyệt vọng thì ông được một người quen mách: "Ở Ba Vì có bà lão chữa méo mồm rất tài, ông thử tìm đến đó xem". Thế là chẳng ngại xa xôi, ông bỏ hết công việc nhà để đưa con đến cậy nhờ bà Thiệp cứu giúp.
"Thú thực, tôi đã nghĩ ca này chắc không cứu nổi, tuy nhiên, phần vì thương ông bố, phần vì nghĩ còn nước còn tát nên tôi vẫn đi tìm lá thuốc ngay sau đó", bà kể. Để bài thuốc phát huy được tác dụng tối đa thì lá thuốc phải được hái vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, lúc lá nhiều nhựa nhất. Thế nên sáng nào cũng vậy, khi con gà trống còn chưa cất tiếng gáy, bà Thiệp đã tất tả đi tìm lá thuốc. Chừng nửa buổi thì về đến nhà. Sau khi giã nhuyễn, tán đều các loại lá với nhau, bà cẩn thận đắp thuốc cho người bệnh theo nguyên tắc: Lệch trái đắp phải, lệch phải đắp trái. Đợi cho miếng thuốc hút chất độc trong cơ thể người bệnh, khô dần thì lật ngược mặt lại, đắp tiếp cho đến khi kiệt hết nước bên trong mới thay miếng mới. Mỗi ngày đắp khoảng 1-2 miếng, liên tục cả ngày lẫn đêm. Ngoài ra, trong thời gian này, người bệnh phải kiêng thịt bò, thịt lợn, cá, ba ba… Cứ thế, đắp thuốc được vài hôm thì người bệnh đã nhắm được mắt, đồ ăn nước uống không còn trào ngược ra như trước. Khoảng hơn 10 ngày sau, lúc họ ra về, cậu con trai đã hồi phục được hơn 70%. Hiện nay, bà Thiệp vẫn đều đặn gửi thuốc theo xe khách vào Hội An hằng tuần.
Tận tâm cứu người
Mỗi lần nhớ lại những ngày bén duyên với nghề, bà Thiệp đều không khỏi bồi hồi. Bà kể, trước đây, nhà bà với nhà chồng chỉ cách nhau một lối nhỏ. Tối nào cũng vậy, đứng ở bên này bờ tường, nghe thấy những tiếng bình bịch từ phía nhà hàng xóm, bà không khỏi tò mò: "Quái lạ, nhà họ làm gì mà cứ giã suốt ngày đêm?". Chẳng ai nghĩ sau này cô gái trẻ Nguyễn Thị Thiệp lại kết duyên với con trai nhà hàng xóm và trở thành người tiếp theo nắm giữ bài thuốc gia truyền của dòng họ. Đưa mắt nhìn di ảnh của ông Đỗ Văn Ký, thoáng xúc động, bà chia sẻ: "Tất cả đều do chữ duyên. Chồng tôi cũng biết bài thuốc này, nhưng vừa mới cưới xong thì ông ấy lên đường nhập ngũ. Thấy tôi nhanh nhẹn, bố tôi thường cho tôi theo chân lên rừng tìm lá. Mới đầu, tôi chỉ đảm nhiệm công việc giã thuốc còn việc phối trộn vẫn do ông tự làm. Chỉ đến khi sức khỏe của ông quá yếu thì bài thuốc mới được truyền lại, nếu cả hai thế hệ cùng biết thì bài thuốc sẽ không phát huy hết tác dụng. Bài thuốc cũng chỉ được truyền lại cho con dâu và con trai, không được truyền cho con gái. Ngoài ra, trước lúc đi hái thuốc, tôi cũng phải thắp một nén nhang báo cáo tổ tiên, đó là quy định".
Hồi đầu kế nghiệp cha chồng, bà Thiệp gặp phải rất nhiều ánh mắt nghi ngờ của bà con làng trên, xóm dưới. Thậm chí, có ông lão dẫn theo cô con gái bị bệnh đến gặp bà Thiệp, cười khà khà rồi bảo: "Nếu chữa khỏi bệnh cho con gái tôi, tôi sẽ cho nó làm con dâu bà". Thế rồi bà chữa khỏi bệnh. Chỉ tiếc rằng duyên phận đôi trẻ không thành, đến nay, cả con trai bà và cô gái kia đều đã tìm được tổ ấm riêng. Tiếng lành đồn xa, hiện nay, không chỉ người trong làng mà nhiều người bệnh ở mọi miền đất nước cũng tìm về gõ cửa nhờ bà Thiệp chữa trị. Với những người ở xa, đi lại khó khăn, bà vẫn thường cùng con trai thu xếp nơi ăn, chốn ở để họ an tâm chữa bệnh. Bà rất ít khi ghi sổ bệnh án và cũng hiếm khi nhớ tên người bệnh. Hỏi thì bà bảo, vì tuổi già nên lẫn, không sao nhớ được. "Khỏi bệnh, nhỡ người ta quay lại cảm ơn mà bà không nhớ là họ buồn lắm đấy". Nghe hỏi vậy, bà Thiệp cười: "Đến với nhau vì một chữ duyên thôi cô ạ. Khi hấp hối, bố tôi luôn căn dặn, dù có bất cứ chuyện gì cũng phải giữ được bài thuốc này để cứu giúp người đời, làm nghề phải có chữ đức, chữ tâm chứ tuyệt đối không được vụ lợi. Ai khỏi bệnh thì tôi mừng cho người đấy, chứ chẳng quan trọng họ báo đáp tôi thế nào…".