Cẩn thận, kẻo lãng phí!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 09/11/2015

(HNM) - Tuần trước, vấn đề bản quyền Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh (EPL) trong ba mùa bóng 2016-2019 đã bắt đầu

Sau khi Ban tổ chức EPL tiếp nhận hồ sơ đấu thầu bản quyền truyền hình trực tiếp các trận bóng đá trong khuôn khổ giải này với nhiều gói thầu và nhiều mức giá khác nhau, thông tin ban đầu cho thấy giá bản quyền trong giai đoạn tiếp sau mùa bóng 2015-2016 là rất đắt đỏ.

Lịch sử mua bản quyền truyền hình trực tiếp EPL của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam cho thấy số tiền mà các đơn vị này phải bỏ ra để có thể sở hữu toàn bộ hoặc một phần bản quyền truyền hình trực tiếp EPL đã có sự tăng kinh khủng trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay. Thống kê sơ bộ cho thấy VTC đã bỏ ra gần 4 triệu đô la Mỹ cho gói bản quyền trong ba mùa bóng 2007-2010. Một số đài mua gói bản quyền giai đoạn 2010-2013 với khoản chi tổng cộng khoảng 16-19 triệu đô la. Đến giai đoạn 2013-2016, tổng chi của các đài lên tới khoảng 38 triệu (riêng phía K+ đã phải bỏ ra hơn 33 triệu đô la cho gói bản quyền gồm tất cả các trận đấu và quyền được độc quyền truyền trực tiếp trận đấu sớm trong tối thứ bảy, các trận diễn ra vào tối chủ nhật). Điều đáng nói là các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam phải mua lại các gói bản quyền từ đối tác nước ngoài - những đơn vị có tiềm lực mạnh, bỏ tiền mua bản quyền từ Ban tổ chức EPL rồi bán lại với giá cao hơn nhiều.

Về cơ bản thì trong câu chuyện mua - bán bản quyền truyền hình EPL trong giai đoạn vừa qua, các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền trong nước luôn là phía chịu thiệt. Mức thiệt hại lớn dần qua từng giai đoạn, nay đã đến lúc phải đánh giá lại tình hình, xác định rõ nguyên nhân để tìm giải pháp nhằm giảm mức thiệt hại. Nói về nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá bản quyền trong những năm qua, mức thiệt hại ngày càng lớn mà các doanh nghiệp trong nước phải gánh chịu thì ngoài khả năng, kinh nghiệm tham gia thương thảo hợp đồng còn hạn chế, nguyên nhân quan trọng nằm ở chỗ các đơn vị trong nước chưa có sự hợp tác chặt chẽ. Tâm lý muốn có gói độc quyền nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và để tăng số thuê bao là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hợp tác nói trên. Đó cũng là cơ sở để đối tác nước ngoài ép giá đối với gói độc quyền, xé nhỏ gói không độc quyền rồi bán cùng lúc cho nhiều nơi.

Rất khó có một giải pháp đủ để triệt tiêu thiệt hại, ngoại trừ phương án không được ai chờ đợi là "nói không" với việc tiếp sóng trực tiếp các trận đấu thuộc EPL trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu vẫn tiếp tục tính đến việc mua bản quyền EPL, các doanh nghiệp trong nước cần "ngồi lại với nhau" trên tinh thần hợp tác để tìm ra giải pháp hạn chế tình trạng ép giá của các đối tác nước ngoài. Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực truyền hình có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, bằng cách ra văn bản quy định hoặc tạo cơ chế khuyến khích các bên chia sẻ tín hiệu EPL khi mua được bản quyền trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của mỗi bên. Bằng cách đó, ít nhất thì chúng ta cũng có thể hạn chế tình trạng "tranh mua", bảo đảm quyền lợi và mở rộng cơ hội tiếp cận với những trận đấu trong khuôn khổ EPL của người dân.

Dục Tú