Quản lý, sử dụng thiết bị y tế: Đầu tư nhiều, lãng phí lớn
Xã hội - Ngày đăng : 06:56, 08/11/2015
Thiết bị mới, hỏng đều… "nhập kho"
Theo Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ Y tế), trong thời gian qua, nhiều BV tuyến tỉnh, nhiều cơ sở y tế chuyên khoa được đầu tư đổi mới thiết bị chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa, phòng mổ và hồi sức cấp cứu. Các BV huyện cũng được trang bị những thiết bị chẩn đoán thiết yếu, hầu hết nay đã có máy X-quang với công suất phù hợp, máy siêu âm chẩn đoán và xe cứu thương. Các trạm y tế xã đã được cung cấp dụng cụ cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện các dịch vụ về dân số - kế hoạch hóa gia đình… Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy có không ít cơ sở y tế chưa sử dụng hiệu quả TTBYT, gây lãng phí rất lớn về tiền bạc, làm giảm hiệu quả khám chữa bệnh.
Không ít bệnh viện để xảy ra tình trạng thiết bị “đắp chiếu” nhiều năm. |
Đề cập đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt Nam Hà Đắc Biên cho rằng, hầu hết TTBYT đang sử dụng tại cơ sở y tế chưa được kiểm chuẩn, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ. Tại nhiều BV tuyến tỉnh, huyện, việc bảo dưỡng, sửa chữa TTBYT gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng khi máy hỏng nhưng không biết mời ai về sửa, không biết gửi về đâu để bảo dưỡng... diễn ra phổ biến và bởi vậy, đa số máy hỏng bị… "đắp chiếu" để chờ kinh phí. Thay vì cố gắng tìm cách sửa chữa máy hỏng, nhiều nơi hăng hái lập đề án xin máy mới. "Trên thực tế, việc xin máy mới dễ hơn tìm kinh phí sửa chữa máy hỏng", ông Hà Đắc Biên nói.
Tại nhiều BV tuyến tỉnh, huyện, nếu thiết bị hiện đại được sử dụng hiệu quả thì người dân sẽ được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, không phải "vượt tuyến". Tuy nhiên, hiện mới chỉ có các BV tuyến trung ương làm được điều này, nhưng không phải nơi nào cũng làm tốt. Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn chưa đủ để khai thác hết công suất TTBYT hiện có. Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế cho thấy, trong thời gian qua, tại hầu hết các BV đa khoa tuyến tỉnh, BV huyện, tỷ lệ cán bộ kỹ thuật có chuyên môn đủ để vận hành TTBYT một cách hiệu quả còn rất thấp, chỉ có 6% là kỹ sư, 35% là kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật, 59% còn lại là cán bộ kiêm nhiệm. Đây cũng là một trong những lý do khiến chất lượng khám chữa bệnh ngay tại các BV tuyến cơ sở bị hạn chế.
Một thực trạng nữa cũng diễn ra phổ biến hiện nay ở nhiều cơ sở y tế, đó là việc lạm dụng xét nghiệm y tế, một bệnh nhân cùng lúc được bác sĩ chỉ định chụp cả CT, MRI, siêu âm dù chỉ cần thực hiện một trong số 3 dịch vụ này là đủ.
Tránh độc quyền khâu kiểm chuẩn
Để khai thác, sử dụng hiệu quả TTBYT tại các cơ sở y tế, theo kiến nghị của nhiều chuyên gia, vấn đề cần nhất hiện nay là nâng cao năng lực quản lý TTBYT tuyến cơ sở nhằm góp phần hạn chế tiêu cực, vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng TTBYT kém chất lượng, cũ nát cũng như chủ động trong việc đầu tư, bổ sung TTBYT mới phù hợp với yêu cầu phát triển. Đó là kiến nghị hợp lý bởi nếu như năm 2011 Việt Nam mới chi khoảng 559 triệu USD cho TTBYT (tương đương với 7 USD/người dân) thì dự kiến đến năm 2016, thị trường TTBYT nước ta có thể đạt tới con số 1,2 tỷ USD (12 USD/người dân).
Để tránh sự lãng phí trong đầu tư TTBYT, Hội Thiết bị y tế Việt Nam kiến nghị Bộ Y tế quan tâm hơn nữa đến công tác tư vấn kỹ thuật, trước hết là nâng cao năng lực của thành viên tham gia các tổ chức tư vấn. Việc tư vấn chính xác, khách quan sẽ giúp cho chủ đầu tư chọn mua được những thiết bị phù hợp, tránh hiện tượng mua thiết bị có tính năng kỹ thuật thấp, không đáp ứng yêu cầu sử dụng hoặc có tính năng kỹ thuật quá cao so với nhu cầu thực tế. Ngoài ra, Bộ Y tế nên xem xét tạo điều kiện cho các tổ chức ngoài công lập tham gia hoạt động kiểm chuẩn TTBYT khi họ có đủ điều kiện theo quy định hiện hành, tránh tình trạng chỉ có một vài cơ quan được thực hiện chức năng này, dẫn tới tình trạng độc quyền sinh ra cửa quyền trong công tác kiểm định thiết bị.
Thẳng thắn thừa nhận tình trạng lãng phí trong sử dụng TTBYT tại các cơ sở y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, trong thời gian tới, việc đầu tư TTBYT phải được thực hiện đúng mục đích, phù hợp nhu cầu, tránh tình trạng đầu tư máy móc tràn lan rồi… "để đấy". Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu chọn người có kiến thức, năng lực sử dụng TTBYT. Mặt khác, các bác sĩ phải chỉ định đúng, đủ, tránh lạm dụng kỹ thuật dẫn đến giảm tuổi thọ của thiết bị, gây lãng phí về tiền bạc cho người bệnh… Bộ Y tế đã chỉ đạo Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế bổ sung đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao cho các BV, các cơ sở y tế để thực hiện công tác bảo quản máy móc.
Hạn chế việc liên doanh, liên kết đặt thiết bị y tế tại bệnh viện công Trước bối cảnh tăng giá đối với 1.800 dịch vụ y tế từ ngày 15-11 tới, để tránh gây lãng phí cho người bệnh, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt Nam Hà Đắc Biên đề nghị Bộ Y tế hạn chế việc liên doanh, liên kết đặt máy tại các bệnh viện (BV) công. Thay vào đó, ông Hà Đắc Biên đề nghị thí điểm việc đấu thầu cung ứng dịch vụ. Khi có nhu cầu về thiết bị thì các BV công sẽ đưa ra yêu cầu về chất lượng máy và giá thành. Đơn vị nào có khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá cả sẽ được ký hợp đồng cung cấp dịch vụ. Với hình thức này, bên cạnh việc hạn chế những tiêu cực của quá trình liên doanh, liên kết, người dân cũng sẽ được tiếp cận các TTBYT hiện đại với mức giá dịch vụ vừa phải. |