Dấu ấn công nghiệp chế biến

Kinh tế - Ngày đăng : 07:53, 07/11/2015

(HNM) - Tính đến hết tháng 10-2015, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 134,6 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ.

Đây là kết quả đáng ghi nhận, nhưng chưa đạt mức tăng 10% như chỉ tiêu (chưa nói đến việc kỳ vọng còn tăng cao hơn chỉ tiêu như đã từng diễn ra trong nhiều thời điểm tương ứng của các năm trước). Điều đáng ngại hơn là, đến nay kết quả xuất khẩu đang trong xu hướng tăng chậm lại.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc KNXK chưa đạt mong muốn là do sự sụt giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô do ảnh hưởng tiêu cực từ việc giảm giá liên tục trên thị trường quốc tế. Trên thực tế, giá dầu thô chỉ đạt mức bình quân khoảng 40 USD/thùng trong khi ước tính ban đầu để lập kế hoạch là giá dầu sẽ ở mức 80-100 USD/thùng. Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp (DN) chưa hồi phục hoàn toàn, gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Xét về cơ cấu mặt hàng thì các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản đang trong xu thế giảm so với cùng kỳ, làm ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu chung. Tương tự, KNXK một số loại khoáng sản cũng giảm do nhu cầu thế giới giảm sút rõ rệt cũng như không có lợi về giá nên DN tiết giảm việc xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy việc cán cân xuất khẩu phụ thuộc vào xuất khẩu khoáng sản đã trở thành "con dao hai lưỡi".

Theo Bộ Công thương, mục tiêu của năm 2015 là đạt tổng KNXK 165 tỷ USD, tăng 10% so với mức thực hiện của năm ngoái. Điều đó cho thấy gánh nặng đang dồn vào 2 tháng cuối năm và mỗi tháng phải đạt KNXK bình quân là 15,2 tỷ USD/tháng. Đây là nhiệm vụ và sức ép rất lớn, khó vượt qua. Nhìn chung hoạt động xuất khẩu vẫn có một vài điểm tích cực, đáng ghi nhận, đó là KNXK của nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng rất mạnh, ở mức hơn 17,6% so với cùng kỳ và đạt hơn 106 tỷ USD. Thực tế này cho thấy sự trưởng thành nhanh chóng và liên tục của công nghiệp trong nước thông qua đóng góp vào hoạt động xuất khẩu nói chung.

Đáng mừng là đến nay đã có 24 nhóm mặt hàng đạt KNXK từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có tới 12 nhóm đạt trên 2 tỷ USD. Những mặt hàng dẫn đầu trong danh mục này gồm: Điện thoại di động, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê… Như vậy là danh mục hàng xuất khẩu có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên ngày càng dài thêm, thể hiện sự ổn định và trưởng thành nhanh chóng của các DN thuộc những lĩnh vực làm hàng xuất khẩu cũng như xu hướng sản xuất hướng về xuất khẩu của nền kinh tế. Đây là thực tế đáng ghi nhận, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Mặt khác, danh mục trên cũng sẽ dài thêm nếu các đơn vị, ngành biết tận dụng thời cơ, mở rộng sản xuất kết hợp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, DN Việt đang đứng trước cơ hội rất lớn để gia tăng KNXK khi nước ta đang ở thời điểm đã và đang chuẩn bị ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như TPP, FTA Việt Nam - Liên minh Châu Âu…Các chuyên gia nhấn mạnh, hoạt động xuất khẩu sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn hẳn so với thời kỳ trước bởi nó có độ mở lớn, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, gắn liền với sự tương tác với thị trường quốc tế. Từ đó, giới lãnh đạo DN cần tiếp cận thông tin, cập nhật quy định về thuế, hải quan, chất lượng hàng hóa mà vươn lên, nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe trong công tác điều hành xuất khẩu.

Thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục theo sát tình hình, đôn đốc các DN tăng tốc xuất khẩu để hoàn thành chỉ tiêu bên cạnh việc tăng cường phổ biến nội dung các hiệp định FTA nói chung và thông tin về thị hiếu, dự báo nhu cầu hàng hóa nhập khẩu của các thị trường cho các DN. Các đơn vị cũng được khuyến cáo cần quan tâm thỏa đáng đến hoạt động xây dựng và bảo vệ thương hiệu, kịp thời phát hiện và phòng chống tranh chấp thương mại với DN nước ngoài…

Hồng Sơn