Tinh giản biên chế: Chưa thấy sự vào cuộc quyết liệt

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:08, 07/11/2015

(HNM) - Không ít ý kiến lo ngại rằng, với các tiêu chí đánh giá còn mang nặng sự định tính như hiện nay, việc đánh giá chất lượng cán bộ đến thời điểm cuối năm 2015 vẫn chung chung, bình quân, hầu như ai cũng tốt như nhau.

Sở dĩ có thắc mắc này vì cho đến nay, sau nhiều lần Bộ Nội vụ chủ trương thực hiện TGBC cán bộ, công chức, viên chức; nhưng theo thống kê, biên chế không những không giảm mà có dấu hiệu càng ngày càng phình to. Theo báo cáo của Chính phủ và các cơ quan liên quan, biên chế cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên (không kể Công an, Quân đội) tăng từ 346.379 năm 2007 lên 396.371 năm 2014 (tăng 49.992 người, tỷ lệ 14,43%). Nguyên nhân chủ yếu là do bổ sung chức năng nhiệm vụ, thành lập mới tổ chức để tăng cường quản lý nhà nước ở một số ngành, lĩnh vực và chia tách đơn vị hành chính. Nếu chỉ tính riêng khối cơ quan hành chính nhà nước thì tăng từ 238.668 năm 2007 lên 275.620 năm 2014 (tăng 36.952 người, tỷ lệ 15,48%). Tương tự, biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh, từ 1,63 triệu người năm 2010 lên 2,31 triệu người năm 2014.

Căn cứ dự thảo Nghị định về chính sách TGBC Bộ Nội vụ từng công bố, năm 2015 là năm thứ hai Bộ Nội vụ quyết liệt thực hiện mục tiêu từ năm 2014-2020 TGBC 100.000 người, trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc với tổng kinh phí TGBC ước tính ban đầu là 8.000 tỷ đồng. Đây là số tiền khổng lồ nhưng đến nay vẫn chưa có những con số cụ thể về kết quả đạt được. Chưa kể, thời điểm này việc xác định vị trí việc làm, cơ sở để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức một cách khoa học, chính xác và minh bạch, từ đó triển khai mạnh mẽ việc TGBC cũng chưa được các bộ, ngành tiến hành xong. Tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu biên chế trong một cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn chưa được khắc phục. Trong số các nguyên nhân của tình trạng trên có việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại. Cùng với đó là cơ quan chức năng không thực hiện tốt việc rà soát, phân loại để có căn cứ đưa vào diện TGBC. Chế độ thống kê, tổng hợp, báo cáo về số lượng thực hiện TGBC không kịp thời, thiếu chính xác. Các tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn còn chung chung càng khiến cử tri lo ngại, đặt nhiều dấu hỏi về kết quả TGBC.

Một thông tin không vui nữa vừa đến với người lao động là, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, vấn đề bố trí tăng lương cơ sở 2016 cũng đã được các thành viên Chính phủ đưa ra bàn bạc thận trọng. Theo đó, Chính phủ đã thống nhất chưa thể tăng lương theo đúng lộ trình vào năm nay, sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3-2016. Ngoài lý do ngân sách nhà nước hạn hẹp, số lượng cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cũng là nguồn cơn khiến ngân sách không thể kham nổi. Do vậy, năm 2016 dự kiến cũng chỉ có thể bảo đảm được chế độ cho người có mức lương dưới 2,34 và những người hưởng lương hưu được tăng 8% từ năm nay, giáo viên mầm non. Còn với nhóm đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở lên Chính phủ chưa thể chỉ ra được nguồn tăng lương.

Điều này càng cho thấy trong điều kiện thắt chặt chi tiêu công, vấn đề TGBC cũng là một trong những giải pháp giảm chi hành chính, chi cho bộ máy. Và chỉ khi quyết liệt thực hiện TGBC, loại bỏ số không làm được việc mới có cơ sở tạo thêm nguồn tăng lương đối với tất cả người lao động theo lộ trình đã vạch ra. Dư luận mong muốn, Bộ Nội vụ với chức năng của mình cần đóng vai trò đầu tàu tham mưu, giám sát, đề xuất Chính phủ có phương án khắc phục hiện tình trạng trên; mạnh dạn đề xuất xử lý các cơ quan, đơn vị có biên chế vượt quy định; quản lý chặt chẽ việc thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế sự nghiệp quyết liệt để việc đầu tư 8.000 tỷ đồng cho chủ trương TGBC trong tương lai có cơ sở thực hiện rốt ráo, không rơi vào lãng phí.

Chử Thu Thảo