Giải quyết ùn tắc giao thông: Thực hiện mọi giải pháp, nếu có lợi

Giao thông - Ngày đăng : 07:13, 06/11/2015

(HNM) - TP Hà Nội đang triển khai hàng loạt giải pháp, cả tình thế lẫn dài hạn nhằm giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt trên các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm.



Trong bối cảnh đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thì UTGT là điều không tránh khỏi. Các cơ quan chức năng thành phố sẽ nỗ lực hết mình nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sinh hoạt của nhân dân, song người tham gia giao thông cũng cần chia sẻ với những khó khăn của thành phố - ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội bày tỏ trong cuộc trao đổi với PV Báo Hànộimới.

- Thời gian qua, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, song tình hình UTGT vẫn diễn biến phức tạp, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Có thể nói, hạ tầng giao thông của Hà Nội chưa bao giờ được đầu tư tổng lực lớn như hiện nay. Từ Vành đai 3 và các trục giao thông hướng tâm, hầu như các nút giao thông đồng mức đã được chuyển thành khác mức. Từ khu vực Vành đai 2 trở vào, thành phố cũng đã tập trung thực hiện 7 cầu vượt nhẹ kết cấu thép; đầu tư, cải tạo một số tuyến đường, nút giao thông. Vành đai 1 cũng sắp thông từ Hoàng Cầu đến đê Nguyễn Khoái. Tuy nhiên, tình hình UTGT vài tháng trở lại đây có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tại các khu vực đường Vành đai 3 và các trục đường có dự án đường sắt đô thị như trục đường 6 Nguyễn Trãi - Hà Đông, trục đường 32, Xuân Thủy - Cầu Giấy. UTGT đang gây ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị cũng như việc đi lại của người dân.

Vấn nạn ùn tắc giao thông cần được giải quyết triệt để. Ảnh: Nhật Nam


- Phải chăng việc triển khai hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm là nguyên nhân chính gây ùn tắc, thưa ông?

- Tôi cho rằng đó chỉ là một nguyên nhân trong nhiều nguyên nhân. Trước tiên hãy nói về sự phát triển “nóng” của đô thị. Chưa bao giờ phát triển đô thị tại khu vực phía Tây, Tây Nam thành phố lại nhanh như thời gian qua. Việc phát triển đô thị này đương nhiên tuân thủ theo quy hoạch, tuy nhiên tốc độ đô thị quá nhanh trong khi hạ tầng không theo kịp nên tuyến đường Vành đai 3 và các tuyến đường hướng tâm từ Vành đai 3 trở vào như Xuân Thủy - Cầu Giấy, Nguyễn Trãi - Hà Đông... nhiều thời điểm bị ùn tắc. Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân cũng rất nhanh.

Theo số liệu Công an thành phố vừa công bố, toàn thành phố có khoảng 500 nghìn xe ô tô và 5 triệu xe máy, chưa kể xe ngoại tỉnh và xe của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Những tuyến đường nói trên bình thường đã đông nay lại thêm công trình xây dựng nên tắc cũng là điều dễ hiểu. Lãnh đạo Hà Nội đã chỉ đạo các ngành liên quan tìm mọi giải pháp để khắc phục với quan điểm giải pháp nào dù có lợi nhiều hay lợi ít cũng phải làm. Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ chính trị và cũng là trách nhiệm phải thực hiện. Tất cả những giải pháp dài hơi cũng như ngắn hạn đều đã, đang được triển khai nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân. Ở các tuyến đường có công trình đang thi công, Sở đã phải tận dụng hết cả đất công ích, xén vỉa hè để mở rộng lòng đường; cấm xe tải và hạn chế taxi hoạt động trong giờ cao điểm; giãn tần suất hoạt động của xe buýt… Vừa qua, lần đầu tiên Giám đốc Công an thành phố đã phải ban hành mệnh lệnh huy động toàn thể CSGT và nhiều lực lượng công an khác cùng tham gia phân luồng, hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm. Lực lượng Thanh tra Sở GT-VT cũng đã căng hết sức. Nhờ đó, tình hình UTGT đang dần được kiểm soát.

- Trong các giải pháp nói trên thì việc giãn, giảm xe buýt đang gây những tranh cãi, ông giải thích thế nào về điều này?

- Giải quyết giao thông là một bài toán tổng thể trên cả hệ thống giao thông để bảo đảm việc đi lại của người dân ở mức tương đối hợp lý, thuận cho số đông. Liên ngành đã cùng khảo sát, tính toán kỹ. Về quản lý nhà nước thì không thể cấm xe ô tô cá nhân. Trong hoàn cảnh xe cá nhân nhiều, nếu phân tuyến sang các khu vực khác cũng rất khó khăn bởi các tuyến khác như đường Lê Văn Lương, Tố Hữu… cũng đang có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn. Qua kiểm tra trên tuyến, có những đoạn rào chắn quá chật hẹp. Xe ùn ùn, mỗi khi xe buýt dừng là cả đoàn xe dừng lại. Nhiều chỗ Sở đã phải di chuyển cả những điểm dừng mà xe buýt không đủ chỗ đỗ. Chỗ nào điều chỉnh được 2 làn xe (6-7m) mới bố trí được chỗ đỗ cho xe buýt vào đón trả khách. Còn 1 làn xe (4m) thì không thể bố trí điểm đỗ được. Đã có những ý kiến phản ứng cho rằng xe buýt là nguyên nhân gây ùn tắc là không đúng nhưng trước thực tế giao thông trên tuyến có công trường, Sở bắt buộc phải tính phương án điều chỉnh, giãn tần suất hoạt động của xe buýt trên 2 tuyến này từ 5 phút/chuyến hiện nay lên 7-10 phút/chuyến. Đây chỉ là giải pháp tình thế tại những khu vực cục bộ vào những thời điểm cụ thể (dự kiến 3-6 tháng) sau đó sẽ có điều chỉnh tiếp nhằm cố gắng hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân bằng xe buýt.

- Vậy, giải pháp sắp tới đối với các công trường sẽ như thế nào, bởi đã có phản ánh nhiều “lô cốt” không thi công hoặc thi công rất chậm?

- Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu phải thi công “cuốn chiếu”, làm xong đến đâu dỡ bỏ rào chắn đến đó để dành đường phục vụ giao thông. Trong quá trình thi công, có phần việc sẽ chuyển sang làm vào ban đêm. Đồng thời, nghiên cứu thí điểm lập rào chắn di động, trên cơ sở bố trí đầy đủ đèn hiệu, con người để cảnh báo an toàn cho người tham gia giao thông. Các chủ đầu tư, nhà thầu phải chia sẻ điều này để vì mục tiêu chung, vì lợi ích cộng đồng. Các chủ đầu tư cũng đã nghiêm túc chấp hành. Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội quyết tâm từ nay đến tết Nguyên đán 2016 xong phần trụ và dỡ rào chắn, chỉ còn thi công các nhà ga. Khi đó lực lượng chức năng chỉ còn phải tập trung phân luồng, tổ chức giao thông ở khu vực 2 nhà ga (ở nút Cầu Giấy, nút Mai Dịch).

Dự án Cát Linh - Hà Đông tắc nhất nằm ở nút giao Khuất Duy Tiến, tới Tết này Bộ GT-VT sẽ thông dự án hầm đường bộ nên ùn tắc sẽ giảm. Các lực lượng chức năng của thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu không tuân thủ nghiêm túc yêu cầu của thành phố. Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn người dân chia sẻ với những khó khăn của thành phố. Những người luôn phải đi qua khu vực có rào chắn điều chỉnh thời gian đi lại và tuân thủ sự hướng dẫn của đèn tín hiệu, biển báo và lực lượng chức năng phân luồng, hướng dẫn giao thông…

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Điều chỉnh các tuyến xe buýt

(HNM) - Theo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GT-VT Hà Nội), từ ngày 7-11 sẽ giãn tần suất một số chuyến xe buýt chạy qua đường có rào chắn vào giờ cao điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông. Cụ thể, trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú, sẽ điều chỉnh tần suất của 5 tuyến (02; 21; 27; 22; 39); trên đường Xuân Thủy, từ ngày 9-11, sẽ điều chỉnh lộ trình của 5 tuyến xe buýt đi tránh sang các tuyến đường Trần Đăng Ninh - Nguyễn Phong Sắc, gồm 16A; 16B; 27; 34; 49. Điều chỉnh lộ trình tuyến buýt số 05 đi tránh sang tuyến Hàm Nghi - Nguyễn Cơ Thạch (không đi qua khu vực có mật độ giao thông cao, nút giao cầu Mai Dịch - đường Hồ Tùng Mậu). Trong thời gian điều chỉnh, vẫn duy trì hoạt động của 4 tuyến xe buýt 20A; 20B; 26; 32 có lộ trình Cầu Giấy đến Nhổn - Sơn Tây. Các tuyến xe buýt này vẫn đón trả khách tại các điểm dừng phía trước đình Mai Dịch; đường Hồ Tùng Mậu.

Tuấn Khải

Tuấn Lương