Quốc hội xem xét thông qua Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức WTO
Chính trị - Ngày đăng : 06:41, 06/11/2015
Trong tờ trình, Chính phủ nêu rõ, Tổ chức Thương mại thế giới được thành lập trên cơ sở kế thừa và mở rộng phạm vi điều tiết thương mại quốc tế theo Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT 1994. Việt Nam gia nhập WTO tháng 11-2006. Liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định GATT 1994 có ba điều (Điều 5, 8 và 10) chưa được cụ thể hóa bằng các văn kiện của WTO. Chính vì vậy, WTO đã tiến hành đàm phán một văn kiện bổ sung có tên: Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (Hiệp định TF) để đưa vào Hiệp định thuộc phụ lục 1A của Hiệp định WTO. Hiệp định TF sẽ được đưa vào thực hiện thông qua Nghị định thư sửa đổi này. Hiệp định TF đặt ra các tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại rõ ràng, thống nhất, toàn diện theo các chuẩn mực quốc tế do đó khi thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang và sẽ thực hiện như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VCU), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)... Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại QH nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi này, đồng thời đề nghị nhấn mạnh thêm một số vấn đề.
* Cũng trong sáng 5-11, QH đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khí tượng thủy văn. (KTTV)… Đa số đại biểu (ĐB) nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo luật này. Các ĐB đánh giá cao dự thảo đã có sửa đổi, tiếp thu ý kiến ĐB góp ý từ kỳ họp trước về quy hoạch mạng lưới trạm KTTV và việc quản lý, khai thác mạng lưới trạm đã có sự phân loại trạm quốc gia và trạm chuyên dùng…
Nhiều ĐB kiến nghị ban soạn thảo làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo KTTV trong trường hợp dự báo, cảnh báo KTTV không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng; quy định rõ hơn về hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo KTTV. Trong đó, ĐB Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) đề nghị ban soạn thảo quy định rõ các loại thời hạn dự báo, cảnh báo KTTV. Ví dụ, thời hạn cực ngắn 1 giờ, thời hạn ngắn là 2 giờ, thời hạn vừa là 48 giờ và nội dung này có thể quy định trực tiếp trong dự thảo luật. Mặt khác, ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ về thời hạn dự báo, cảnh báo, bởi đây là hai khái niệm có hai nội hàm và mức độ khác nhau, không nên quy định chung chung. Như vậy, khi luật có hiệu lực các cơ quan tổ chức, cá nhân mới hiểu, áp dụng thực hiện có tính khả thi cao. Một số ý kiến khác cũng đề nghị bổ sung thêm quy định về hợp tác quốc tế trong hoạt động KTTV.
Góp ý về quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động phục vụ dịch vụ KTTV, nhiều ĐB cho rằng cần phải bổ sung đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, theo ĐB Đỗ Văn Vẻ (Đoàn Thái Bình), hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV là một ngành, nghề đặc thù, đòi hỏi phải có trình độ khoa học, công nghệ chuyên ngành cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Sự chuẩn xác của thông tin dự báo, cảnh báo KTTV có tác động lớn đến đời sống KT-XH của đất nước, ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng và sức khỏe của người dân. Do vậy, hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV phải được xác định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và cần được bổ sung trong danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư năm 2014. Một số ĐB đề cập đến vấn đề an ninh nguồn nước sông Mê Kông, do việc xây dựng các công trình thủy điện cùng với tác động của biến đổi khí hậu, cần phải nghiên cứu đầy đủ để quy định trong dự thảo luật này nhằm chủ động trong hoạt động KTTV.
* Chiều 5-11, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Các ĐBQH là thành viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đánh giá, việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập WTO thể hiện vai trò thành viên chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam. Việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong WTO, phù hợp với chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Đây cũng tiền đề để Việt Nam chuẩn bị thực hiện các cam kết có tiêu chuẩn cao về hải quan trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EVFTA); đồng thời là cơ hội để Việt Nam tranh thủ các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực thực thi sau khi Hiệp định có hiệu lực với tư cách là nước đang phát triển.