Du lịch đường thủy nội đô: Chết yểu?
Du lịch - Ngày đăng : 06:36, 06/11/2015
Khách không mặn mà
Bà Trần Thị Uyên (ngụ đường Hoàng Sa, Quận 3) cho biết, trong mấy ngày đầu, tuyến du lịch đường thủy này vẫn có khách nhưng hơn tháng nay hầu như vắng. Chỉ những ngày cuối tuần, vào khoảng 16-17h mới có một vài thuyền đi, chủ yếu là khách du lịch nước ngoài. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại cả hai đầu bến đưa đón khách, đơn vị chủ đầu tư tuyến du lịch đường thủy nội đô này là Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn vẫn chưa xây dựng nhà vệ sinh, không có khu ăn uống, nhà chờ cho khách hay các dịch vụ liên quan… Hiện mới có một căn nhà nhỏ ngay trên bến để tiếp nhận khách đăng ký tham gia đi trên tuyến. Tại bến thuyền đường Hoàng Sa (Quận 3), duy nhất một nữ nhân viên trực chốt và chỉ có nhiệm vụ ghi danh sách khách đăng ký.
Bến tàu đưa đón khách trên đường Hoàng Sa (Quận 3) vắng bóng cả khách lẫn thuyền. |
Trao đổi với Báo Hànộimới, bà Trần Anh Thy, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn thừa nhận, hiện hai đầu bến của tuyến du lịch vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Cụ thể, đơn vị vẫn chưa xây dựng được nhà vệ sinh, khu phục vụ đồ uống nhanh, quầy bán quà lưu niệm… "Chúng tôi đang chờ Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh cấp phép cho xây dựng để phục vụ hành khách. Dự kiến, nếu thi công trong tháng 11 này thì sẽ hoàn thành trong vòng 30 ngày, sau đó sẽ đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch và phục vụ hành khách chu đáo hơn", bà Thy chia sẻ.
Việc đi lại của khách còn bị ảnh hưởng do triều cường lên xuống vào những tháng cuối năm, nhất là vào buổi chiều hằng ngày. Do đó, du khách nếu đi cũng phải căn theo giờ, trong khi hệ thống cầu bắc qua kênh có độ tĩnh không thông thuyền thấp nên không thể di chuyển khi con nước dâng cao.
Nguy cơ phá sản?
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lửa Việt Tours nhìn nhận, du lịch đường thủy hay đường sông là món nợ của ngành Du lịch Việt Nam. Bởi tỉnh, thành nào có lợi thế cũng muốn làm nhưng hầu như khi triển khai hoạt động loại hình du lịch này đều không thành công. Cũng theo ông Mỹ, muốn làm du lịch đường thủy nội đô, ngoài việc chuẩn bị tàu thuyền, thì cảnh quan phải hài hòa với sông nước theo kiểu "trên bến dưới thuyền". Có thể nói, để du lịch đường thủy cất cánh cần phải có kế hoạch dài hơi, thậm chí chuẩn bị trước cả vài chục năm mới có thể làm tốt. "Tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện có hội tụ các yếu tố đó không? Cảnh quan có đẹp không? Nguồn nước có sạch? Cơ sở hạ tầng có đáp ứng? Tôi cho rằng, kiểu làm du lịch như trên là rất táo bạo, mạo hiểm, không thể bền vững và gặp nhiều rủi ro", ông Mỹ khẳng định.
Tương tự, PGS.TS Phạm Xuân Mai, giảng viên Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho hay, chọn tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là không đúng, bởi đặc điểm của tuyến du lịch đường thủy cần đưa du khách đi hết tuyến, trong khi tuyến này chỉ đi được phần hạ lưu từ Quận 1 đến Quận 3, còn thượng nguồn không đi được, do hệ thống cầu bắc qua kênh có độ tĩnh không thông thuyền thấp.
Cũng theo các chuyên gia, thực tế, không thể gọi đây là tuyến du lịch đường thủy mà chính xác hơn chỉ phục vụ người dân đi... thăm thú trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Bởi nếu làm du lịch đúng nghĩa, chắc chắn dịch vụ là điều kiện bắt buộc, tức phải kết hợp các điểm và không gian văn hóa, ẩm thực, cảnh quan dọc tuyến kênh. Trong khi, trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tồn tại đủ bất cập như vệ sinh, nguồn nước ô nhiễm, chế độ thủy triều gây mất an toàn đường thủy... Mở kiểu du lịch này không khác gì theo phong trào, không làm đúng chuyên môn du lịch.