Bài 2: Thận của con, cuộc đời của mẹ

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:04, 06/11/2015

(HNM) - Trước khi trút hơi thở cuối, Nguyễn Thanh Tú đã cố gắng tỉnh táo, cầu xin bác sĩ giúp cậu thực hiện di nguyện được hiến thận để cứu mẹ bị suy thận nặng. Câu chuyện cảm động đã khiến ê kíp hơn 100 nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy tập hợp ngay trong đêm để thực hiện ca ghép tạng đặc biệt nhất.

Tâm nguyện của con trai

Mẹ của cậu thanh niên ấy là bà Nguyễn Thị Kim Chi, hiện đang sinh sống tại xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, Bình Dương. Năm 2006, trong một lần đang cạo mủ cao su, bà Chi bị tăng huyết áp nên ngất xỉu. Bác sĩ phát hiện bà Chi bị suy thận, phải nghỉ ngơi và uống thuốc điều trị. Công việc nương rẫy cứ cuốn lấy người phụ nữ, khiến bà lơ đễnh lời dặn của thầy thuốc. Bẵng đi một năm, cơ thể người phụ nữ kiệt quệ, sụt cân nhanh chóng từ 55kg còn 37kg. Nước da ngăm đen khỏe khoắn của nữ công nhân điền cao su thay bằng nhợt nhạt, xanh xao. Kể từ đó, tuần 3 buổi bà Chi phải xuống Bệnh viện Chợ Rẫy - TP Hồ Chí Minh chạy thận và chạy ăn từng bữa. Cuộc sống gia đình không khá giả, có được 2 héc ta cao su thì năm 2000, người anh chồng gặp khó khăn, vợ chồng bà Chi bàn nhau cho anh mượn sổ đất để vay thế chấp ngân hàng lấy tiền làm vốn làm ăn. Chẳng may việc của anh vỡ nợ. Trong cơn túng quẫn vì vườn cao su bị ngân hàng tịch thu, bệnh thận lại tìm đến bà Chi. Để lo tiền chạy thận cho vợ, ông Tâm phải đi cạo mủ thuê, con trai bỏ học, mở tiệm rửa xe. Nhưng do bệnh thận đã vào giai đoạn cuối, bà Chi được bác sĩ chỉ định phải ghép, để giữ mạng sống.

Một ca ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy.


Bà Chi rầu rĩ kể: "Gia đình gặp hoạn nạn, lại thêm bệnh thận nên gia sản tiêu tan. Chưa bao giờ đầu tôi nghĩ đến việc ghép thận". Bà bắt đầu chuỗi hành trình chạy thận để kéo dài sự sống. Đi về từ Bình Dương - TP Hồ Chí Minh gần 200km, bà Chi luôn có con trai Nguyễn Thanh Tú (sinh năm 1990) đồng hành. Ngày nắng, Tú chở mẹ đi chạy thận bằng xe máy. Mưa đến, hai mẹ con cùng di chuyển trên 3 chặng xe buýt để đến bệnh viện. "Có lúc không đi được nữa thì Tú phải bế hoặc cõng tôi trên lưng. Cháu không một lời kêu thán mà luôn kể chuyện hài để chọc cho tôi cười", nhìn bức di ảnh của con trai, bà Chi rớt nước mắt kể. "Mỗi khi tôi đau quá, cháu Tú thương mẹ, thủ thỉ bên tai: Để con cho mẹ thận để nhanh khỏi bệnh. Tôi nghe xong thì gạt đi".

Tháng 3-2008, biến cố ập đến với người phụ nữ. "Hôm đó, tôi đang nằm trong nhà, ngóng mãi không thấy con về ăn cơm trưa. Đột nhiên, ngoài ngõ có tiếng "rầm". Rồi hàng xóm nhao lên: Tú bị xe tông cách cổng nhà chừng 50 mét", đó mãi là ký ức hãi hùng bà Chi không quên được. Con trai được chồng và hàng xóm đưa đi Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Tú bị đa chấn thương, bác sĩ thông báo cho người nhà, em không thể vượt qua. Trong một lần hồi tỉnh, Tú gắng gượng trình bày tâm nguyện với bác sĩ về nguyện vọng được hiến thận để cứu sinh mạng người mẹ. Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Chấn thương sọ não và khoa Thận niệu của Bệnh viện Chợ Rẫy và gia đình cùng họp bàn về trường hợp của Tú. Trong cơn tuyệt vọng vì con trai nằm bất động, vợ thì thoi thóp bên giường bệnh, ông Tâm mất bình tĩnh và hét lớn: "Các người dừng lại ngay. Ai bày ra cái trò này, con tôi thì hấp hối, vợ thì thoi thóp. Tôi mất con rồi, đặng mà mất vợ nữa, sao tôi sống được". Bà Chi cũng không màng đến sự sống của mình. Người mẹ khóc hết nước mắt cầu xin bác sĩ cứu mạng con trai. Nhưng bà chỉ nhận được cái cúi đầu im lặng. "Họ từ chối vì con trai đã rơi vào trạng thái chết não, và nói về nguyện vọng của Tú muốn hiến thận cho mẹ. Tôi không đồng ý, vì nghĩ sớm muộn gì mình cũng chết, nên để con trai được chết toàn thây". Tâm nguyện của con trai bị chính bố mẹ phản đối. Không thể kéo dài được lâu, Giáo sư Trần Ngọc Sinh, trưởng kíp phẫu thuật ghép thận đã mời ông Tâm lên phòng làm việc và tư vấn rõ về tình hình hiện tại. "Bác sĩ nói nếu không phẫu thuật ghép thận thì sớm muộn vợ tôi cũng sẽ mất theo cháu vì đã suy thận giai đoạn cuối. Tôi hiểu chuyện, đồng ý phẫu thuật, nhưng nơm nớp lo ca mổ sẽ có điều chẳng lành", ông Tâm nhớ lại.

Việc ghép thận chữa bệnh đã được Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng nhiều năm trước, nhưng trường hợp ghép thận từ người cho bị chết não như Tú là trường hợp đầu tiên. Nhớ về ca phẫu thuật đặc biệt này, bác sĩ Thái Minh Sâm - Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy xúc động: "Gia đình họ rơi vào hoàn cảnh thương tâm nên lúc đó ê kíp mổ của Bệnh viện Chợ Rẫy rất cân nhắc và thận trọng nhất để bằng mọi cách phải đưa sự sống trở về từ cái chết cho người mẹ. Vì đây là sự hy sinh quá thiêng liêng, sự kết nối hai mẹ con".

Khi có thể mở được đôi mắt, bà Chi nhìn thấy trên bụng có vết mổ được bó băng. Đồng nghĩa, giờ này con trai bà đã được chồng và hàng xóm đưa về quê làm thủ tục hậu sự. Phải nằm một mình trong phòng cách ly, bà rơi vào trạng thái trầm cảm và ảo tưởng. Người phụ nữ ngơ ngẩn, khóc cười, thậm chí mắng chửi y tá và điều dưỡng. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phải lập tức mời bác sĩ tâm thần và bác sĩ tâm lý sang trấn an bệnh nhân. 15 ngày được bác sĩ tâm lý điều trị, bà Chi vượt qua được cơn sốc, nhưng vẫn khóc nhiều vì quá thương nhớ con. Mắt bà Chi đẫm lệ: "Nằm trên giường bệnh, tôi tưởng tượng đủ thứ về đám tang con trai. Rồi tôi nhớ về những ngày mẹ con dìu nhau ở chính trong bệnh viện này. Cháu Tú hiền lành, ngoan ngoãn và yêu thương gia đình, sao ông trời lại đưa con trai tôi đi mất", bà Chi đau khổ giãi bày. Các bác sĩ khuyên can, "chị không được khóc, khóc nữa thì sẽ làm tăng huyết áp, hư quả thận của con". Vâng lời bác sĩ, bà Chi ngưng khóc. Đặt tay lên vết mổ, ẩn sâu dưới lớp băng gạc phủ kín, quả thận của con trai đang tồn tại trong cơ thể bà.

Sau khi ghép, cơ thể bà Chi thích ứng tốt với quả thận ghép. Từ chỗ suy kiệt còn 40kg, bà tăng lên 65kg. Mỗi một tuần lại bắt xe buýt lên TP Hồ Chí Minh khám lại một lần. Lâu dần, bác sĩ chỉ định xuống còn một tháng. Thuốc chống đào thải thận sau khi ghép cũng được bác sĩ cho phép giảm bớt, vì cơ thể bà phục hồi quá nhanh. "Những người ghép thận cùng đợt với tôi bảo, tôi hồi phục nhanh là do con trai phù hộ. Tôi quay trở lại làm việc kiếm tiền lo cho tương lai bé Như. Đây là đứa con duy nhất của cháu Tú để lại cho gia đình".

Thương con dâu trẻ, vợ chồng họ bàn nhau để con dâu đi tìm hạnh phúc riêng. Ngày ngày, hai vợ chồng nghèo lầm lũi mưu sinh. Ông Tâm tiếp tục thay con trai rửa xe, bà Chi đặt xe nước mía bên cạnh để bán. Thấm thoắt 7 năm trôi đi, bà Chi vẫn chưa tin có ngày mình có thể trở lại với cuộc sống bình thường: "Trước đây, tôi không dám tưởng tượng có một ngày mình tự bước đi mà không phải con trai dìu dắt. Con đã mang đến cho tôi cuộc sống diệu kỳ".

Đại sứ thầm lặng

Câu chuyện của Tú là người đầu tiên đồng ý hiến tạng khi chẳng may qua đời để cứu mẹ có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng bệnh viện và thân nhân. Nhờ đó, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định đẩy mạnh hơn các cuộc vận động người dân hiến tạng nhân đạo cứu người. Từ năm 2008 đến nay, bệnh viện đã có thêm 5 trường hợp chẳng may qua đời đồng ý hiến tạng. Sau ca ghép thận thành công, bà Chi được Bệnh viện Chợ Rẫy mời tham gia vào các buổi nói chuyện trao đổi cùng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối nhằm vực dậy tinh thần những người bệnh đang phải đấu tranh cùng cái chết cận kề. Lâu dần, câu chuyện về người phụ nữ hồi sinh trở về từ cõi chết, mang trong mình sức trẻ của cậu con trai lan khắp xứ Bình Dương. Những người bị bệnh thận tìm đến nhà riêng nhờ bà Chi tư vấn nhiều hơn. Năm 2013, một người chị trong xóm của bà Chi cũng bị suy thận nặng. Được bác sĩ chỉ định ghép thận, nhưng sau nhiều năm chờ đợi vẫn chưa tìm được người đồng ý hiến tặng. Đang làm ăn ở tận miền Bắc, biết tin em gái bệnh nặng, người chị ruột tức tốc về thăm em. Nghe được hàng xóm truyền tai câu chuyện kỳ diệu về hiến thận của con trai bà Chi, người chị cũng muốn hiến một quả thận để cứu em gái. Nhưng trước mắt vẫn bị phân tâm bởi lời đồn thổi "cho thận rồi chỉ nằm một chỗ", gia đình chồng lại mặc sức ngăn cản. Người phụ nữ đã tìm đến bà Chi, để tận mắt chứng kiến một bệnh nhân suy thận nặng hồi sinh. Bà Chi nói: Tôi chỉ biết khuyên người ta, như những gì bác sĩ đã khuyên vợ chồng tôi 7 năm trước. Việc cho thận không ảnh hưởng nhiều đến người cho, mà giúp người bệnh nặng như tôi hồi sinh... Cuối cùng người chị ấy vững tâm và thuyết phục gia đình chồng đồng ý cho hiến thận cứu em gái.

Sau phẫu thuật, hai chị em họ đều khỏe mạnh dắt nhau sang nhà bà Chi, thắp một nén nhang cho người con trai đã mất, thay lời cảm ơn người dẫn đường. Bà Chi mỉm cười nhìn lên bàn thờ con trai với ánh mắt mãn nguyện.

Tuệ Diễm