“Em bé napalm” Việt Nam giờ ra sao?
Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 12:21, 05/11/2015
Trang tin CNN ngày 4/11 đã có bài về Kim Phúc. Tác giả cho biết, khi gặp lại cô bé ấy ngày hôm nay, nụ cười ấm áp của bà sẽ cuốn lấy sự chú ý của người đối diện trước khi họ nhận thấy những vết sẹo của bà. Họ cũng sẽ không bao giờ biết rằng bà vẫn đang liên tục đau đớn - từ lúc bà thức dậy buổi sáng, cho tới những suy nghĩ cuối cùng của bà khi đêm về.
"Tôi chỉ cầu xin Chúa giúp tôi và tôi đã từng mơ ước một ngày nào đó trên thiên đường, tôi không còn bất kỳ đau đớn nào nữa và cũng không còn những vết sẹo", bà Kim Phúc nói. "Nhưng bây giờ, ngay bây giờ, giấc mơ của tôi đã trở thành sự thật. Thiên đường trên mặt đất là có thực với tôi... và tôi rất hạnh phúc, hạnh phúc, hạnh phúc".
Bà đã tìm thấy hy vọng mới, nhờ điều trị bằng công nghệ laser vi phân. Tiến sĩ Jill Waibel, bác sĩ da liễu đang điều trị cho bà Phúc cho biết, cách điều trị này có thể giúp bệnh nhân bị bỏng và chấn thương chữa lành những vết sẹo.
Bà Kim Phúc cho biết, những cải thiện đầu tiên là cảm giác ngứa và đau giảm, sau đó là cấu trúc da được cải thiện, mịn màng hơn và tiếp nữa là các chuyển động của cơ thể ở những vùng bị bỏng cũng được cải thiện.
'Tôi có thể di chuyển cánh tay của tôi. Tôi đã không thể làm điều này trong 10 năm qua", bà nói.
Bà Kim Phúc trong bức ảnh nổi tiếng và hiện nay |
Chi phí cho mỗi đợt điều trị từ 500-3.000 USD nhưng cô được điều trị miễn phí.
"Cô ấy có một tâm hồn quá đẹp. Cô ấy là biểu tượng sống và bất cứ ai biết. những gì cô đã trải qua đều rất ấn tượng với cô", vị bác sĩ nói.
Tất nhiên, cuộc hành trình của bà Kim Phúc không hề dễ dàng. Trong nhiều năm, bà phải vật lộn để đối diện với những gì đã xảy ra. Bà mới chỉ là đứa trẻ 9 tuổi khi bị bom napalm làm biến dạng các bộ phận cơ thể. Tuổi thơ của bà đã bị phá hủy.
"Trái tim tôi đầy hận thù, tôi ghét cuộc sống của tôi", bà nói. "Mỗi lần tôi nhìn vào những vết sẹo của mình, tôi ghét nó và mỗi lần tôi đau đớn, tôi không thể chịu đựng được. Tôi gần như bỏ cuộc, nhưng sau đó là bước ngoặt tuyệt vời, khi tôi cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ tôi”, bà tâm sự.
Nhưng nỗi đau thể chất liên quan đến các vết sẹo vẫn còn. Bà đã ngừng dùng thuốc giảm đau 14 năm trước đây, lựa chọn cách vượt qua các cơn đau bằng việc đi bộ, nói chuyện qua điện thoại hoặc thậm chí hát.
"Tôi đã học được cách đánh lạc tâm trí của mình khi nỗi đau ập đến. Tôi không bao giờ tập trung vào nỗi đau", cô nói. "Tôi biết rằng, khi tôi tập trung vào nỗi đau, nỗi đau sẽ lớn hơn, lớn hơn…", bà nói.
Bà Kim Phúc hiện đã lập gia đình và có hai con trai trưởng thành. Bà và chồng đã chuyển tới Canada sinh sống cách đây hơn 20 và họ đã đi khắp thế giới vận động cho quỹ Kim Foundation International. Nhiệm vụ của quỹ là giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Tuy nhiên, những cơn đau đã làm cho các chuyến đi của bà gặp không ít khó khăn.
Tới giờ, bà Kim Phúc đã có hai buổi trị liệu laser và sẽ còn phải tiến hành nhiều đợt điều trị nữa, có thể sẽ mất 1 năm. Nhưng những vết bỏng của bà đã có sự cải thiện và bà đang hi vọng vào một cuộc sống không còn đau đớn.
"Tôi thực sự muốn có cuộc sống tốt hơn để có thể làm được nhiều thứ hơn. Tôi mong muốn trong tương lai, có một ngày không còn đau đớn. Điều đó thật tuyệt vời", bà nói.