Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia: Hiệu quả nhưng cần nỗ lực hơn
Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 05/11/2015
Người dân Mường Nhụng - Sơn La được dùng nước sạch.Ảnh: Yến Ngọc |
Tuy nhiên, thảo luận về chương trình này trong phiên họp ngày 4-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chỉ ra những điểm chưa đạt để các bộ, ngành, địa phương có giải pháp khắc phục, trước mắt là triển khai hiệu quả hai chương trình gồm Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững.
Dàn trải, thiếu tập trung
Đánh giá về hiệu quả các CTMTQG, nhiều ý kiến ĐB ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, CTMTQG về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt hiệu quả khá tốt và được đánh giá cao. Song vẫn cần lưu ý, nước hợp vệ sinh đạt chuẩn quốc gia hay còn gọi là nước sạch theo chuẩn của Bộ Y tế thì thấp hơn. CTMTQG về y tế có hiệu quả khá, nhưng trang bị và trình độ y tế tuyến xã, huyện còn yếu… CTMTQG giảm nghèo bền vững được coi là thực hiện khá tốt, khi giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,2% năm 2010 xuống còn dưới 5% hiện nay. Tuy được nhiều ĐB đánh giá cao, song một số ĐB đặt câu hỏi về việc tính toán tỷ lệ này có trừ chỉ số giá tiêu dùng CPI chưa, vì qua 5 năm, vật giá đã tăng ít nhất là 1,3 lần, trong khi chuẩn nghèo vẫn giữ nguyên... Theo ĐB Danh Út (Đoàn Kiên Giang), hiện hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số nghèo trên cả nước và đó là một thách thức.
Còn ĐB Lê Công Đỉnh (Đoàn Long An) cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần làm rõ thêm về chất lượng, hiệu quả một số chương trình cụ thể. Chẳng hạn CTMTQG về việc làm và dạy nghề có hiệu quả không cao là do quá dàn đều, chi phí dạy nghề được hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng/người, không đủ để đào tạo thợ lành nghề. Trong khi đó, các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài có đào tạo ước tính tối thiểu là 2,5-3 triệu đồng/người. Có ĐB đề xuất chương trình nên dành kinh phí thuê thầy giỏi, thợ giỏi trực tiếp dạy nghề cho người lao động, thay vì mở các lớp đào tạo 3 tháng, học xong học viên chưa chắc đã biết nghề...
CTMTQG xây dựng nông thôn mới được đánh giá là đã đem lại bộ mặt mới cho các làng quê khi đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng các công trình đường sá, điện, nhà văn hóa, trạm xá, trường học… Tuy nhiên, không ít ĐB phản ánh tình trạng lãng phí khi xây dựng không ít nhà văn hóa, trường học khang trang rồi bỏ không vì thiếu kinh phí, biên chế dẫn đến không có người đến học tập, sinh hoạt. Hay có địa phương "chạy theo phong trào" dẫn đến nợ kinh phí xây dựng cơ bản hoặc nhiều công trình đã làm xong nhưng chưa quyết toán…
Giai đoạn 2016-2020 chỉ thực hiện hai chương trình
Để thực hiện các CTMTQG hiệu quả, Chính phủ đã đề xuất việc tổ chức lại CTMTQG theo hướng thu gọn đầu mối, chỉ để lại hai chương trình: Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững. Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thuờng vụ Quốc hội tán thành và cho rằng, việc tiếp tục đầu tư cho hai chương trình này là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết của Đảng và định hướng phát triển KT-XH. Mặt khác, việc thực hiện hai chương trình này là CTMTQG cho thấy Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục dành nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn, miền núi để nâng cao cuộc sống của người dân, đồng bào dân tộc.
Hầu hết ĐB tán thành với đề xuất của Chính phủ, đồng thời có những góp ý đề xuất giải pháp thực hiện. Cụ thể, theo ĐB Phạm Văn Cường (Đoàn Lào Cai), chương trình cần tới 1 triệu tỷ đồng, vậy nguồn lực ở đâu? Dù là vốn vay hay vốn trung ương cũng vẫn là vốn ngân sách… Do vậy, ĐB tán thành và đề nghị nên áp dụng cơ chế rút gọn với cả hai chương trình; đồng thời thực hiện phân cấp gắn với mô hình chính quyền địa phương mới (thực hiện năm 2016).
Để hạn chế sự chồng lấn về đầu tư hạ tầng giữa hai chương trình, nên chuyển phần đầu tư từ chương trình giảm nghèo bền vững sang chương trình nông thôn mới sẽ phù hợp hơn. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) tán thành với đề xuất của Chính phủ đề xuất thực hiện thủ tục rút gọn, để giảm các thủ tục rườm rà, phức tạp về hành chính khi triển khai chương trình. Một số ĐB khác kiến nghị, để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững nên thiết kế hỗ trợ dưới hình thức vay không lãi để người dân có trách nhiệm trả thông qua chính quyền địa phương, hội phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh để tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại...
* Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn; thu nhập bình quân tăng 1,8 lần so với năm 2015, 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế. * Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững phấn đấu đến năm 2020 có 10% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm 80-90% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 70-80% thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa theo tiêu chuẩn; 100% trung tâm xã có điện; thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình tăng 15-20%/năm... |