Thắng lợi trên mặt trận đối nội
Thế giới - Ngày đăng : 06:47, 05/11/2015
Tổng thống B.Obama ký ban hành luật ngân sách của Mỹ trong 2 năm tới. |
Động thái này diễn ra sau khi Thượng viện Mỹ, với 64 phiếu ủng hộ và 35 phiếu chống, đã thông qua dự luật vào cuối tuần qua. Việc các thành viên đảng Dân chủ trong Thượng viện và các Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa có quan điểm bảo thủ trong lĩnh vực quốc phòng ủng hộ dự luật được xem là thắng lợi lớn của ông chủ Nhà Trắng trên mặt trận đối nội khi thời gian nắm quyền của nhiệm kỳ hai sắp kết thúc. Trên thực tế, dự luật đã từng gặp phải sự phản đối quyết liệt của một số Nghị sĩ đảng Cộng hòa, trong đó, đi đầu là hai ứng cử viên tổng thống của đảng này gồm Thượng nghị sĩ Rand Paul và Thượng nghị sĩ Ted Cruz. Theo lập luận của Thượng nghị sĩ Ted Cruz, đa số thành viên của đảng Cộng hòa đã trao cho Tổng thống B.Obama những ưu đãi quá lớn về vấn đề chi tiêu. Cùng chung quan điểm, Thượng nghị sĩ Rand Paul lại cản trở bằng cách kéo dài thời điểm đưa dự luật ra bỏ phiếu. Trong bài phát biểu dài một tiếng đồng hồ tại Thượng viện mới đây, ông Rand Paul đã chỉ trích mạnh mẽ các thành viên đảng Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ dự luật khi cho rằng, việc tăng chi tiêu ngân sách như vậy sẽ khiến nước Mỹ "rơi vào lãng quên".
Vượt qua nhiều bất đồng gay gắt đó, trọng tâm luật ngân sách vừa ban hành có thời hạn đến ngày 15-3-2017 là việc nâng trần nợ công cũng như tăng chi tiêu cho quân sự và chi tiêu trong nước của Mỹ thêm 80 tỷ USD. Cụ thể luật ngân sách bổ sung 50 tỷ USD cho tài khóa 2016 và 30 tỷ USD cho tài khóa 2017. Bên cạnh đó, một khoản ngân sách bổ sung khác trị giá 16 tỷ USD cũng sẽ được cấp mỗi năm, chia đều cho Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao để phục vụ các chương trình quân sự khác. Tuy nhiên, luật ngân sách cũng cắt giảm một số chi phí trong chương trình chăm sóc y tế cho người già và người tàn tật, giảm ngân sách ở một số chi tiêu công cho Bộ Tư pháp và hệ thống kho dự trữ dầu mỏ chiến lược do Bộ Năng lượng quản lý. Ngay khi Tổng thống B.Obama ký ban hành luật, các Ủy ban chuẩn chi ngân sách của hai viện trong Quốc hội Mỹ sẽ phải xây dựng chương trình kế hoạch phân bổ chi tiêu cụ thể cho các cơ quan hành chính với thời hạn chót đến ngày 11-12.
Số tiền 80 tỷ USD bổ sung cho chính phủ có được là nhờ các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thu từ thuế của chính quyền Tổng thống B.Obama trong những năm qua. Những nỗ lực này đã giúp thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm tài khóa 2015 giảm còn 439 tỷ USD, thấp nhất kể từ năm 2008 đến nay. Thâm hụt ngân sách Mỹ năm 2015 giảm đánh dấu sự thay đổi lớn kể từ mức thâm hụt trên 1.000 tỷ USD/năm trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống B.Obama, từ năm 2009 đến 2012 - khoảng thời gian mà Chính phủ Mỹ phải chi tiêu mạnh tay để đối phó với các tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, thâm hụt ngân sách của Chính phủ nước này sẽ tiếp tục giảm trong năm 2016 xuống còn 414 tỷ USD. Thế nhưng, theo số liệu từ Đồng hồ nợ quốc gia của Mỹ, Chính phủ liên bang đang nợ hơn 18.400 tỷ USD. Nếu cộng 1.500 tỷ USD mà Bộ Tài chính Mỹ có thể vay thêm theo luật ngân sách mới, thì trần nợ công của Mỹ khi Tổng thống B.Obama rời Nhà Trắng sẽ gần đạt 20.000 tỷ USD, tức là gấp đôi so với tổng nợ quốc gia 10.600 tỷ vào năm 2009 khi ông mới lên nắm quyền. Vì thế, hiện không ít ý kiến nghi ngờ về "di sản nợ nần" của Tổng thống B.Obama để lại khi rời Nhà Trắng.
Để trấn an dư luận, trong phát biểu mới đây, người đứng đầu nước Mỹ đánh giá cao thỏa thuận ngân sách này khi nhấn mạnh rằng, các nhà lập pháp Washington vẫn chọn lựa giải pháp hợp tác hơn là cản trở lẫn nhau vì sự phát triển của nước Mỹ. Trên tinh thần đó, ông B.Obama kêu gọi Quốc hội duy trì động lực này để tiếp tục làm việc về dự luật chi tiêu đối với những ưu tiên của nước Mỹ mà không bị chệch hướng bởi tính đảng phái và mâu thuẫn nội bộ.