Vẫn là câu chuyện dài
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:36, 05/11/2015
Lý do đưa ra là chưa cân đối được nguồn ngân sách. Trong bối cảnh eo hẹp nguồn thu hiện nay, phương án tăng lương cần phải được tính toán kỹ lưỡng... Bởi lẽ, không riêng gì người làm công ăn lương mà hết thảy mọi người đều muốn có thu nhập cao. Thế nhưng, chuyện tăng lương không thể đứng ngoài chuyện cân đối ngân sách. Việc Hy Lạp nâng cao phúc lợi xã hội khi không bảo đảm nguồn thu đã dẫn đến đổ vỡ nợ công, gây mất ổn định xã hội, đẩy nền kinh tế đến bờ vực là một bài học đau đớn cho các nhà thiết kế chính sách... Thế nhưng cũng có rất nhiều vấn đề không mới, từng làm "nóng" các diễn đàn, kể cả diễn đàn Quốc hội vẫn buộc mỗi người phải suy nghĩ.
Nhiều vị đại biểu Quốc hội có chung nhận định: Bộ máy ăn lương nhà nước quá lớn, vượt khả năng chịu đựng của ngân sách. Cho đến lúc này, Bộ Nội vụ chưa trả lời về con số 30% công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", nhưng nếu nhận định nêu trên là đúng thì số người không xứng đáng nhận những đồng tiền từ thuế của nhân dân đã lên tới 700 nghìn, tiêu tốn tới 17 nghìn tỷ đồng từ ngân sách. Chưa kể bộ máy cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, không quy trách nhiệm đến cùng, thẩm quyền không gắn với nghĩa vụ và chế độ trách nhiệm… dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý, bỏ sót hoặc lạm quyền, phát sinh khâu trung gian... Và như một đại biểu Quốc hội nhận định: Hiệu quả có một nhưng công việc nhân đôi, thành tích kê ba, bốn và bộ máy phát sinh "phục vụ chính mình" chiếm tỷ lệ cao trong tổng biên chế...
Bài toán giảm biên chế đã đặt ra từ nhiều năm trước, ít nhất đã có vài đợt giảm biên chế rộng rãi, nhưng ở nhiều khía cạnh, có thể nhận định: Không đạt mục tiêu đề ra. Thậm chí Nhà nước còn mất một khoản chi đáng kể. Cũng theo một vị đại biểu Quốc hội, năm 2014, tổng biên chế hành chính sự nghiệp tăng hơn 30% so với năm 2007. Thêm nữa là những bất cập chế độ tiền lương, tiền thưởng như dựa vào năm công tác chứ không dựa trên ý tưởng sáng tạo, hiệu quả công việc... Hệ lụy thế nào không phải bàn thêm và nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên không có gì mới. Đó là câu chuyện lợi ích, lợi ích bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên... và như một nhận định: Chính những "lợi ích" này đang làm cho hệ thống hành chính của chúng ta mang dấu ấn của một hệ thống hành chính "quan hệ"...
Nhiều người cho rằng: Để tăng lương cho người lao động, trước hết phải tiết kiệm chi tiêu ngân sách. Bên cạnh việc chống lãng phí từ những công trình "nghìn tỷ" xây xong "đắp chiếu" hoặc những công trình cần thiết nhưng chưa thật sự cấp thiết thì giảm biên chế phải được xem là một giải pháp tiên quyết và cần thực hiện một cách quyết liệt. Tình trạng bộ máy cồng kềnh, số lượng người phục vụ nhiều, số người thật sự làm chuyên môn không bao nhiêu cũng cần phải loại bỏ. Từng vị trí công việc phải được quy định rõ ràng, việc đánh giá công việc phải được thực hiện nghiêm túc, có cơ chế loại thải đối với những cán bộ công chức không đủ khả năng đáp ứng vị trí công việc. Loại bỏ những người thừa trong bộ máy, Nhà nước sẽ có thêm nguồn ngân sách cho việc tăng lương, bảo đảm cuộc sống cho những người làm việc có hiệu quả.