Bị ong đốt 115 nốt, bé gái 13 tuổi nguy kịch
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:53, 04/11/2015
Bé Trang đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai |
Được biết, bé Trang đang học bán trú tại trường THCS Tân Mai, Mai Châu, Hòa Bình. Sự việc xảy ra buổi trưa ngày 2-11, cháu và các bạn rủ nhau đi lấy củi để nấu cơm. Không may Trang và các bạn bị ong vò vẽ đốt. Trong số đó, Trang là người bị nặng nhất với 115 nốt đốt toàn thân. Ngay sau đó, cháu có cảm giác không nhìn thấy gì, rét run, khó thở, tiểu đỏ nên được đưa đến BV Mai Châu. Tại đây, cháu được chẩn đoán là sốc do ong đốt và chuyển gấp lên BV Bạch Mai.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân cho biết, ở người lớn bị ong đốt 10 nốt đã nguy hiểm. Còn ở trường hợp cháu bé Trang bị ong đốt quá nhiều nốt nên bị nhiễm độc nặng, đe dọa tính mạng. Bệnh nhân được lọc máu cấp cứu và theo dõi chặt chẽ diễn biến sức khỏe. Độc tính của ong vò vẽ rất mạnh, có thể tử vong do suy gan, suy thận, rối loạn đông máu. Sau khi bị ong đốt, người bệnh có thể có các biểu hiện, đầu tiên là nổi mề đay, ngứa, sau đó là sốc phản vệ, khó thở, phù nề thanh quản, đớ lưỡi. Tiếp đến là suy hô hấp, phù nề các phế nang, nôn, tụt huyết áp, tiêu chảy. Do không đi tiểu được nên cơ thể bị ứ nước, urê không thải ra ngoài và thận không làm việc dẫn đến suy thận cấp.
Cũng theo các bác sĩ, bị ong đốt nhiều nốt còn nguy hiểm hơn cả bị rắn độc cắn. Theo một tài liệu thống kê, ở Mỹ, hằng năm số người tử vong do bị ong đốt cao gấp 2 lần số người tử vong do bị rắn độc cắn. Bởi vì điều nguy hiểm nhất là không thể cấp cứu người bị ong đốt bằng cách garo để ngăn nọc như khi bị rắn cắn. Người bị ong đốt cần uống đủ nước, không tự ý bôi thuốc và cần được nhanh chóng chuyển đến cơ sở cấp cứu. Trong các loại nọc ong, nọc ong vò vẽ thuộc loại nguy hiểm nhất. Sau khi đốt xong, chúng không để lại vòi như ong mật nên không chết ngay mà có thể đốt thêm nhiều người nữa.