Công bố kết luận vụ ăn chặn chế độ người tâm thần tại Trung tâm BTXH Nghệ An

Đời sống - Ngày đăng : 10:20, 04/11/2015

Chiều 3/11, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã công bố kết quả chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An điều tra và xử lý vụ việc ăn chặn tiền của các đối tượng được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An (xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).


Người tàn tật tại Trung tâm không tin khẩu phần ăn của mình bị bớt xén.


Xử lý sai phạm

Theo đó, Cục đã chỉ đạo Sở LĐ-TBXH Nghệ An triển khai các hoạt động xác minh và xử lý nhanh các trường hợp vi phạm.

Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho ông Nguyễn Xuân Phú (Giám đốc) và bà Nguyễn Thị Thu Phương (Phó giám đốc) Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An nộp ngay số tiền sai phạm: 783.959.643 đồng vào Quỹ Trung tâm BTXH Nghệ An chờ xử lý.

Ngày 12/10/2015 ông Nguyễn Xuân Phú và bà Nguyễn Thị Thu Phương đã nộp số tiền sai phạm vào quỹ cơ quan.

Sở LĐ-TB&XH Nghệ An chỉ đạo tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Nguyễn Xuân Phú và bà Nguyễn Thị Thu Phương về các sai phạm đã nêu tại kết luận nội dung tố cáo.

Sáng 3/11, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã ra quyết định tạm đình chỉ điều hành của ông Nguyễn Xuân Phú và bà Nguyễn Thị Thu Phương.

Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An tiến hành củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, viên chức của trung tâm BTXH tỉnh Nghệ An; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hàng ngày, hàng tháng, đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại trung tâm.

Sở LĐ-TB&XH Nghẹ An chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ viên chức của trung tâm và đơn vị, cán bộ có liên quan đến những sai phạm.

Làm rõ nguyên nhân

Sở LĐ-TB&XH đã kết luận, Giám đốc Trung tâm đã buông lỏng quản lý, lãnh đạo và điều hành đơn vị không tuân thủ theo nội quy, quy chế hoạt động của Trung tâm. Việc phân công, phân nhiệm cán bộ không hợp lý, vi phạm những việc không được làm theo quy định của luật viên chức và luật ngân sách.

Trong quản lý tài chính, lãnh đạo trung tâm đã buông lỏng nguyên tắc quản lý tài chính trong việc thanh quyết toán chế độ sinh hoạt phí cho đối tượng, quản lý nhà ăn. Không mở sổ sách kế toán theo dõi các nguồn hàng, tiền viện trợ của các nhà tài trợ, không công khai minh bạch trong quản lý tài chính.

Giám đốc Trung tâm chưa nghiêm túc chấp hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, điều hành đối với Trung tâm của Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An.

Công tác kiểm tra, giám sát của các phòng chuyên môn của Sở Lao động-Thương binh và xã hội chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ. Năm 2013, Đoàn thanh tra định kỳ của Sở đã thanh tra toàn diện tại đơn vị nhưng không phát hiện ra các sai phạm như nội dung tố cáo.

Anh Hiền - một đối tượng được chăm sóc tại Trung tâm - đã khóc khi biết tin tiền chế độ của mình bị bớt xén.


Sai phạm nghiêm trọng

Trước đó, ngày 31/10/2015, Báo Dân trí tiếp tục đăng tải bài báo phản ánh về những sai phạm tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An đóng tại xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, còn có đơn của đối tượng và người làm từ thiện tố cáo hành vi sai phạm của Giám đốc và Phó giám đốc của Trung tâm.

Ngay sau đó, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã ban hành Quyết định số 868/QĐ- LĐ-TBXH ngày 2/10/2015 về việc thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập đoàn kiểm tra xác minh đối với ông Nguyễn Xuân Phú (Giám đốc) và bà Nguyễn Thị Thu Phương (Phó Giám đốc) Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An.

Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy:

Tổng số cán bộ, viên chức của Trung tâm BTXH hiện có: 27 người (26 biên chế, 1 hợp đồng, gồm có: 01 Giám đốc, 02 phó giám đốc, Phòng TC-HC: 07 người, 1 hợp đồng); phòng y tế 10 người; phòng chăm sóc dinh dưỡng: 03 người; bảo vệ: 04 người).

Tổng số đối tượng đang được nuôi dưỡng chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội đến tháng 10/2015 là 118 người. Trong đó đối tượng tâm thần là 103 người, đối tượng xã hội là 15 người.

Về chế độ trang cấp như quần áo, chăn, màn, chiếu, dép, khăn của các đối tượng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội, hàng năm, Trung tâm có mua một số trang cấp cho đối tượng nhưng cấp phát không đầy đủ đúng theo quy định; giai đoạn 2013-2014, trung tâm đã lập hồ sơ, chứng từ, mua hóa đơn giá trị gia tăng các mặt hàng trang cấp của đối tượng, kê khống các mặt hàng với số tiền là 538.862.000 đồng.

Việc cấp phát trang cấp cho các đối tượng có danh sách cấp phát và ký nhận đầy đủ của cán bộ quản lý nhưng thực tế bà Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Giám đốc Phương đã giả mạo chữ ký của hộ lý hoặc hộ lý ký nhưng đối tượng không được nhận.

Trung tâm không công khai tài chính, bớt xén tiền chế độ ăn của đối tượng: Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm từ năm 2012 đến tháng 8/2015 trực tiếp quản lý, tiếp phẩm, quản lý tiền; lên thực đơn các bữa ăn hàng ngày của đối tượng và đặt mua thực phẩm cho nhà ăn, có xác nhận của cấp dưỡng về định lượng gạo, thịt lợn nhưng không công khai trên bảng tên tại bếp ăn, không phân công cán bộ kiểm tra, giám sát thực đơn hàng ngày với số tiền là 231.166.443 đồng;

Bên cạnh đó, Đoàn còn phát hiện sai phạm số quà và tiền tiếp nhận từ các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện từ năm 2011 đến 2015. Cụ thể: Gạo: 7.154 kg ,đã sử dụng 4.619,9 kg; còn lại trong kho 2.200 kg. Còn thiếu 334 kg tương ứng 4.108.200 đồng; Tiền: 38.478.000 đồng đã sử dụng bổ sung vào các bữa ăn của đối tượng: 35.820.000 đồng. Còn thiếu 2.658.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền tài trợ trung tâm sử dụng còn thiếu là: 6.766.200 đồng;

Đồng thời, đoàn còn phát hiện sai phạm của bà Nguyễn Thị Thu Phương đã “ăn” của 9 đối tượng hưởng mức trợ cấp từ năm 2014 đến tháng 6/2015 số tiền chênh lệch (về chế độ ăn của 09 đối tượng) là 12.270.000 đồng. Trong khi đó, mức 540.000 đồng/tháng, nhưng trung tâm chi không đủ mức trợ cấp tiền ăn hàng ngày cho các đối tượng, thực tế ăn 450.000 đồng, nhưng trung tâm thanh quyết toán 540.000 đồng.

Ông Phúc khẳng định mình không hề tư túi hoặc ăn chặn tiền chế độ của người tàn tật như đã nói
(Ảnh: K.Thành).



Quà của các đoàn từ thiện không được công khai, không được bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày cho đối tượng với số tiền là 38.478.000 đồng.

Như vậy, tổng số tiền sai phạm trong việc không mua trang cấp và thực hiện không đúng chế độ ăn của đối tượng là 783.959.643 đồng.

Trong khi đó trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Phú - GĐ Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An cho rằng mình không ăn chặn tiền mà chỉ chi sai mục đích và ông rất buồn vì việc này. Ông cũng khẳng định mình không hề tư túi hoặc ăn chặn tiền chế độ của người tàn tật như đã nói.

Được biết, ông Phú đã 20 năm công tác ở Trung tâm này và có gần 40 năm gắn bó với ngành thương binh và xã hội.

Theo Hoàng Mạnh - Nguyễn Duy/Dân trí