Vụ mua bản quyền bóng đá Anh: Không được độc quyền

Thể thao - Ngày đăng : 08:46, 04/11/2015

Không mua bản quyền truyền hình bóng đá Anh (EPL) ba mùa giải 2016 - 2019 bằng mọi giá, không chấp nhận mua độc quyền để tránh bị ép giá...


Chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán, đẩy giá bản quyền lên cao làm thất thoát ngoại tệ, gây thiệt hại cho nền kinh tế và người xem...


Biểu đồ thể hiện giá tiền mua bản quyền truyền hình bóng đá Anh tại Việt Nam tăng chóng mặt: từ bình quân 0,45 triệu USD/mùa vào thời điểm 2002-2004 lên xấp xỉ 13 triệu USD/mùa thời điểm 2013-2016 - Ảnh: Reuters - Đồ họa: Vĩ Cường


Đây là quan điểm của Bộ TT&TT được thể hiện trong công văn do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký ngày 3-11 gửi các đài truyền hình, đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền tại VN về bản quyền truyền hình EPL 2016 - 2019 tại VN. Công văn được gửi đi đúng vào ngày ban tổ chức EPL yêu cầu các đơn vị tham gia đấu giá bản quyền EPL trên lãnh thổ VN phải gửi hồ sơ đấu giá về cho họ.

Các đài truyền hình và các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã không liên kết với nhau để tham gia đấu giá bản quyền truyền hình bóng đá Anh và cũng không hợp tác cùng nhau để đàm phán mua bản quyền với các đơn vị trung gian... Các công ty trung gian đã lợi dụng việc này, tiến hành đàm phán riêng rẽ với các đài và các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam... Nhìn từ khía cạnh kinh tế, các đài truyền hình và đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã lãng phí nguồn lực rất lớn khi không thể hợp tác với nhau


Trích văn bản 
của Cục PT-TH&TTĐT

“Khôn lỏi” vì lợi ích riêng, gây thiệt hại chung

Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son về vấn đề bản quyền EPL, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết thời gian qua đơn vị này đã nhận được nhiều ý kiến góp ý về vấn đề bản quyền EPL của báo Tuổi trẻ, VTC News, Viện Phát thanh truyền hình.

Theo báo cáo, việc tranh mua, tranh bán EPL trong thời gian qua đã gây thất thoát một lượng ngoại tệ lớn chi cho các công ty môi giới, tiếp thị thể thao nước ngoài. Việc các đơn vị này đổ quá nhiều tiền vào việc tranh giành mua độc quyền một phần bản quyền EPL vừa làm tăng gánh nặng lên nhà đài, nhà mạng, vừa làm tăng gánh nặng lên phí thuê bao mà người tiêu dùng phải trả, lãng phí nguồn lực xã hội.

Theo thống kê của cục, từ năm 1996 cho đến nay, bóng đá Anh xuất hiện trên truyền hình VN đều do các công ty nước ngoài nắm giữ sau đó bán lại cho các đơn vị tại VN. Điều này cho thấy ngoài năng lực và kinh nghiệm hạn chế, không thể không nghĩ đến khả năng một số đài, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền của VN đã chơi trò “khôn lỏi”, ngầm bắt tay, thỏa thuận với các công ty trung gian nước ngoài nhằm đạt được lợi ích cục bộ. Theo cục, không một công ty nước ngoài nào dám mạo hiểm bỏ ra một đống tiền mua bản quyền EPL để phát sóng tại VN nếu như họ không chắc chắn sẽ bán được cho các đơn vị tại VN.

14 năm, giá bản quyền tăng 42 lần

Chắc chắn không có thứ hàng hóa nào trên thị trường có mức tăng giá khủng khiếp như bản quyền EPL tại VN.

Cụ thể, trong vòng 14 năm (từ năm 2002 - 2016), giá bản quyền EPL đã tăng 42 lần từ 900.000 USD lên 38 triệu USD. Cụ thể: giá bản quyền EPL trong hai mùa từ 2002 - 2004 chỉ 900.000 USD, sau đó giá tăng lên 2 triệu USD cho ba mùa giải 2004 - 2007. Ba mùa giải 2007 - 2010, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC là đơn vị trúng thầu đã mua từ Công ty ESS (ESPS Star Sports) với mức giá tổng cộng 3,972 triệu USD. Trong đó giá của mùa đầu tiên là 1,2 triệu USD, mùa thứ 2 tăng lên 10% tương đương 1,32 triệu USD, mùa thứ 3 tiếp tục tăng lên 10% tương đương 1,452 triệu USD.

Năm 2010, khi ban tổ chức EPL tổ chức đấu giá ba mùa 2010 - 2013, Công ty MP & Silva chi ra khoảng 11-13 triệu USD để nắm giữ bản quyền EPL tại VN. Sau đó, MP & Silva đã bán lại cho rất nhiều đơn vị truyền hình tại VN với giá khoảng 16-19 triệu USD. Trong đó riêng các đơn vị truyền hình trực thuộc VTV đã bỏ ra hơn 13 triệu USD để mua lại bản quyền từ MP & Silva là: K+ (liên doanh giữa VTV và Canal+ của Pháp) đã chi gần 9 triệu USD để độc quyền các trận đấu ngày chủ nhật và không độc quyền các trận đá các ngày còn lại, VTVcab (doanh nghiệp nhà nước do VTV nắm 100% vốn) chi khoảng 2 triệu USD để mua gói các trận không độc quyền, SCTV (liên doanh giữa VTV và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist) bỏ ra ước 2 triệu USD cho gói các trận không độc quyền. Các đơn vị khác là HTV Hà Nội và HTV TP.HCM chi khoảng 2,5 triệu USD cho các trận không độc quyền.

Năm 2012, Công ty IMG (Mỹ) thắng thầu và nắm giữ bản quyền EPL trong ba mùa 2013 - 2016 tại VN. Sau đó IMG đã bán lại bản quyền cho các đơn vị truyền hình tại VN, riêng ba đơn vị truyền hình thuộc VTV đã bỏ ra khoảng 38 triệu USD để mua lại từ IMG. Cụ thể: K+ chi 33,5 triệu USD, VTVcab chi khoảng 2 triệu USD, SCTV chi khoảng 2,1 triệu USD. Theo dự báo của Viện Phát thanh truyền hình VN, với đà tăng giá này, dự báo giá bản quyền EPL 2016 - 2019 sẽ tăng lên khoảng 70 triệu USD (tương đương 1.500 tỉ đồng).

Có thể sử dụng quyền “từ chối phát sóng”

Trong công văn của Bộ TT&TT gửi VTV, VOV, các đơn vị truyền hình trả tiền trong nước đề nghị các đơn vị phải đoàn kết vì lợi ích của đất nước trên tinh thần không chấp nhận mua bản quyền EPL bằng mọi giá, hạn chế bị đối tác ép giá, tăng giá. Bộ yêu cầu các đơn vị này phối hợp với VNPayTV (Hiệp hội truyền hình trả tiền VN) rút kinh nghiệm các mùa giải trước, chủ động sớm hình thành ban đàm phán mua bản quyền EPL 2016 - 2019.

Theo Bộ TT&TT, trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ đang kêu gọi các cơ quan trung ương, địa phương cùng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tập trung nội lực phát triển kinh tế thì việc nâng cao trách nhiệm, tích cực đàm phán về giá bản quyền phát sóng các chương trình thể thao, trong đó đặc biệt là EPL, là rất cần thiết.

Theo đề xuất của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, tham gia ban điều hành này phải có đầy đủ đại diện các đài, các doanh nghiệp quan tâm và có nhu cầu EPL. Thông qua ban điều hành này, các đơn vị truyền hình sẽ đàm phán và mua bản quyền EPL trực tiếp từ ban tổ chức EPL hoặc mua lại từ đơn vị trúng thầu theo hướng chỉ mua bản quyền phát sóng bóng đá Anh với mức giá hợp lý (nếu có tăng so với mùa trước thì không được quá 20%) và không đơn vị nào được mua độc quyền.

Trong quá trình đàm phán, nếu cần, ban điều hành có thể sử dụng quyền “từ chối phát sóng” để buộc đơn vị bán bản quyền phải nhượng bộ. Trong trường hợp đàm phán không thành công, các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền thông qua ban điều hành đàm phán thống nhất phương án cùng không mua bản quyền EPL 2016 - 2019.

Năm nay VTV không đứng ra mua bản quyền EPL

Trao đổi với PV ngày 3-11, rất nhiều đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền tại VN cho biết không tham gia đấu giá bản quyền EPL 2016 - 2019.

Các đơn vị của VTV tích cực tham gia mua bản quyền

Cụ thể, đại diện của các đài truyền hình AVG, HTV TP.HCM, VTC đều cho biết không tham gia đấu giá bản quyền EPL ngày 3-11. Nhà báo Vũ Quang Huy, giám đốc kênh thể thao VTC3 thuộc VTC, nói: “Quan điểm của VTC suốt 6 năm qua là không mua EPL bằng mọi giá, không tranh giành để nâng giá bản quyền gây thiệt hại cho thuê bao và Nhà nước. Tôi rất hoan nghênh Bộ TT&TT đã có chỉ đạo quyết liệt về vấn đề bản quyền EPL 2013 - 2016. Hi vọng với sự sát sao của bộ, chúng ta sẽ không phải chứng kiến tình trạng tăng giá, độc quyền của EPL trong thời gian tới. Sự tăng giá một cách điên rồ của bản quyền EPL những năm qua tôi cho rằng có phần lỗi rất lớn của lãnh đạo một số đài truyền hình lớn tại VN”.

Trong khi các đơn vị truyền hình khác đều thiếu nguồn lực để tham gia đấu giá bản quyền EPL 2016 - 2019 thì các đơn vị truyền hình trả tiền thuộc VTV vẫn đang tích cực tham gia cuộc chơi này. Theo nhiều đơn vị truyền hình trong nước, thực chất cuộc đua bản quyền EPL ba mùa tới chủ yếu là “cuộc chiến” giữa các đơn vị trực thuộc VTV với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Lê Chí Công, tổng giám đốc K+, hôm qua cho biết K+ không tham gia đấu giá bản quyền EPL 2016 - 2019 mà ủy quyền cho công ty mẹ là Canal+ tại Pháp đứng ra mua hộ (tương tự cách K+ đã làm với ba mùa giải 2013 - 2016). Trong khi đó, một đại diện của VTVcab cho biết đơn vị này cũng sẽ tham gia mua bản quyền EPL.

Trả lời PV ngày 3-11, phó tổng giám đốc VTV Nguyễn Thành Lương cho biết VTV không tham gia mua bản quyền EPL 2016 - 2019. Ông Lương nói: “Ba mùa giải trước, VTV đứng ra mua với mục đích tốt là sau đó phân phối cho các đài trong nước và mua với giá vừa phải, tuy nhiên VTV không mua được. Cuối cùng K+ được Canal+ mua rồi chuyển bản quyền cho khiến VTV cũng mang tiếng. Năm nay VTV không đứng ra mua, còn các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trực thuộc VTV tùy thuộc việc cân đối kinh doanh mà quyết định mua hay không mua bản quyền EPL”.

Nếu bổn cũ soạn lại...

Đón nhận thông tin từ công văn thể hiện quan điểm quyết liệt của Bộ TT&TT, một số nhà báo thể thao công tác trong lĩnh vực truyền hình đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, mọi người cũng đặt ra một câu hỏi với lãnh đạo bộ, đó là nếu câu chuyện này tái diễn như kịch bản lần gần nhất thì sao? Nghĩa là Canal+ (Pháp) đứng ra mua bản quyền truyền hình bóng đá Anh, rồi sau đó chuyển giao lại cho K+ thì sẽ xử lý thế nào?

Bàn tay nhà nước

Việc cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào thị trường - cụ thể ở đây là vấn đề mua bán bản quyền truyền hình bóng đá Anh - là có nên hay không?

Xin trả lời là chuyện này không phải hiếm, mà rõ nhất là câu chuyện ở Singapore. Trước đây, dư luận ở Singapore cũng bức xúc về việc giá bản quyền xem bóng đá Anh tăng chóng mặt, bởi hai ông trùm trong lĩnh vực truyền hình trả tiền của nước này là SingTel và StarHub đã chạy đua nâng giá lên cao chót vót. Cứ mùa trước SingTel thắng là dân mê bóng đá ùn ùn đi mua đầu thu của công ty này, đến mùa sau StarHub thắng thì lại ùn ùn mua đầu thu của SingTel. Vì vậy, Chính phủ Singapore quyết định phải dùng bàn tay nhà nước để can thiệp, nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân.

Năm 2013, Singapore chính thức ban hành luật Cross Carriage Measure (yêu cầu phát chéo nội dung của nhau) áp dụng đối với các đài truyền hình trả tiền. Mục đích của luật này là để hạn chế các hãng truyền hình trả tiền sử dụng việc độc quyền (đặc biệt là độc quyền nội dung thể thao) để phát triển thuê bao. Cụ thể luật này như sau: thuê bao của hãng truyền hình A có thể đăng ký một gói/kênh/nội dung nào đó của hãng B và hãng B phải cho phép. Tất nhiên thuê bao này vẫn phải trả tiền cho hãng B. Cụ thể vào trường hợp SingTel và StarHub, thuê bao của StarHub có thể xem bóng đá Anh bằng đầu thu StarHub của mình chứ không phải mua mới của SingTel. Các thuê bao này sẽ trả phí xem EPL trực tiếp cho SingTel.

Kể từ khi luật “yêu cầu phát chéo nội dung” được áp dụng, cuộc chiến về bản quyền truyền hình bóng đá Anh ở Singapore đã “im tiếng súng”.

Theo Tuổi trẻ