Trung Quốc tham vọng quốc tế hóa nhân dân tệ
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:05, 04/11/2015
Trung Quốc đang nỗ lực quốc tế hóa nhân dân tệ. |
Động thái tăng tỷ giá NDT của Trung Quốc diễn ra chỉ sau ba tháng kể từ đợt phá giá NDT liên tiếp xuống 5% gây chấn động thị trường thế giới. Chuyên gia của Ngân hàng HSBC Khuất Hồng Bân nhận định: Bắc Kinh đang tìm cách tiếp tục thả lỏng chính sách kiểm soát thị trường trong bối cảnh quốc gia này nóng lòng tìm cách ghi tên NDT vào SDR. SDR là một dạng tiền dự trữ quốc tế, được IMF tạo ra vào khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước, đóng vai trò như một nhân tố bổ sung cho dự trữ vàng, dự trữ USD sẵn có ở các quốc gia. Trong SDR hiện có 4 đồng tiền là USD, euro, yên Nhật và bảng Anh. SDR có thể được coi là một loại tiền tệ "nhân tạo" và được định nghĩa như là "chiếc rổ tiền tệ của các đồng tiền quốc gia" do IMF sử dụng một số loại tiền tệ chính để tính giá trị cho SDR. Gia nhập SDR được xem như một "con dấu kiểm định" của IMF trên chặng đường quốc tế hóa NDT.
Trung Quốc từ lâu đã nỗ lực vận động để NDT được bổ sung vào rổ tiền tệ của IMF. Nhiều chuyên gia kinh tế vĩ mô đánh giá việc hạ giá NDT của Trung Quốc trong tháng 8-2015 không hoàn toàn nhằm vào mục đích kích thích tăng trưởng và đối phó với sự xuống dốc của nền kinh tế, mà trước hết là nhằm đưa đồng tiền này trở thành một đồng tiền dự trữ của thế giới. Việc NDT được bổ sung vào SDR được cho là sẽ tạo ra nhiều lợi ích quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc khi tăng nhu cầu mua vào NDT của các ngân hàng trung ương trên thế giới, giảm phụ thuộc vào USD và qua đó giúp nâng cao vai trò, vị thế của nước này trong nền kinh tế toàn cầu.
Từ năm 2003, Bắc Kinh đã bắt đầu kế hoạch quốc tế hóa NDT. Theo một nguyên tắc cơ bản, nước nào muốn quốc tế hóa nội tệ thì tất yếu phải thúc đẩy tiền tệ nước mình được giao thương rộng rãi trên thế giới và càng phổ biến thì vị thế càng lớn. Và Trung Quốc đã tiến hành cuộc "vạn lý trường chinh" với nhiều biện pháp khác nhau như thúc đẩy giao thương bằng NDT, tăng cường sử dụng NDT trong thanh toán quốc tế, tăng cường ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ bằng NDT… Thế nhưng, dù một mặt đẩy mạnh giao thương NDT trên thị trường quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn muốn giữ NDT ở mức giá thấp để bảo đảm phát triển kinh tế, vốn lệ thuộc mạnh mẽ vào xuất khẩu. Từ trước năm 2010, vấn đề tỷ giá NDT đã trở thành một trong những "đá tảng" trong quan hệ Mỹ - Trung, bởi Washington luôn yêu cầu Bắc Kinh phải thả nổi NDT theo thị trường. Mỹ cho rằng đó là giải pháp để NDT được định giá đúng, tức sẽ cao hơn tỷ giá mà Trung Quốc đang giữ cố định. Có như thế, cán cân thương mại hai bên mới được giải quyết, khi Washington liên tục nằm trong thế nhập siêu với Trung Quốc. Không riêng gì Mỹ, ngay cả một số nước Châu Âu cũng nhiều lần lên tiếng tình trạng NDT bị định giá thấp, hành vi được cho là cạnh tranh không lành mạnh. Cũng vì thế, NDT chưa đủ tiêu chuẩn nằm trong rổ tiền tệ quốc tế. Đáp lại, trong suốt nhiều năm qua, mỗi khi tranh cãi lên đến căng thẳng thì Bắc Kinh mới "nhấn nhá" xuống nước để mở rộng biên độ giao dịch và để NDT tăng giá chút ít nhằm xoa dịu các bên. Đến đầu tháng 8 này, Bắc Kinh lại phá giá đồng tiền của mình. Phía Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng, động thái này sẽ giúp tỷ giá phản ánh cung cầu thực đúng hơn, do giá USD đã tăng mạnh trong thời gian qua. Đây là một bước đi quan trọng trong công cuộc cải cách tỷ giá của Trung Quốc nhằm cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong quyết định tỷ giá, dần tiến tới bãi bỏ sự can thiệp của Nhà nước. Những nỗ lực của Trung Quốc đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ IMF. Cuối tháng 10-2015, IMF cho biết có khả năng NDT sẽ vượt qua đợt xét duyệt năm nay của IMF để có tên trong rổ tiền tệ SDR.
Có thể thấy, tiến trình quốc tế hóa NDT của Trung Quốc đã và đang có những bước tiến nhất định. Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc cũng gặp phải sự phản đối từ phía Mỹ. Vì vậy, việc tham gia rổ tiền tệ SDR của NDT sẽ còn phụ thuộc ít nhiều vào Mỹ, quốc gia có thể đồng ý hoặc bác bỏ nỗ lực này.