Kỳ vọng lớn, trách nhiệm lớn!

Chính trị - Ngày đăng : 06:15, 04/11/2015

(HNM) - Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020: Xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên...

Lễ hội chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sớm đưa Nghị quyêt Đại hội vào cuộc sống. Ảnh: Khánh Huy


Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đã bầu Ban Chấp hành khóa mới gồm 74 đồng chí. Ban Chấp hành đã họp phiên thứ nhất bầu 16 đồng chí vào Ban Thường vụ. Những đồng chí trúng cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, qua thực tiễn công tác đều đã khẳng định được năng lực tư duy, năng lực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đoàn kết, quy tụ được đội ngũ cán bộ trong từng lĩnh vực công tác, từng địa bàn được phân công, lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ... Cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô tin tưởng, với năng lực lãnh đạo, các đồng chí sẽ tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, xây dựng Hà Nội thành "thành phố kiểu mẫu về mọi mặt" - Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu hy vọng của đồng chí, đồng bào cả nước.

Với tinh thần coi cán bộ và công tác cán bộ là "cái gốc của mọi công việc", "nguyên nhân của mọi nguyên nhân", "then chốt của then chốt", Hà Nội đã chủ động đổi mới công tác cán bộ; đổi mới mạnh mẽ phương pháp, phong cách, lề lối làm việc, nói đi đôi với làm, quan tâm, lắng nghe các ý kiến phản biện xây dựng của các tầng lớp nhân dân. Nguồn lực tự thân từ mỗi cán bộ, đảng viên đã chuyển thành sức mạnh của toàn Đảng bộ thành phố. Thành ủy khóa XV đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ 9 Chương trình công tác lớn, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá; thực hiện có hiệu quả những việc lớn, việc khó; chủ động xử lý nhạy bén, kịp thời những công việc đột xuất, những vấn đề trọng tâm, bức xúc, những công việc mới phát sinh từ thực tiễn của thành phố... tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Thành tựu toàn diện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đạt được trong giai đoạn 2010-2015 đã được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Những kết quả đạt được của Thủ đô trong thời gian qua là to lớn và quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của cả nước... Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhận định: Bên cạnh những thành quả và tiến bộ, Hà Nội cũng còn những hạn chế, tồn tại. Đó là kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao; chuyển dịch cơ cấu còn chậm. Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường một số mặt còn yếu. Phát triển văn hóa - xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả mong muốn. Những biểu hiện suy thoái, tiêu cực trong Đảng, trong xã hội, nhất là về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa được ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả...

Những nhận xét, đánh giá của người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng và có thời gian dài giữ cương vị cao nhất của Đảng bộ Thủ đô hết sức thẳng thắn, chí lý, chí tình. Nhiệm vụ phía trước hết sức nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XV Phạm Quang Nghị khẳng định: Củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân luôn là yêu cầu và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các cấp ủy đảng. Mỗi tổ chức của hệ thống chính trị các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Thủ đô phải luôn ghi nhớ và thực hiện thật tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việc gì có lợi cho dân thì phải ra sức làm; việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh"; phải thật sự gương mẫu trong công tác, sinh hoạt, thực sự liêm chính, chí công, vô tư; phải thực sự nêu gương về phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội; phải gần dân, hiểu dân, thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Mọi công việc đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân; kiên quyết đẩy lùi bệnh hình thức "nói không đi đôi với làm", tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trục lợi, cá nhân chủ nghĩa… ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân. Đó chính là cội nguồn làm nên sức mạnh, cội nguồn của mọi thành công.

Việc của dân phải được xem là việc của Đảng, việc của Đảng chính là việc của dân. Khi ý Đảng, lòng dân hòa vào dòng chảy thời đại, khi chủ trương, chính sách của Đảng hướng về nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân, có được sự đồng thuận của nhân dân, chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Thực tế vận động của đời sống xã hội đã chứng minh điều đó. Cán bộ của Đảng cần gần gũi với dân, với cơ sở hơn nữa để lắng nghe nguyện vọng, giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tế. Bởi lẽ, cơ sở chính là nơi chứng thực đường lối, chính sách, luật pháp đối với cuộc sống. Chính sách dù có khoa học, đúng đắn đến đâu nếu không đưa vào thực tiễn, không được vật chất hóa trong đời sống người dân, chưa thể nói đến tính hiệu quả. Mặt khác, quy luật muôn đời là: Có dân thì có tất cả, mất dân thì mất tất cả. Thể chế có bình yên hay không bắt đầu từ lòng dân có yên hay không.

Những năm sắp tới, tình hình thế giới và trong nước sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thời cơ thuận lợi đến, nhưng khó khăn thách thức cũng đến. Sự nghiệp đổi mới, xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đang đặt ra nhiều vấn đề mới. Nền kinh tế phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt từ xu thế toàn cầu hóa, nền văn hóa dân tộc phải đối mặt với những làn sóng du nhập ngày càng nhiều hơn. Trong khi các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng với thủ đoạn "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến" ngày càng tinh vi thì một bộ phận cán bộ, đảng viên tỏ ra phai nhạt lý tưởng, tham ô, tham nhũng, lãng phí... Đây là những thách thức lớn trên con đường CNH, HĐH Thủ đô và đất nước.

Nhiệm vụ đặt ra với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ giữa hai nhiệm kỳ, có nhiệm vụ hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội - hết sức nặng nề. Đảng viên trong toàn Đảng bộ và người dân Thủ đô mong muốn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thật sự là một tập thể vững mạnh, đoàn kết thống nhất chặt chẽ, có bản lĩnh, có tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới, có kỷ luật nghiêm minh. Các đồng chí trong Ban Chấp hành gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, tận tụy với công việc, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung, không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và không để người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi... Mỗi cá nhân trong sạch sẽ tạo nên tập thể trong sạch, mỗi cá nhân vững mạnh sẽ tạo nên tập thể vững mạnh, Đảng bộ Hà Nội trong sạch vững mạnh, trí tuệ, bản lĩnh là ngọn nguồn sức mạnh dẫn dắt nhân dân Thủ đô vượt qua cam go, thử thách đến bến bờ vinh quang thắng lợi.
*
* *
Truyền thống Thăng Long - Hà Nội văn hiến anh hùng là nguồn động lực to lớn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội vững bước trên chặng đường mới, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Một số chỉ tiêu chủ yếu của Thủ đô đến năm 2020

- Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020: 8,5-9,0%, trong đó: Dịch vụ: 7,8-8,3%; Công nghiệp - xây dựng: 10-10,5%; Nông nghiệp: 3,5- 4%.

- Cơ cấu kinh tế năm 2020: Dịch vụ: 61-62%; Công nghiệp - xây dựng: 35-36,5%; Nông nghiệp 2,5-3,0%.
- GRDP bình quân/người: 140-145 triệu đồng (tương đương 6.700-6.800 USD).

- Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020: Khoảng 2.500-2.600 nghìn tỷ đồng (tương đương mức tăng: 13-14%/năm).

- Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới: 70-75% tổng số xã (tăng thêm 110-130 xã so với năm 2015).

- Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa: 72%; làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa: 62%; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa: 88%.

- Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia: 65-70%.

- Số giường bệnh/vạn dân: 23; số bác sĩ/vạn dân: 13,5; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo chuẩn mới của Bộ Y tế): 100%.

- Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo: 70-75%.

- Tỷ lệ thất nghiệp thành thị: Dưới 4%.

- Tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ theo chuẩn mới: Dưới 1,2%.

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh: 100%, trong đó nước sạch: 50%; tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch: 95-100%.

- Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam: Khu vực đô thị 95-100%; khu vực nông thôn 90-95%...

Cù Xuân Trường