Đấu tranh với chất cấm trong chăn nuôi như với ma tuý

Đời sống - Ngày đăng : 16:34, 03/11/2015

(HNMO) - Sáng 3/11, cả hai Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đều có những giải trình, làm rõ hơn về vấn đề mà ĐB quan tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát


Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, theo ý kiến đại biểu Đinh Thị Phương Khanh và đại biểu Đỗ Văn Đương đã nêu ngày 2/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thức rất rõ yêu cầu bức thiết của nhân dân về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên đã luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn ngành và phối hợp triển khai nhiều biện pháp.

"Chúng tôi cũng đã tổ chức họp và báo cáo rất nhiều, nhưng kết quả giám sát trong 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm còn cao, chưa cải thiện so với năm 2014. Về thủy sản có 1,01% mẫu có hóa chất và kháng sinh vượt ngưỡng, rau có 10,3% có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng và thịt có 7,6% có hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng, 16% salmonella là một loại vi khuẩn.

Do vậy chúng tôi đã phát động một cao điểm hành động đảm bảo an toàn thực phẩm kéo dài đến hết tháng 2/2016 để chấn chỉnh tình hình và rút kinh nghiệm làm tốt hơn cho các năm tiếp theo, trong đó có kế hoạch riêng về kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi" - Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Vừa qua, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh hơn thì việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có giảm, nhất là khu vực xung quanh thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn còn. Việc kiểm tra mẫu thịt hoặc mẫu nước tiểu của con heo chỉ là phần ngọn, vì thế nên Bộ chủ trương sẽ phối hợp làm rõ và xóa bỏ trong đợt này các đường dây buôn bán phi pháp. Nhất trí với đại biểu Đỗ Văn Đương, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh là phải đấu tranh với chất cấm như với ma túy, Bộ trưởng Cao Đức phát cho biết đã báo cáo và nêu với các cơ quan chức năng, việc sử dụng chất cấm là một tội ác. Tôi cũng nhất trí với đại biểu Đinh Thị Phương Khanh, để chuyển biến tốt hơn tình hình cũng cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành và các địa phương cùng với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Làm rõ thêm một số ý kiến liên quan đến quản lý là lĩnh vực an toàn thực phẩm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết những chất cấm kháng sinh như cloramphelicon hoặc Salbutamol, đấy là những dược phẩm cần thiết nhập khẩu để điều trị cho người và những quy trình về quản lý các dược phẩm này khá chặt chẽ từ nhập khẩu nguyên liệu, quy trình sản xuất, kinh doanh phân phối và sử dụng phải qua đơn và trong quá trình sử dụng thì các nhà nhập khẩu đều phải báo cáo các hóa đơn xuất nhập khẩu và các hợp đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi bên lề hành lang Quốc hội


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: "Tuy nhiên, có thông tin thời gian vừa qua ngành y tế cho nhập khẩu khoảng 65 tấn Salbutamol thì chúng tôi thấy không chính xác, chỉ cho nhập 3,5 tấn.

Thứ hai, có khả năng thương lái hoặc doanh nghiệp mua các thành phẩm ở các hiệu thuốc để bỏ vỏ nghiền ra cho vào thức ăn gia cầm thì chúng tôi thấy khó, bởi lẽ quá trình quản lý chặt, giá thành để mua các thành phẩm đó rất cao. Chúng tôi nghĩ nguyên nhân ở đây là người chăn nuôi muốn có lợi nhuận và đạo đức kinh doanh không được coi trọng, cho nên đã cho các chất cấm đó vào thức ăn của gia súc.

Trong quá trình chúng tôi phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra thì thương lái ép buộc người dân muốn thu mua giá thành cao thì phải cho các chất tạo nạc và các chất cấm đó để tăng năng suất.

Thứ ba, nhập buôn lậu qua các đường nhập lậu không quản lý được cũng gia tăng và tạo điều kiện cho các nhà chăn nuôi mua các sản phẩm này và cho vào thức ăn gia cầm. Tôi nhất với các đại biểu ở đây là vấn đề cần phải quản lý chặt thì chúng tôi đã, đang và sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và địa phương để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa quy trình nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất và cùng với thanh tra, đặc biệt là Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ về cho thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đến tận huyện, xã. Tiền phạt theo Nghị định xử phạt cho phép được huyện và xã giữ lại để thực hiện công tác thanh tra".

Bảo Hân