Việt Nam xếp thứ 55 thế giới về mức độ thịnh vượng
Đời sống - Ngày đăng : 09:11, 03/11/2015
Na Uy được vinh danh là quốc gia thịnh vượng nhất thế giới năm thứ 7 liên tiếp, trong khi các nước láng giềng Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sỹ và New Zealand cũng nằm trong top 5 nước đứng đầu trong bảng xếp hạng 142 quốc gia trên thế giới.
Với nguồn lợi từ dầu mỏ, Na Uy có hệ thống phúc lợi cực kỳ hào phóng và người làm việc được nghỉ hưu sớm hơn hẳn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, các nước Bắc Âu không được đánh giá tích cực trong việc giải quyết tình trạng thất nghiệp. Cụ thể, tỉ lệ thất nghiệp ở Thụy Điển là 7,8%, của Đan Mạch là 6,3% và của Phần Lan là 9,4%.
Việt Nam xếp hạng 55 thê giới về mức độ thịnh vượng |
Với thứ hạng 15, Anh được đánh giá có bước phát triển ngoạn mục hơn bất cứ nước nào trong các nền kinh tế phát triển. Tỉ lệ lao động toàn thời gian trong số 20% dân số nghèo nhất Anh hiện nay cao nhất Liên minh châu Âu (EU).
Bị mất điểm trong đánh giá về an toàn và an ninh, Mỹ tụt một bậc xuống vị trí 11 trong bảng xếp hạng năm nay. Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc xếp ở vị trí 52 trong danh sách.
Khảo sát Thịnh vượng 2015 của Viện Legatum cũng đánh giá cao sự trỗi dậy của các nền kinh tế Đông Nam Á kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu. Trong số đó, Singapore xếp ở vị trí thứ 17 và dẫn đầu khu vực.
Tại khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia xếp ở các vị trí tiếp theo, với thứ hạng trong bảng xếp hạng toàn cầu lần lượt là 44, 48, 55, 69. Philippines xếp vị trí thứ 74, Lào xếp ở vị trí 95, trong khi Campuchia nằm trong nhóm cuối cùng trong bảng xếp hạng toàn cầu với vị trí thứ 112.
Viện Legatum là một tổ chức nghiên cứu chinh sách công của tập đoàn Legatum Group, một tập đoàn đầu tư tư nhân được thành lập năm 2006 bởi tỷ phú Christopher Chandler. Chỉ số thịnh vượng Legatum được thiết lập dựa trên khảo sát 8 tiêu chí, trong đó có kinh tế, xã hội, giáo dục, chính quyền, môi trường kinh doanh và cơ hội.