Những lời tâm huyết gửi gắm với Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 17:13, 01/11/2015
Ông Phạm Thế Duyệt – Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nguyên Chủ tịch UB TWMTTQ Việt Nam
“Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh và thành phố để thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương, cũng như tận dụng được sự giúp đỡ của các bộ, ngành để đảm bảo phát huy được vị trí chiến lược của một trung tâm văn hóa chính trị xã hội, thực hiện được các quy hoạch về xây dựng đô thị. Tôi tin tưởng Đại hội sẽ thực hiện được những điều này”.
Thưa ông, những lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới cần phải có những phẩm chất gì?
- Theo tôi, những phẩm chất cần thiết là tư tưởng và lập trường chính trị vững vàng; phải luôn gương mẫu, cần kiệm liêm chính để được dân yêu quý. Hơn nữa, cần phải có trình độ lý luận sát với thực tiễn để lãnh đạo Thủ đô.
Thưa ông, nhân tố trẻ sẽ đóng góp thế nào cho sự phát triển của Thủ đô?
- Thế hệ trẻ nhất định phải nối tiếp thế hệ trước. Tôi luôn rất tin tưởng vào những cán bộ trẻ tuổi nhưng có trình độ. Tuy nhiên, trong việc chọn lựa cán bộ trẻ, cần đảm bảo chọn ra những người có trình độ, cần có đủ kinh nghiệm để gánh vác, đảm đương nhiệm vụ được giao.
Với công tác chuẩn bị hiện tại, ông có tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo nhiệm kỳ tới hay không?
- Cá nhân tôi rất tin tưởng vào báo cáo chính trị tại Đại hội này. Với sự chuẩn bị rất nghiêm túc, tôi tin rằng Đại hội chắc chắn sẽ lựa chọn được những cán bộ giỏi để gánh vác những trọng trách.
Ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội
Đánh giá của cá nhân ông trong 5 năm vừa qua về thành quả của thành phố và những gì chưa đạt được?
- Trong 5 năm vừa qua thành phố đã thực hiện được rất nhiều điều giúp cả đô thị và nông thôn được phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao. Tới đây, để nối tiếp những thành quả trước đó, thành phố cần tập trung mọi nguồn lực cũng như sự lãnh đạo để từ đó đưa ra nhiều giải pháp lớn, giúp cho không chỉ Thủ đô và cả nước phát triển hơn nữa, bứt phá hơn nữa trong cơ chế thị trường hiện nay.
Ông có đóng góp ý kiến gì đối với thành phố về các chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp?
- Tôi mong muốn sau đại hội sẽ có nhiều chính sách chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng và vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật, phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Tại sao đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp còn nhiều vướng mắc?
- Đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp còn gặp khó khăn do thiếu liên kết chặt chẽ giữa các cấp, ngành, sức sản xuất còn nhỏ lẻ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, do đó cần sự phối hợp giữa việc sản xuất và tiêu thụ trên, giữa thị trường với nguồn vốn. Tôi tin rằng nếu thực hiện được những điều này, việc tiêu thụ nông sản sẽ được đẩy mạnh.
Ông đánh giá thề nào về mô hình Hợp tác xã (HTX) nhiều năm nay?
- Nhiều năm nay, mặc dù các HTX đã phát triển hơn, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, do đó bản thân các HTX phải tự đẩy mạnh và nâng cao năng lực, lãnh đạo của HTX phải luôn năng động, bắt kịp với xu thế kinh tế thị trường. Thị trường cần gì, chúng ta sản xuất cái đó.
Trong 5 năm tới, Hội Nông dân coi nhiệm vụ nào là trọng tâm?
- Nhiệm vụ là phải tuyên truyền sâu sắc các chủ trương của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền mạnh mẽ về cơ chế thị trường và chuyển đổi sản xuất, tập trung giúp nông dân có điều kiện để tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội
“Chúng tôi rất kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới đây, Hà Nội sẽ phát huy được những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua và đẩy mạnh đổi mới. Thứ nhất là tập trung vào cơ sở hạ tầng. Thứ hai là cải cách hành chính, tạo bước đột phá để làm sao có được đội ngũ cán bộ trẻ hơn, năng động hơn, thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI. Thứ ba, Hà Nội cần đi trước cả nước về nếp sống văn minh đô thị, trở thành thành phố đáng sống, thân thiện, thành phố vì hòa bình, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân của cả nước, của Quốc hội. Tôi rất hy vọng vào đội ngũ lãnh đạo của Hà Nội giàu năng lực sẽ đưa Hà Nội trở thành địa phương tiêu biểu của cả nước, đáp ứng kỳ vọng của người dân cả nước”.
Ông Mai Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam
“Thay mặt cho Đảng bộ Hà Nam, tôi rất vinh dự khi tham dự Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI. Có thể nói là tôi rất tâm đắc đối với công tác chuẩn bị Đại hội của thành phố. Thành phố Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước. Trong 5 năm qua, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên khắp các lĩnh vực: Kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng. Có thể nói là Hà Nội rất quan tâm đến các địa phương xung quanh, trong đó có Hà Nam. Hà Nam là một tỉnh phía Nam Hà Nội, đã có nhiều chương trình hợp tác với Thủ đô. Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề hợp tác để xử lý ô nhiễm môi trường. Hà Nội cũng là một thị trường tiêu thụ lớn đối với nông sản phẩm của Hà Nam. Trung ương Đảng và Hà Nội cũng hết sức quan tâm tới các đô thị vệ tinh, vùng ven, sự kết nối vùng, kết nối giao thông và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Với sự hỗ trợ của trung tâm thủ đô, các địa phương rất là phấn khởi, tạo điều kiện cho nhân dân Hà Nam có cuộc sống tốt hơn”.
Kỳ vọng của ông về kết nối vùng trong nhiệm kỳ tới?
- “Về văn kiện Đại hội lần thứ XVI của Hà Nội thì chúng tôi rất quan tâm đến nghị quyết 54, đó là kết nối Hà Nội với các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Trong báo cáo cũng nêu rõ, đó là đầu tư tập trung với các nước vào phối hợp với các tỉnh, địa phương, trước hết là kết nối toàn bộ hạ tầng theo quy hoạch vùng. Trong đó, tập trung kết nối các hoạt động lớn như phát triển đô thị chuỗi, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, chuyên nghiệp, khu nào là khu công nghiệp, khu nào là khu nông nghiệp, khu nào tạo ra sự đóng góp đối với thủ đô Hà Nội. Trong báo cáo, Hà Nội đưa ra 3 khâu đột phá về trật tự đô thị, cán bộ chủ chốt, xây dựng nếp sống thủ đô thanh lịch. Nói chung, chúng tôi hết sức phấn khởi và sẽ học theo Hà Nội, làm theo Hà Nội”.
Ông Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Những vai trò và nỗ lực của Hà Nội, nhất là về kinh tế trong nhiệm kỳ vừa qua?
- Theo nghị quyết của Bộ Chính trị, Hà Nội là trung tâm đầu não về hành chính, chính trị và rất nhiều lĩnh vực khác như khoa học, giáo dục, y tế và đặc biệt là kinh tế. Do vậy, mặc nhiên Hà Nội cũng sẽ giữ vai trò động lực đầu tàu về phát triển kinh tế cùng với TP Hồ Chí Minh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong những năm vừa qua khá cao, hơn mức bình quân của cả nước khoảng 1,5 đến 1,6 lần, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng chung, đặc biệt là xuất khẩu và ngân sách.
Tuy tổng mức đóng góp vào ngân sách của thủ đô không bằng TP Hồ Chí Minh nhưng tổng thu nội địa của Hà Nội đóng góp cho ngân sách nhà nước là lớn nhất, khoảng 27 – 28%. Điều đó chứng tỏ lực lượng doanh nghiệp và kinh tế Thủ đô có những bước phát triển lớn.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi nhận thấy lãnh đạo thành phố và các sở ngành hết sức quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để cùng tháo gỡ vướng mắc và khó khăn, kể cả những chương trình về tài chính vĩ mô và tín dụng.
Tới đây, trong phương hướng phát triển, Hà Nội đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 8,5 – 9% một năm. Đây là một mức tăng khá cao theo chuẩn mới, trong khi cả nước chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5 – 7% một năm. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng như vậy, đòi hỏi Thủ đô phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong những giải pháp được đề cập trong Báo cáo Chính trị mà tôi rất ủng hộ đó là “Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tri thức”. Đó vừa là thế mạnh và cũng là tiềm năng của Thủ đô, nhằm quy tụ và tranh thủ đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ có tri thức cao của các bộ ngành cũng như trên địa bàn, với tinh thần cả nước hướng về Thủ đô. Chúng tôi nghĩ rằng bất cứ công dân nào của Việt Nam, dù trong hay ngoài nước đều một lòng hướng về Thủ đô và cũng sẽ dồn hết tâm sức cống hiến cho Thủ đô.
Bên cạnh đó, thể chế liên kết vùng cũng là một ý rất mới trong Báo cáo Chính trị lần này. Với vai trò là Thủ đô và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, tôi tin rằng Hà Nội sẽ phát triển với một tầm thức cao hơn trên mọi lĩnh vực.
Với tư cách là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông có thể cho biết Ban Kinh tế Trung ương trong nhiệm kỳ tới sẽ phối hợp thế nào với Hà Nội trong việc triển khai các mục tiêu đó?
- Ngay khi được thành lập, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Thành ủy Hà Nội và Đảng bộ thành phố trong việc đóng góp ý kiến để xây dựng Báo cáo Chính trị, kể cả quá trình sơ thảo ban đầu.
Tới đây, trong chương trình phối hợp công tác, chúng tôi cũng sẽ tập trung nghiên cứu các thể chế chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển xứng tầm là đầu tàu và là động lực của cả nước, cũng như đóng vai trò quan trọng trong thể chế kinh tế vùng và liên kết vùng của Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
Anh Đoàn Hiệp - Bí thư Huyện đoàn Sóc Sơn
Là Đại biểu trẻ nhất của Đại hội, anh quan tâm đến điều gì nhất trong các nội dung được trình bày trong báo cáo chính trị sáng nay của Đại hội?
- Tất cả các nội dung trong báo cáo chính trị đều là những nội dung vô cùng quan trọng tổng kết lại thực hiện Nghị quyết của 5 năm vừa qua cũng như là đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng Thủ đô chúng ta.
Nhưng trong đó, là một cán bộ trẻ, tôi cũng mong muốn rằng Đảng bộ sẽ tiếp tục quan tâm và đầu tư hơn cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, trong thời gian tới đây, Đảng bộ thành phố sẽ mạnh dạn giao nhiều nhiệm vụ cho thế hệ trẻ để chúng tôi có cơ hội được phụ trách, được rèn luyện, được thử thách cũng như được thể hiện mình. Tôi đặc biệt kỳ vọng, lực lượng thế hệ trẻ trong đó có lực lượng cử nhân, sinh viên sẽ được mở rộng hơn về cơ hội nghề nghiệp, việc làm nhờ chính sách của Đảng bộ Thành phố.
Anh đã bao giờ tham dự một sự kiện trọng đại như thế này chưa? Và anh có thể cho biết suy nghĩ và cảm tưởng của mình?
- Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được tham dự một sự kiện chính trị lớn, cấp cao như thế này. Tôi cảm thấy rất vinh dự, rất tự hào.
Ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Đánh giá của ông về sự phát triển của Hà Nội trong nhiệm kỳ vừa qua của Đảng bộ Thành phố và những kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới?
“Hôm nay, tôi rất vinh dự được đến dự Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ thứ XVI. Sau khi nghe Báo cáo Chính trị của Đại hội, trong đó nêu những thành tựu mà Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đạt được trong nhiệm kỳ thứ XV vừa qua với nhiều bước tiến, trên thực tế, tôi thấy những đánh giá về ưu điểm cơ bản của thành phố trong 5 năm qua hoàn toàn xác đáng. Bộ mặt của thành phố đã khởi sắc, đổi mới. Đặc biệt từ Quốc hội khóa XII, với nghị quyết XV quyết định về mở rộng Thủ đô Hà Nội hợp nhất với Hà Tây, không gian địa lý của Hà Nội đã mở rộng, số dân tăng lên nhiều, nguồn lực tất cả mọi mặt rất lớn. Việc mở rộng thành phố đã đem đến nhiều thuận lợi nhưng cũng kéo theo không ít thách thức, đặc biệt vấn đề quan trọng nhất của mọi công tác tổ chức, lãnh đạo là vấn đề con người, nếu sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền không tốt có thể sẽ kéo tụt lùi sự phát triển.
Ông Đinh Xuân Thảo trả lời phổng vấn của phóng viên HNMO |
Tuy nhiên, phải nói là trong 7 năm, đặc biệt là trong 5 năm nhiệm kỳ 2010-2015 vừa qua, Hà Nội đã bứt phá, vượt qua những thách thức, khó khăn để vươn lên và đạt được những thành tựu đáng mừng. Tôi cho đó là thành tựu lớn nhất mà Hà Nội đạt được. Đó là thành quả của nhân dân, của cán bộ, đảng viên thành phố Hà Nội, đặc biệt lực lượng đóng nòng cốt là những đảng viên trong các tổ chức Đảng từ cơ sở cho đến thành phố đóng vai trò rất quan trọng. Với đà phát triển tốt, với thành tựu trong 5 năm qua, với không khí của Đại hội hôm nay, nhất là với lực lượng lãnh đạo của khóa tới hứa hẹn có nhiều cán bộ trẻ (số lượng đảng viên trẻ chiếm tới 2/3), tôi tin tưởng trong nhiệm kỳ tới, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ lãnh đạo nhân dân Thủ đô phấn đấu để đạt được những kết quả cao hơn”.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Thưa bộ trưởng, trong 5 năm qua Hà Nội có rất nhiều cố gắng để thực hiện mảng lao động, xã hội, chăm sóc các gia đình có công, Bộ trưởng đánh giá như thế nào?
- Theo dõi trong phạm vi cả nước, tôi đánh giá rất cao quyết tâm chỉ đạo của cấp ủy cũng như chính quyền Hà Nội trong mảng an sinh, trong đó tôi đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực người có công. Qua rà soát, tôi thấy Hà Nội là một trong những thành phố làm rất tốt, tuyệt đại bộ phận những người có công được hưởng chính sách đúng, đủ.
Thứ hai, về vấn đề việc làm, thành phố Hà Nội không chỉ giải quyết việc làm cho cư dân tại chỗ. Mặc dù, lượng lao động di cư ở các địa phương đến đông nhưng tôi thấy công tác tạo việc làm của Hà Nội cho đối tượng này so với các thành phố còn lại (sau TP Hồ Chí Minh) cũng là một điểm sáng.
Thứ ba, về công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, các thành phố lớn thường là trung tâm của các hoạt động tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, tôi thấy rằng Hà Nội đã có rất nhiều biện pháp tích cực từ phía chủ quan của thành phố cũng như sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương, nên tình hình đã được kiềm chế hơn so với đầu nhiệm kỳ 2010-2015. Nếu đánh giá một cách toàn diện về lĩnh vực an sinh, như đã nói rõ trong Báo cáo chính trị, tôi thấy Hà Nội đã tạo được những sự chuyển biến nhất định. Đời sống của những người có công, người lao động, những đối tượng hưởng chính sách an sinh cũng đã có những bước khởi sắc so với hồi đầu nhiệm kỳ.