Quy hoạch xây dựng Thủ đô: Đổi mới cả lượng và chất

Kinh tế - Ngày đăng : 05:54, 01/11/2015

(HNM) - Trong thời gian 5 năm qua (2010-2015) và nhất là sau khi Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 7-2011), việc lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung đã có những bước chuyển mạnh mẽ, đáng ghi nhận.

Nhìn lại công tác quy hoạch xây dựng của Hà Nội nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo Hànộimới.

- Phóng viên: Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt, TP Hà Nội đã khẩn trương thực hiện, hoàn thành khối lượng đồ sộ các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy hoạch đô thị vệ tinh cũng như các thiết kế đô thị… Việc lập, phê duyệt các quy hoạch được coi là có những bước tiến đáng kể cả về lượng và chất. Chủ tịch đánh giá thế nào về nhận định này?

- Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Tính đến thời điểm 1-8-2008, trước khi mở rộng địa giới hành chính, 100% quận, huyện thuộc Hà Nội đã được triển khai quy hoạch chi tiết theo Luật Xây dựng năm 2003, với tổng cộng 14 đồ án. Tuy nhiên, các đồ án này mới chỉ dừng ở quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông, tỷ lệ 1/5.000 - 1/2.000, chưa có quy hoạch cụ thể và thiết kế đô thị. Hệ thống quy hoạch mạng lưới hạ tầng xã hội và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật mới chỉ được nghiên cứu ở tỷ lệ 1/25.000 - 1/10.000. Một số khu vực đặc thù đã được xây dựng điều lệ quản lý làm cơ sở cho công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng như Khu phố cổ, Khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận, Khu trung tâm chính trị Ba Đình… 

Từ sau khi mở rộng địa giới hành chính tăng hơn 3 lần với diện tích 3.344km2 và dân số gần 6,5 triệu người, Hà Nội cần một định hướng dài hạn để vươn mình trở thành một Thủ đô lớn, tầm cỡ trong khu vực cũng như trên thế giới. Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 đã tạo ra những cơ hội nhưng cũng là thách thức mới cho Hà Nội phát triển.

Về cơ hội, Thủ đô Hà Nội được mở rộng diện tích tạo điều kiện để Hà Nội phát triển đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; tạo thêm quỹ đất phát triển các chức năng quan trọng còn thiếu, thu hút đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Đây vừa là cơ hội rà soát, bổ sung và hoàn thiện không gian đô thị cũ, bổ sung các quỹ đất hạ tầng đô thị; tái phát triển các khu dân cư; đặc biệt là giao thông trong khu vực nội đô lịch sử và đồng thời cũng là cơ hội để rà soát các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư đã được chấp thuận trước đấy để điều chỉnh, khớp nối với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và sử dụng đất của cả thành phố trong khu vực đô thị trung tâm mở rộng.

Việc tổ chức dành đất vành đai xanh, xây dựng các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái là một trong những ưu điểm nổi bật của đồ án quy hoạch chung, góp phần lớn cải thiện môi trường, khí hậu chung đô thị, sắp xếp, cải tạo chỉnh trang nông thôn mới, đồng thời xây dựng các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái… theo hướng phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội đối với kiến trúc cảnh quan, đô thị nhằm điều tiết, kiểm soát chức năng công trình, khu vực, tạo dựng được không gian kiến trúc đô thị hiện đại và bản sắc; kiểm soát và cân đối công tác dân số, dân cư từng địa bàn; cải tạo, xây dựng mới các hạ tầng đầu mối hiện đại, quỹ đất dành cho giao thông…

Chính vì thế, Thành ủy Hà Nội đã xác định công tác quy hoạch trong thời gian này phải được đặc biệt coi trọng. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06-CTr/TU về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015”, xác định năm 2012 là năm thành phố tập trung vào công tác quy hoạch và chỉ đạo UBND thành phố, các cấp, ngành tập trung thực hiện. Công tác quy hoạch giai đoạn này bắt đầu được triển khai đồng bộ, tổng thể trong diện rộng và gắn với việc hoạch định các không gian phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cũng là lần đầu tiên một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch được triển khai theo Luật Quy hoạch đô thị, công tác lập quy hoạch thực sự mang tính dân chủ với sự tham gia sâu của cộng đồng.

- Phóng viên: Cụ thể, TP Hà Nội đã thực hiện được những phần việc gì, thưa Chủ tịch?


- Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Về số lượng, nhìn tổng quát, sau thời gian chưa đầy 5 năm thực hiện, với diện tích Thủ đô được mở rộng hơn 3 lần nhưng khối lượng đồ án quy hoạch, tỷ lệ phủ kín quy hoạch đã vượt trội so với 13 năm triển khai theo Quy hoạch chung xây dựng năm 1998 trước đây. Đặc biệt, tầm nhìn cũng như chất lượng quy hoạch được bảo đảm, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển góp phần tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Về các chỉ tiêu cụ thể, hầu hết đạt yêu cầu đặt ra, như công tác lập quy hoạch phủ kín 100% diện tích, khối lượng quy hoạch đã phê duyệt và đủ điều kiện chuẩn bị phê duyệt khoảng 90%, dự kiến trong năm 2015 sẽ hoàn thành phê duyệt trên 95% đồ án, trừ quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, 100% các đồ án quy hoạch ngành đã được trình duyệt.

Về chất lượng, đồ án quy hoạch cũng được xây dựng trên cơ sở phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân với việc thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, thành phố đã huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, hội nghề nghiệp, các chuyên gia đầu ngành trong công tác tư vấn, phản biện cũng như thẩm định đồ án quy hoạch.

Để bảo đảm tính khả thi của đồ án quy hoạch, thành phố cũng đã tổ chức thực hiện để lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư từ khâu lập nhiệm vụ quy hoạch cũng như trong cả quá trình triển khai, công bố và giám sát việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng... Đây là những giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực tham gia lập quy hoạch, tạo sự đồng thuận, thống nhất và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.

- Phóng viên: Thưa Chủ tịch, ngoài đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, Hà Nội còn triển khai nghiên cứu các thiết kế đô thị và quy hoạch chi tiết. Vậy, các đồ án này có vai trò như thế nào trong quản lý đô thị nói chung, quy hoạch kiến trúc nói riêng?

- Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Trong khoảng tháng 11-2011 đến tháng 6-2015, thành phố đã phê duyệt khoảng 420 hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường. Một số đồ án quy hoạch chi tiết quan trọng đến việc phát triển của thành phố đã hoàn thành như Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây, Quy hoạch chi tiết hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài... đã nhanh chóng được triển khai và phê duyệt. Một số đồ án quy hoạch chi tiết đối với khu vực quan trọng tiếp tục được tập trung hoàn thiện như đường Vành đai 3, đoạn Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Phạm Văn Đồng, đường Phạm Hùng, đường Vành đai 2,5, hai bên sông Tô Lịch…

Ngoài nội dung thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thành phố đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lập danh mục các đồ án thiết kế đô thị độc lập đối với các khu vực đặc thù, các tuyến phố trên toàn thành phố, nhằm kiểm soát việc đầu tư xây dựng, cảnh quan, bộ mặt kiến trúc hai bên tuyến đường theo quy hoạch, đồng bộ với việc cải tạo chỉnh trang, mở rộng, xây dựng mới tuyến đường. Đây là công cụ quan trọng để quản lý quy hoạch kiến trúc và cấp phép xây dựng, bảo đảm diện mạo đô thị văn minh, đồng bộ, hiện đại.

Một công việc cần thiết và quan trọng nữa là xây dựng các quy định, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc nhằm tăng cường quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị, quản lý hoạt động cấp phép xây dựng tại các địa phương. Thành phố đã phê duyệt, ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung thành phố; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phố cổ; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phố cũ, đồng thời tiếp tục triển khai các quy chế quận, thị trấn và khu vực đặc thù nhằm vừa bảo tồn, phát huy các giá trị đặc trưng tiêu biểu của khu vực, vừa kiểm soát phát triển đáp ứng yêu cầu của xã hội.

- Phóng viên: Thưa Chủ tịch, chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì trong công tác lập quy hoạch nhiệm kỳ qua?


- Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Một số bài học kinh nghiệm có thể rút ra là sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức chính trị. Sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát từ Thành ủy, UBND thành phố đến các cấp ủy địa phương cũng như chính quyền các cấp bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong điều hành và thực thi nhiệm vụ. Thành phố đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp trong công tác quy hoạch đến các chính quyền cơ sở, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở để hoàn thiện chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, đồng thời giảm sự tập trung quản lý quy hoạch tại một đầu mối; rút ngắn chi phí thời gian đi lại, thời gian thủ tục giải quyết hồ sơ.

Việc thực hiện có bài bản, khoa học thông qua xây dựng các chương trình kế hoạch. Công tác quy hoạch đi trước một bước gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch xây dựng gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề tiên quyết để quy hoạch thực sự trở thành công cụ thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả nguồn lực xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quy hoạch xây dựng kết hợp với chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, xác định được các dự án, khu vực ưu tiên phát triển theo lộ trình nhằm tập trung nguồn lực, đầu tư đồng bộ và dứt điểm, tạo dựng các khu vực đô thị trọng tâm, trọng điểm hoàn thiện chức năng; ưu tiên các dự án giao thông đầu mối, kết nối hạ tầng kỹ thuật dân sinh bức xúc… tránh dàn trải, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Cùng với đó, quy hoạch ngành, mạng lưới cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với các quy hoạch xây dựng, bảo đảm sự thống nhất cao. Quy hoạch ngành, mạng lưới, ngoài việc phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần định hướng, dự báo quy mô phát triển của ngành, lĩnh vực. 

Trong quy hoạch cần bảo đảm tính hệ thống, tầng bậc, tạo thành bộ công cụ hoàn chỉnh, đồng bộ từ các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến các quy hoạch chi tiết, các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, để thành phố, sở, ngành, chính quyền địa phương làm cơ sở quản lý phát triển đô thị.

Bài học quan trọng nữa là quy hoạch phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, bài bản và mang tính khả thi cao. Vì vậy, thời gian tới, thành phố tiếp tục phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp, các chuyên gia đầu ngành trong công tác tư vấn, phản biện cũng như thẩm định đồ án quy hoạch; sự tham gia ý kiến của cộng đồng dân cư từ khâu lập nhiệm vụ quy hoạch cũng như trong cả quá trình triển khai, công bố và giám sát việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương trong việc tham gia ý kiến cho đồ án quy hoạch... Đây là những giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực tham gia lập quy hoạch, tạo sự đồng thuận, thống nhất và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.

- Phóng viên: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của thành phố là hoàn thành phê duyệt các đồ án quy hoạch và xây dựng kế hoạch quy hoạch giai đoạn 2016-2020. Để quy hoạch đi vào thực tiễn, sớm được triển khai cần có cơ chế, chính sách thực hiện phù hợp, đồng bộ với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực đầu tư. Xin Chủ tịch cho biết, những cơ chế chính sách đó là gì?


- Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng xây dựng Chương trình Phát triển đô thị TP Hà Nội, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu thành phố ban hành cơ chế chính sách thực hiện quy hoạch, xác định các đối tượng, khu vực quan trọng cần tăng cường quản lý quy hoạch kiến trúc, đặc biệt là các dự án mang tính tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội để có kế hoạch phù hợp điều kiện phát triển địa phương và nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị quản lý các cấp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí, thời gian của doanh nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30% đến 50%; tăng cường phân cấp trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối chia sẻ thông tin quy hoạch giữa các sở, ngành, doanh nghiệp… 

Thời gian tới, công tác quy hoạch của thành phố theo hướng tập trung vào khu vực ngoài phạm vi phát triển đô thị TP Hà Nội và khu vực các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các khu chức năng đặc thù, các điểm dân cư nông thôn.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Y Linh