Tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 07:18, 31/10/2015

(HNM) - Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) công bố ngày 30-10 trước Quốc hội (QH) đã tiếp thu ý kiến nhân dân về 7/8 vấn đề.

Từ nhiều góc độ, các đại biểu (ĐB) QH nhận định, nhiều đổi mới thể hiện rõ tính nhân đạo trong việc xử lý người phạm tội, nhưng nếu không quy định chặt chẽ, dễ dẫn đến lách luật. Đặc biệt, với tội nhận hối lộ, cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian, đòi bất kỳ lợi ích nào mới bị xử lý là bất hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo BLHS


Pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự

Trước khi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền Chính phủ đã báo cáo QH kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo bộ luật. Chắt lọc từ 7 triệu lượt ý kiến góp ý, Chính phủ đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến của đa số nhân dân về 7/8 vấn đề trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến. Điển hình là bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân và xác định rõ loại tội mà pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; quy định rõ các tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự; bổ sung các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh; thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế; xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng…

Ngoài các vấn đề nêu trên, Chính phủ nêu quan điểm tiếp thu ý kiến thiểu số của nhân dân về giữ lại hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy đối với người chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu, người vận chuyển chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm. Đây cũng là ý kiến của các cơ quan chuyên môn trực tiếp tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác đối ngoại, như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Cán bộ chưa đòi tiền, dân đã phải tự đưa

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Đoàn Hà Nội):
Đòi, nhận, hứa nhận hối lộ đều bị xử lý

Quy định mới về tội nhận hối lộ có liệt kê nhiều hành vi như nhận, đòi, sẽ nhận, hứa hẹn nhận hối lộ. Tất cả các hành vi này đều bị xử lý. Tôi cho rằng, với việc này, sẽ có thể có người đòi, có người nhận, có người sẽ nhận và có người hứa nhận. Có những người không đòi vẫn bị xử, chưa nhận cũng bị xử vì hứa nhận, sẽ nhận, hành vi "đòi" chỉ là một trong những hành vi được liệt kê trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) thôi.

Nhận định Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) thể hiện đậm nét tính nhân đạo trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân nhưng ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) cũng cảnh báo ngay rằng, thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế rất dễ phi hình sự hóa tội cố ý làm trái. Qua tiếp xúc cử tri, có người dân cho rằng, đưa quy định này sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng "giải cứu" cán bộ. Từ đó, ĐB Nguyễn Bá Thuyền đề nghị, ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ và thông tin cho ĐBQH biết, hiện có bao nhiêu cán bộ đang phải đi tù vì "tội cố ý làm trái", bao nhiêu cán bộ đang bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vì tội này. Nếu chúng ta bỏ tội cố ý làm trái, đương nhiên những người đang bị khởi tố, điều tra, xét xử về tội này sẽ bị đình chỉ; những người đang thi hành án sẽ được ra tù. Nếu thế, kể cả những kẻ phạm tội trong vụ án Vinashin cũng được tha, ra tù ngay lập tức.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền cũng cho rằng, ban soạn thảo đề xuất: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận bất kỳ lợi ích nào theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm là không chặt chẽ. Lý do được đưa ra là: Không ai chứng minh được chuyện "đòi" hối lộ cả, cán bộ gây khó cho dân thì dân tự phải đưa thôi. "Như vậy, những kẻ làm chuyện tiêu cực sẽ lập luận - tôi có đòi đâu, dân tự nguyện đưa đấy chứ. Quy định như thế không khác gì tiếp tay cho tham nhũng" - ĐB Nguyễn Bá Thuyền phát biểu.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Vũ Xuân Trường (Đoàn Nam Định) đề nghị QH không thay thế tội cố ý làm trái bằng 9 tội khác được. Nếu sai phạm kinh tế được xử lý bằng các biện pháp kinh tế để thu hồi khoản tiền bị chiếm đoạt phi pháp sẽ không bảo đảm mục tiêu răn đe. Cũng liên quan đến nhóm tội tham nhũng, ĐB Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, quy định không thi hành án tử hình với tội phạm tham ô sẽ khiến người dân hiểu rằng "dùng tiền để cứu mạng", làm gia tăng sự bất bình trong dân chúng đối với tình trạng tham nhũng, hối lộ đang rất nhức nhối hiện nay.

Chưa có chế tài bảo vệ người lao động

Trong khi đó, Ủy ban Tư pháp của QH không đồng tình với việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện phân tích, ý kiến tán thành chủ trương này xuất phát từ tình hình hiện nay, việc chấp hành hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ không nghiêm, kém hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực hiện rất khó lường trước kết quả. Thực tế, người bị kết án chấp hành không nghiêm loại hình phạt này là do khâu tổ chức thực hiện chứ không phải do hạn chế của bản thân hình phạt. Hơn nữa, nếu quy định chuyển hình phạt nhẹ (phạt tiền, cải tạo không giam giữ) sang hình phạt nặng hơn (phạt tù) sẽ trái với nguyên tắc hình phạt phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như không phù hợp với chủ trương giảm hình phạt tù, tăng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ theo định hướng cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, việc phân định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục cũng như việc xác định tỷ lệ chuyển đổi cụ thể là hết sức phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng. Do vậy, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị chưa bổ sung quy định này.

Với việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là điểm mới, thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước đối với hành vi vi phạm của pháp nhân, nhất là trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, ĐB Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) bày tỏ băn khoăn, khi pháp nhân phạm tội, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, giải thể thì quyền lợi của người lao động ra sao, vấn đề này chưa được đề cập trong dự thảo bộ luật. "Họ chỉ là người làm công ăn lương, cần phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi của họ" - ĐB Tô Văn Tám nói. Theo chương trình, đây là lần thảo luận cuối cùng trước khi QH biểu quyết thông qua Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tại kỳ họp này.

Đề nghị bỏ tử hình 9 tội danh

Trên cơ sở cân nhắc các ý kiến của ĐBQH qua các lần thảo luận, Ủy ban Thường vụ QH dự kiến chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) theo hướng, bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh: Cướp tài sản (Điều 168); tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 304); chống mệnh lệnh (Điều 393); đầu hàng địch (Điều 398); phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 420); chống loài người (Điều 421); tội phạm chiến tranh (Điều 422). Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250) vẫn giữ hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây hoặc người thực hiện việc vận chuyển ma túy với số lượng lớn.

Hà Phong