Phương Tây dỡ bỏ trừng phạt với Belarus: Dấu hiệu “tan băng”

Thế giới - Ngày đăng : 06:03, 31/10/2015

(HNM) - Sau một thời gian dài căng thẳng, quan hệ giữa Belarus và các nước phương Tây đang có dấu hiệu ấm trở lại.

Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ ngày 30-10, chính phủ nước này đã quyết định dỡ bỏ trừng phạt 9 tổ chức của Belarus trong vòng 6 tháng, tính từ ngày 31-10. Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra ngay sau khi Liên minh Châu Âu (EU) cho biết, đã đình chỉ hầu hết biện pháp trừng phạt chống lại Belarus. Được biết, các biện pháp trừng phạt nhằm vào khoảng 170 người, trong đó có Tổng thống Alexander Lukashenko, sẽ được dỡ bỏ trong vòng 4 tháng tới, ngày 29-2-2016. Những quyết định trên được đưa ra ngay sau khi Belarus hoàn tất cuộc bầu cử tổng thống được đánh giá là minh bạch với sự kiện ông A.Lukashenko tái đắc cử nhiệm kỳ thứ năm. Trước đó, Tổng thống A.Lukashenko vừa trả tự do cho 6 người tù chính trị cuối cùng.

Kinh tế Belarus sẽ tăng trưởng khi quan hệ với EU được cải thiện.


Ít ai nghĩ rằng, phương Tây và Belarus lại có những bước đi nhanh chóng như vậy. Vì cách đây không lâu, Tổng thống A.Lukashenko vẫn bị coi là "kẻ độc tài" duy nhất còn lại ở Châu Âu. Đặc biệt kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Belarus năm 2010 mà EU cho rằng "không minh bạch" và cáo buộc chính quyền Minsk vi phạm các nguyên tắc dân chủ. Sau đó, Mỹ và EU đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt quốc gia láng giềng thân thiết nhất của nước Nga. Trong đó, đáng chú ý là bản danh sách gồm hơn 230 quan chức cấp cao của Belarus - đứng đầu là Tổng thống A.Lukashenko bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ EU và tài sản của họ tại các ngân hàng EU cũng đã bị đóng băng. 29 công ty được cho là có quan hệ mật thiết với Tổng thống A.Lukashenko cũng bị liệt vào diện bị EU trừng phạt.

Nhiều ý kiến cho rằng, quan điểm về "dân chủ, nhân quyền" chỉ là cái vỏ, thực chất của vấn đề nằm ở chỗ Belarus là một "chướng ngại" khó lay động nhất trong kế hoạch Đông tiến của phương Tây. Kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, Mỹ và EU liên tục đưa ra nhiều phương cách nhằm chiếm lĩnh không gian ảnh hưởng của nước Nga. Tuy nhiên, mọi chiến lược mà phương Tây vận dụng khá thành công tại nhiều nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) đều bị chặn đứng tại Belarus.

Lựa chọn đối lập với phương Tây cũng khiến Minsk chịu nhiều sức ép, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, cần sự hợp sức của nhiều quốc gia. Song, công bằng mà nói, với sự cứng rắn này mà Belarus không phải trải qua những thăng trầm của bất ổn chính trị. Ổn định đất nước là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Belarus tăng trưởng nhiều năm liên tiếp với tốc độ cao, có lúc lên tới 10%. Thu nhập của người dân tăng gấp 4 lần...

Theo các nhà phân tích, quan hệ giữa phương Tây và Belarus được cải thiện phần lớn là bởi vai trò chủ động của Minsk trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Lập trường trung lập của quốc gia hơn 9,4 triệu dân này cùng với việc sẵn sàng trở thành yếu tố trung gian hòa giải đã giúp vị thế của Belarus được khẳng định và nâng cao không chỉ trong khu vực. Qua đó, hố sâu ngăn cách giữa Minsk và phương Tây cũng dần được thu hẹp.

Cùng với ưu tiên liên minh chiến lược với Nga, việc bình thường hóa quan hệ với phương Tây có thể giúp Belarus cải thiện được tình hình kinh tế, vốn đang "giậm chân tại chỗ" vì ảnh hưởng của "cuộc chiến" thương mại giữa Nga và phương Tây. Hiện tại, EU vẫn là một trong những đối tác thương mại chính, nguồn cung cấp tín dụng và đầu tư quan trọng của Belarus. Điều này cũng cho thấy chính sách ngoại giao cân bằng, khôn khéo của "thuyền trưởng" A.Lukashenko đang gặt hái thành quả.

Cùng với những bước đi làm giảm bớt căng thẳng, Belarus không chỉ tiếp tục lựa chọn liên minh chiến lược với Nga mà còn đang hướng tới sự phát triển các mối quan hệ tích cực hơn với phương Tây. Trong thời gian tới, cánh cửa thương mại hứa hẹn sẽ được mở rộng mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

Phương Chi