Thấy gì ở "Hamlet" phiên bản Việt?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:46, 30/10/2015
Về câu chuyện kịch và giá trị lịch sử ở vở "Hamlet" của Đại văn hào Shakespeare, có lẽ không cần phải nhắc nhiều bởi đó là vở kịch kinh điển, được cả thế giới biết tiếng. Nhưng cũng bởi vậy mà việc dàn dựng "Hamlet" cho sân khấu Việt Nam vừa giữ được tính tư tưởng, tầm vóc của tác phẩm, lại không quá khó xem với khán giả Việt, là một thử thách vô cùng lớn.
Cảnh trong vở “Hamlet”. |
Đạo diễn vở - NSƯT Anh Tú cho biết, cả năm qua anh không thoát khỏi nỗi ám ảnh về "Hamlet". "Việt hóa" một vở diễn kinh điển của thế giới đã là khó, cái khó khác là khả năng cảm thụ nghệ thuật của khán giả giờ đã thay đổi, không thể làm cho có. Đã qua rồi thời kỳ làm mưa làm gió của những vở kịch "ăn sổi", khán giả ngày nay bước chân vào rạp với nhiều đòi hỏi, từ chất lượng nội dung đến hình thức, từ dàn diễn viên đến công nghệ, thiết bị phụ trợ... Kịch bản "Hamlet" của Shakespeare, nếu dựng đầy đủ lớp lang như nguyên bản thì một buổi diễn phải mất 4-5 tiếng đồng hồ, Anh Tú phải cắt gọn bảo đảm một suất diễn phù hợp với khán giả Việt Nam trong đó có thêm vào một số chi tiết không có trong kịch bản gốc.
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền nhận xét: "Anh Tú tập trung vào xung đột giữa tình yêu và quyền lực, trong đó, chữ "tình" thấp thoáng trong mọi hành động, lời nói, nên xem... rất Việt Nam".
Dấu ấn Việt Nam được đạo diễn Anh Tú đưa vào tác phẩm một cách ấn tượng là trò múa dân gian "Xuân Phả" nổi tiếng của Thanh Hóa. Để có được thành công đó, anh kỳ công đến mức cứ thứ bảy, chủ nhật là lại đón NSƯT Hoàng Hải, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Lam Sơn (Thanh Hóa) ra Hà Nội để hướng dẫn anh em. 5 điệu múa với những diễn viên đeo mặt nạ được khai thác ở từng thời điểm, chẳng hạn như đoạn về yến tiệc của nhà vua, hoặc được đại thần Poloniut mang ra giải khuây cho Hamlet vì tưởng chàng đau buồn phát điên, hay được chính Hamlet dùng làm vở kịch diễn cho vua em và hoàng hậu nhằm dò xem thái độ của họ. Vì thế, điệu "Xuân Phả" của Việt Nam không những không bị "kênh" trong một vở kịch Tây mà trở nên gần gũi. Bên cạnh đó, phải kể đến phần thiết kế sân khấu bục động tuyệt vời của NSND Doãn Châu. Ông nói, đây là "vở kịch nghỉ hưu" của mình nên muốn tạo ra điều đặc biệt. Sân khấu động, với những chiếc bục màu đen khi được xếp thành hàng dọc, khi lại quây tròn, khi tạo thành bệ đỡ nhân vật, khi lại là hố sâu tăm tối… Chính điều này tạo cho khán giả cảm giác được xem ở một không gian mở, đa chiều, nhiều ẩn ý.
Sức cuốn hút của vở còn nằm ở dàn diễn viên đẹp, khả năng diễn xuất tốt. Nổi lên là Tạ Tuấn Minh (vai Hamlet), NSƯT Trung Anh (vai vua em). Tuấn Minh có sự đĩnh đạc vừa đủ, thể hiện Hamlet tốt đến mức khiến nhiều người trong nghề phải... gật đầu "thế là có lớp kế cận!". Với Trung Anh thì đây là lần hiếm hoi anh vào vai phản diện. Anh bảo cũng lo, cũng nghĩ nhiều rồi mới hiểu ra được ý đạo diễn về cách khắc họa nhân vật này. Vai vua em của Trung Anh, chất phản diện không được thể hiện qua vẻ ngoài đầy hăm dọa, hiểm ác lồ lộ, mà ẩn sau diễn biến nội tâm, bởi thế là một vai khó.
Hiếm có vở diễn mà khán giả đến xem và nán lại khá lâu chỉ để được ôm đạo diễn, diễn viên. Nó cho thấy "Hamlet" đã có buổi ra mắt thành công và danh hiệu "Anh cả đỏ" trong làng kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam là có cơ sở.