Du lịch Hà Nội giai đoạn 2010-2015: Bước phát triển vượt bậc

Du lịch - Ngày đăng : 06:43, 30/10/2015

(HNM) - Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia là một trong hai

Những thành tựu đáng tự hào

Hà Nội hiện có 5.175 di tích văn hóa lịch sử trong đó có 1.050 di tích được xếp hạng quốc gia, chiếm gần 20% tổng số di tích của cả nước, nhiều di tích nổi tiếng đã được UNESCO vinh danh như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội... Hà Nội cũng có 1.350 làng nghề trong đó có nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời như: Đúc đồng Ngũ Xã, gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc... Với những lợi thế cơ bản về tài nguyên du lịch nói trên, 5 năm qua, Hà Nội đã phát triển nhiều loại sản phẩm thu hút khách du lịch như: du lịch tham quan di tích văn hóa, lịch sử; du lịch làng nghề; du lịch lễ hội; du lịch ẩm thực, du lịch tổng hợp sinh thái, giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng...

Du khách khám phá Bát Tràng bằng xe trâu. Ảnh: Gia hiếu



Hà Nội cũng có cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tương đối tốt. Hiện thành phố có 3.081 cơ sở lưu trú với khoảng 38.000 phòng và 1.500 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Thành phố có nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống, ẩm thực phong phú như các nhà hàng Âu Á, tiệm cà phê, bar, các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp như: Sân golf (Đồng Mô, Sóc Sơn), Khu du lịch Sóc Sơn, đồi 79 Mùa Xuân (huyện Mê Linh)... 5 năm qua, nhân lực du lịch Hà Nội cũng đã phát triển mạnh với 88.000 lao động trực tiếp có chất lượng tương đối tốt. Cụ thể, khoảng 80% nhân viên các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và khách sạn từ 3 đến 5 sao đều có trình độ đại học trở lên. Đặc biệt, các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài có đội ngũ cán bộ trình độ cao, chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. 2.613 hướng dẫn viên du lịch quốc tế được cấp thẻ đều có thể sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ.

Trong thời gian qua, ngành Du lịch Thủ đô đã chủ trì tổ chức đăng cai thành công nhiều sự kiện lớn như: Năm Du lịch quốc gia 2010, Hội nghị lần thứ XI của Hội đồng Xúc tiến du lịch Châu Á (năm 2012). Đặc biệt trong 3 năm 2013-2015, Hà Nội tổ chức thành công 3 sự kiện lớn sẽ được duy trì tổ chức định kỳ: Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội vào dịp tháng 10; Tổ chức đoàn của thành phố tham gia Hội chợ JATA và Lễ hội Việt Nam tại Tokyo (Nhật Bản) vào dịp tháng 9; Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - Hà Nội vào dịp tháng 4 hằng năm.

Ngành Du lịch thành phố đã khẳng định vai trò, vị trí là một ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố. Dù thời gian gần đây, ngành Du lịch gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế chung, nhưng lượng khách du lịch đến Hà Nội vẫn có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, mức tăng bình quân hơn 10%; năm 2014 đạt 15,4 triệu lượt khách nội địa, 3 triệu lượt khách quốc tế, gấp 2 lần so với năm 2010, tăng trưởng bình quân doanh thu du lịch ổn định mức 15,1%. Trong 9 tháng năm 2015, khách quốc tế đến Hà Nội đạt gần 2,3 triệu lượt, tăng 14%; khách trong nước đạt hơn 12,7 triệu lượt, tăng 6,5%, doanh thu đạt 38.579 tỷ đồng, tăng 7% cùng kỳ. Trong 5 năm qua, Hà Nội liên tiếp được các trang web uy tín của thế giới vinh danh là điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực và thế giới.

Ưu tiên phát triển sản phẩm mang đậm nét Hà Nội

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đã chỉ rõ, đến năm 2020, du lịch Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường, đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Để đạt mục tiêu này, Hà Nội đã và đang tập trung thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa, đó là: Đầu tư nâng cấp dịch vụ du lịch tại khu vực phố cổ - Hoàn Kiếm, phát triển tuyến du lịch ven Sông Hồng; khai thác, phát triển du lịch bền vững tại quần thể "Không gian lễ hội Gióng"; phát triển du lịch cộng đồng tại Ba Vì... Đặc biệt, chú trọng khai thác mặt nước và không gian cảnh quan xung quanh Hồ Tây như: Phát triển dịch vụ thuyền buồm du lịch, trình diễn các loại hình nghệ thuật trên mặt nước với ánh sáng laser, pháo sáng, pháo hoa... kết hợp tuyến du lịch tâm linh, cùng với các làng nghề cổ như trồng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, cá cảnh Nghi Tàm, trồng sen và ướp trà Quảng Bá...

Bên cạnh đó, ngành Du lịch Hà Nội sẽ chủ động phối hợp với Công an thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án kiên quyết xóa bỏ các tệ nạn chèo kéo, ép khách, chặt chém. Cùng với đó là phối hợp với cộng đồng địa phương tổ chức tốt các dịch vụ vệ tinh phục vụ khách du lịch như xe buýt, xe taxi, xe điện du lịch, các nhà hàng, phát triển các dòng sản phẩm lưu niệm mang đậm nét đặc trưng của Hà Nội.

Trong thời gian tới, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế của ngành Du lịch sẽ chú trọng vào việc triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và các tổ chức mà Hà Nội làm thành viên hoặc đã có quan hệ. Bên cạnh đó, ngành Du lịch Hà Nội sẽ chủ động phối hợp với các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế trên địa bàn để kết nối, giới thiệu, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch tại các thị trường quốc tế như: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia. Du lịch Hà Nội cũng sẽ nâng tầm tổ chức các sự kiện du lịch như: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - Hà Nội; Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội... theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và xã hội hóa cao; tổ chức một số sự kiện du lịch mới mang đậm dấu ấn của ngành Du lịch Thủ đô như: Lễ hội áo dài, Liên hoan Ẩm thực Hà thành, Ngày hội Du lịch Hà Nội...

Với những giải pháp thiết thực và mang tính khoa học nêu trên, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, du lịch Hà Nội sẽ phát triển mạnh và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Lâm Vũ