Bài cuối: Ý Đảng, lòng dân hợp nên nguồn sức mạnh
Chính trị - Ngày đăng : 06:31, 30/10/2015
Cầu Đông Trù - một trong những công trình hạ tầng quan trọng của TP được hoàn thành trong giai đoạn 2010-2015. Ảnh: Vũ Long |
32 bài viết phản ánh nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội trên địa bàn Thủ đô có thể chưa là đầy đủ, toàn diện; song Báo Hànộimới đã nỗ lực phản ánh những thành tựu cơ bản, nổi bật, giúp Hà Nội có bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt kết quả quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển. Hiện thực hôm nay chính là minh chứng sinh động cho thành quả lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố nhiệm kỳ 2010-2015 cùng tinh thần đoàn kết, sự cố gắng vươn lên, quyết tâm phấn đấu với trách nhiệm và tình yêu Hà Nội của các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Những thành tựu to lớn
Năm năm qua, vượt qua những trở lực cùng hàng loạt khó khăn thách thức, kinh tế của Hà Nội tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều đạt và vượt dự toán, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 7,1%/năm. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; Chỉ số năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện qua từng năm…
Kết quả ấy là minh chứng cho những chủ trương, giải pháp được thành phố đưa ra phù hợp với tình hình thực tế, từ đó tập trung, thu hút mọi nguồn lực, tạo sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Một Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ, với sự đầu tư lớn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật thể hiện qua hàng loạt công trình, dự án được hoàn thiện, đưa vào sử dụng như: Cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù, cầu Phù Đổng 2; đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, đường Vành đai 3 trên cao, Nhà ga T2 - Cảng hàng không Nội Bài, các tuyến đường cao tốc nối Hà Nội với Hải Phòng, Thái Nguyên, Lào Cai; tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội… Những công trình, dự án nêu trên không chỉ hướng tới xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại mà còn nhằm tạo sự kết nối chặt chẽ giữa Hà Nội và các địa phương, mang lại động lực thúc đẩy phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Hà Nội thay da đổi thịt từng ngày. Điều đó không chỉ thể hiện ở diện mạo đô thị mà khu vực ngoại thành cũng có nhiều đổi thay toàn diện với lựa chọn đột phá là Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”. Vận dụng những cách làm sáng tạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, 5 năm qua, các huyện ngoại thành Hà Nội đã thu được kết quả khả quan thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Hà Nội năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, gấp 2 lần so với năm 2011; số hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,2% năm 2011 xuống còn khoảng 2% năm 2015. Như dự kiến, hết năm nay, toàn thành phố sẽ có 166/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43% tổng số xã của Hà Nội. Và vừa qua, Đan Phượng là huyện đầu tiên của Hà Nội vinh dự đón Bằng công nhận đạt chuẩn Huyện nông thôn mới.
Suy cho cùng, mọi sự lãnh đạo, chỉ đạo, mọi nghị quyết, mục tiêu, kế hoạch, giải pháp... trong tổ chức thực hiện đều hướng tới cái đích cuối cùng là không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng, đời sống của người dân. Khi ý Đảng hợp lòng dân sẽ tạo thành nguồn sức mạnh cách mạng to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa các chủ trương, đường lối, nghị quyết thành hiện thực sinh động. Thành tựu thu được trên các lĩnh vực của Hà Nội chính là công sức đóng góp của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, các cấp, ngành - chủ thể trong xây dựng và phát triển thủ đô.
Và bài học về công tác cán bộ
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, một điểm nhấn đặc biệt quan trọng trong nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng bộ thành phố Hà Nội là sự đổi mới mạnh mẽ trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Chính điều đó đã giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XV và các nghị quyết của Đảng được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy đã chủ động lãnh đạo nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ thành phố thành 9 Chương trình công tác lớn; xác định rõ 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá, kết hợp với xác định chủ đề công tác từng năm để tập trung chỉ đạo thực hiện tạo sự chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động của Đảng bộ và đời sống, xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Trong 9 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội ban hành trong nhiệm kỳ 2010-2015, Chương trình số 01-CTr/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011 - 2015” có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng, là yếu tố quyết định để thực hiện có hiệu quả các chương trình khác, có sức lan tỏa mạnh và tạo ra động lực mới để đẩy mạnh phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh; đối ngoại; xây dựng, quản lý, phát triển đô thị; xây dựng nông thôn mới… của Thủ đô. Việc thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng từ thành phố tới cơ sở gắn kết chặt chẽ với triển khai thực hiện 4 nhóm giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong đó, trọng tâm là nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ.
Việc nâng cao nhận thức, ý thức tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, tạo ra bước chuyển biến mạnh trên các lĩnh vực của công tác xây dựng Đảng. Cùng với đó, các giải pháp như đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ đã được Hà Nội triển khai thực hiện đồng bộ, kết hợp với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Những biện pháp, cách làm sáng tạo nêu trên đã giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người được giao trọng trách trong công tác quản lý nâng cao nhận thức, ý thức tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và lề lối làm việc, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, bám sát thực tiễn, địa bàn, gần dân, sát dân, thực sự cầu thị lắng nghe ý kiến nhân dân, gương mẫu trong lời nói, việc làm. Từ đó, đưa ra những quyết sách xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đẩy lùi căn bệnh hình thức, thành tích… Cách làm nêu trên không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn góp phần củng cố chặt chẽ mối quan hệ máu thịt giữa các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội trong giải quyết những công việc lớn, phức tạp, trong đó có những vấn đề khó, những vấn đề mới và những việc chưa từng có tiền lệ, thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng, kiến thiết và phát triển Thủ đô.
Trước thềm Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020), điểm lại những thành tựu to lớn Thủ đô đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua để tin tưởng toàn Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân sẽ tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm, chung sức, đồng lòng cống hiến, đóng góp, đưa Thủ đô phát triển lên một tầm cao mới.