Giám đốc "không chân" và câu chuyện "lửa thử vàng"
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:17, 30/10/2015
"Tuổi thơ dữ dội" của "Ông chủ không chân"
Hơn 60 năm trước, cậu bé Bùi Văn Chính (thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh) chào đời bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, lên 3 tuổi, Chính bị liệt đôi chân sau một cơn co giật. Lúc đó, Chính chưa thể hình dung được những chông gai trên đường đời sau này. Người thân khóc hết nước mắt, còn cậu, chỉ cười và khóc mỗi khi… đòi ăn.
Ông Chính hướng dẫn học viên khuyết tật gia công hàng may mặc. |
Nhận ra thực tại nghiệt ngã từ khi lên 6 tuổi, lúc bạn bè cắp sách tới trường, Chính chỉ biết rơi nước mắt, ngồi ngóng từ xa. Vốn ham học hỏi, Chính dùng tay thay chân, lết theo chúng bạn đến trường, nép mình ngoài cửa nghe như "nuốt" từng lời giảng của thầy. Nhiều lần thấy con say mê học hành, bố Chính xin cho cậu đi học. Sáu năm trời dùng tay đến lớp trên con đường dài 2km, Chính không nghỉ buổi nào. Cậu học rất chăm chỉ và được thầy thương, bạn quý.
Vì gia cảnh quá khó khăn, năm 14 tuổi, Chính tạm biệt mái trường và lên Lai Châu học nghề bốc thuốc nhưng không được như ý. Tại đây, trong lúc tìm nghề khác, cậu gặp một thầy phong thủy tên Tấn, người gốc Hoa và rong ruổi theo thầy trong một thời gian dài khắp vùng Tây Bắc. Chính được thầy dạy cho nhiều kiến thức về phong thủy, cảm xạ, xem tướng… nhưng không chú tâm nên kiến thức rơi rụng hết. Chẳng bao lâu thầy qua đời, Chính một mình trên hành trình phiêu bạt, làm đủ nghề lặt vặt để mưu sinh cũng như học hỏi kinh nghiệm. Năm 1975, Chính trở về quê sau bao năm bươn chải.
Thoáng chút trầm ngâm, ông Chính nói mình có số làm ông chủ, nhưng gian nan và lận đận hơn nhiều người khác. Đó chính là lời phán trước khi qua đời của thầy phong thủy ông Chính theo học. Nghiệm qua bao nhiêu năm, ông thấy điều đó khá ứng nghiệm.
Kể lại đời "ông chủ", ông Chính nhớ lại, năm 1975, ông cùng cán bộ Hợp tác xã Xuân Trạch mạnh dạn mời giáo viên về mở lớp thêu ren dạy nghề cho người dân trong thôn. Thế rồi xưởng thêu với 130 công nhân của ông ra đời. Dù khuyết tật, đi lại khó khăn nhưng tất tật mọi việc từ tìm mẫu đến tìm thị trường xuất khẩu đều một tay ông lo. Nhiều lần bị đối tác chê về mẫu mã, sau khi nghiên cứu cải tiến, ông đã có được thị trường của mình. Hàng xuất đi Liên Xô, có thời gian làm không đủ bán. Thời hoàng kim chỉ dừng lại từ năm 1985, khi đó sản phẩm của ông không xuất khẩu được, hợp tác xã phá sản.
Không đầu hàng số phận, ông Chính đến Bắc Ninh mở xưởng làm gạch. Qua 20 năm làm chủ lò gạch với hàng chục lao động, ông Chính cũng nếm đủ vị đắng cay cuộc đời. Lúc ăn nên làm ra, lúc xót xa chấp nhận phá sản, ông cười bảo rằng nghề "đưa đất nước vào khuôn khổ" (làm gạch) không phải ai cũng làm nổi. Năm 2005, ông Chính tiếp tục thành lập một công ty chuyên về thiết bị khoa học nhưng cũng thất bại. Sau hai năm, ông lại mở công ty tư vấn tài chính nhưng rồi không kéo dài được bao lâu. Qua mỗi lần thất bại, ông Chính rút ra cho mình nhiều bài học đáng quý.
Lá rách ít đùm lá rách nhiều
Năm 2006, hưởng ứng chương trình "Vì người nghèo" của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Chữ thập đỏ, ông Bùi Văn Chính đã đứng ra thành lập Trung tâm Nhân đạo của huyện Đông Anh. "Lúc đó, từ hoàn cảnh bản thân, tôi dễ dàng đồng cảm với những hoàn cảnh tương tự trong xã hội. Xuất phát từ mong muốn có được không gian chung cùng nhau chia sẻ tâm tư, khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, tôi đảm nhận chức giám đốc trung tâm" - ông Bùi Văn Chính chia sẻ.
Gần 10 năm nay, ông dang tay cưu mang, dạy nghề cho hàng trăm người khuyết tật từ các nơi. Ông hiện đảm nhiệm chức Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề nhân đạo huyện Đông Anh - một trung tâm tư nhân hoàn toàn, dạy nghề miễn phí, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật, người hoàn cảnh khó khăn, trẻ em lang thang, cơ nhỡ…
Với mục đích như vậy, trung tâm nhanh chóng được mọi người quan tâm, ủng hộ. Khóa đầu tiên có 80 học viên khuyết tật. Ông Chính vận động được 10 giáo viên tình nguyện đến dạy nghề cho học viên. Khi đến đây, họ đều tranh thủ thời gian, hầu hết đều tạm gác lại công việc chính của mình để cầm tay chỉ việc cho những người khuyết tật học việc. Thời gian đầu, lớp học diễn ra ở Vân Trì - Đông Anh. Sau đó, để bảo đảm điều kiện học hành của học viên ông xin chuyển về Xuân Canh sử dụng mảnh đất do người quen cho mượn.
Để tiêu thụ sản phẩm học viên làm ra, ông Chính lại chạy vạy tìm đầu ra. Giá cả được thỏa thuận, niêm yết và hoàn toàn thuộc về các học viên. Cho đến nay, trung tâm dạy nghề của ông đã đào tạo được hơn 500 người, đang nuôi dưỡng và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Công việc chủ yếu của họ là may mặc, làm vàng mã, làm mây tre đan, thủ công mỹ nghệ…
Không chỉ tạo công ăn việc làm, ông Chính còn vận động xin được 30 xe lăn cho những trường hợp bị tàn tật chân, vận động các tổ chức phi chính phủ tài trợ được 6 suất phẫu thuật chỉnh hình cho người khuyết tật, mỗi suất có chi phí hơn 100 triệu đồng. Ông cho hay, trung tâm còn liên kết với các thầy thuốc đông y để điều trị các bệnh xương, khớp, gân cơ… cho các học viên bằng phương pháp bấm huyệt, xoa bóp.
Cũng chính tại trung tâm này, nhiều cặp vợ chồng đã nên duyên. Trường hợp anh Nguyễn Anh Điện (Bắc Giang) và chị Nguyễn Thị Lan (Từ Liêm - Hà Nội) là một ví dụ. Anh Điện hỏng chân, phải di chuyển bằng nạng. Anh đến đây học làm thủ công mỹ nghệ và quen chị Lan, một cô gái xinh xắn nhưng khiếm thị bẩm sinh. Ở cùng trung tâm, anh chị hay quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau và nảy sinh tình cảm lúc nào không hay. Được gia đình ủng hộ, anh chị tiến tới hôn nhân và đám cưới được tổ chức ngay tại đây trong cả nụ cười và nước mắt.
Vì những nỗ lực không mệt mỏi với người khuyết tật, ông Bùi Văn Chính đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam về đóng góp cho người khuyết tật Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Chính cũng bộc bạch nhiều ưu tư. Ông bảo, hiện nay trung tâm đang rơi vào khó khăn vì thiếu kinh phí. Một phần mái lớp học đã đổ sụp sau trận giông lốc. Vì không có kinh phí sửa chữa, nhiều học viên không có chỗ học, chỗ ở, phải ở nhờ cả nhà dân. Thiết bị dạy nghề đều đã xuống cấp, cũ kỹ, lạc hậu… Điều này vẫn khiến ông trăn trở ngày đêm.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, sao ông không tìm đến các nhà hảo tâm? Ông nói rằng: "Khó khăn thì không chỉ riêng ai. Càng khó khăn tôi nghĩ mình càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm… để bảo đảm cuộc sống cho người khuyết tật cả về vật chất lẫn tinh thần. Còn sức khỏe tôi còn làm việc. Lửa thử vàng, gian nan thử sức mà".