Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, chất lượng có tăng theo?

Sức khỏe - Ngày đăng : 18:13, 29/10/2015

(HNMO) – Dự kiến, từ ngày 15/11 tới, giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng trung bình 2- 7 lần so với giá viện phí hiện hành, bởi đưa phụ cấp trực, phục cấp phẫu thuật, thủ thuật và một phần lương vào viện phí. Câu hỏi đặt ra là giá dịch vụ điều chỉnh tăng thì chất lượng dịch vụ có tăng theo?


Tại buổi giao lưu trực tuyến “Điều chỉnh viện phí: Người bệnh được lợi gì?" do báo Người Lao động tổ chức ngày 29/10, nói về lý do giá dịch vụ y tế sắp tăng,  ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính thuộc Bộ Y tế cho biết, Chính phủ đã quy định đến năm 2016, giá dịch vụ công phải được tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp. Thông tư liên bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện trên toàn quốc do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Tài chính xây dựng, sẽ ban hành vào tháng 11/2015. 

Người bệnh trả lương cho nhân viên y tế

Để hạn chế tác động đến đời sống của người dân, liên bộ đã quyết định trước mắt chỉ áp dụng cho đối tượng có thẻ BHYT vì phần lớn chi phí khám chữa bệnh đã được BHYT chi trả, đối với người chưa có thẻ BHYT tùy điều kiện kinh tế xã hội năm 2016 để trình Chính phủ xem xét quyết định thời điểm áp dụng cho phù hợp, song song với việc tuyên truyền, vận động để các đối tượng chưa có thẻ BHYT tham gia BHYT để giảm bớt gánh nặng chi phí khi không may bị đau ốm.

Trước mắt, trong năm 2015 chỉ áp dụng mức giá tính đủ chi phí trực tiếp mà liên bộ đã ban hành từ năm 2012 nhưng thời gian vừa qua nhiều tỉnh chỉ áp dụng ở mức 60-70%; và tính cả phụ cấp đặc thù (thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật) cho cán bộ y tế đã được liên Bộ Y tế - Tài chính quy định được kết cấu vào giá dịch vụ từ năm 2014 nhưng đến nay mới có khoảng 10 tỉnh thực hiện. Thời gian vừa qua, do ngân sách khó khăn, lại chưa được tính trong giá dịch vụ nên nhiều đơn vị, địa phương chưa có nguồn kinh phí để chi trả chế độ phụ cấp này đã được Thủ tướng Chính phủ quy định từ năm 2011. Tuy nhiên, đến tháng 3/2016, giá khám chữa bệnh bao gồm cả tiền lương của nhân viên y tế sẽ được thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Việc điều chỉnh giá viện phí theo thông tư mới này chỉ áp dụng với người bệnh thanh toán BHYT. Còn đối với người không có thẻ BHYT vẫn áp dụng theo mức giá hiện nay, trong năm 2016 sẽ cân nhắc thời điểm phù hợp để chính thức điều chỉnh theo giá viện phí mới. 

Giá 1.800 dịch vụ y tế sắp tăng (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ y tế công bằng đồng đều ở tất cả cơ sở khám chữa bệnh, không phân biệt vùng miền. Giá dịch vụ y tế được quy định thống nhất cho mỗi dịch vụ kỹ thuật ở tất cả các tuyến bệnh viện, không phân biệt bệnh viện đó ở đồng bằng hay miền núi, nông thôn hay thành thị. Ví dụ: Một sản phụ khi sinh tại trạm y tế xã hay bệnh viện tuyến huyện, tỉnh tại Hà Nội hay ở Lào Cai đều được Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả với cùng một mức giá như nhau. “Điều đó có nghĩa là người bệnh khi sinh thường dù ở các bệnh viện tuyến trên cũng không phải chi trả thêm những chi phí ngoài mức giá đã được quy định thống nhất. Giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các dịch vụ kỹ thuật y tế chất lượng cao và người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn. Cùng đó, chi phí từ tiền túi người bệnh sẽ giảm đáng kể vì tới đây người bệnh sẽ không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá như các loại vật tư y tế, các loại thuốc đã được kết cấu vào giá dịch vụ”, ông Sơn giải thích thêm.

Người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế trong xã hội, sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT từ nguồn tài chính trước kia vẫn cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Về giá dịch vụ y tế tăng thì chất lượng có tăng theo, đặc biệt, giá giường bệnh sau khi điều chỉnh tương đương mức giá phòng khách sạn?, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, giá giường có nhiều mức theo từng loại giường và từng hạng bệnh viện. Trên cơ sở các chi phí trực tiếp để phục vụ và chăm sóc người bệnh. Trong đó, mức giá cao nhất là giá ngày giường Hồi sức tích cực (giá bao gồm cả tiền lương) đang dự kiến là 677.000 đồng), thấp nhất là 118.000 đồng.

Chất lượng dịch vụ sẽ tăng

Chi phí của giường bệnh khác chi phí phòng khách sạn, người bệnh phải nằm 24/24 giờ tại bệnh viện, chi phí giường bệnh bao gồm các chi phí (trừ tiền thuốc, máu, dịch truyền) phục vụ người bệnh trong những ngày điều trị, như găng tay, bơm kim tiêm, bông, băng, cồn, gạc, điện, nước, xử lý chất thải, khử khuẩn, vệ sinh phòng bệnh, duy tu, bảo dưỡng các trang thiết bị, chi phí về chăn, ga, gối, đệm..., riêng ngày giường điều trị tích cực, hồi sức cấp cứu còn tính cả các dụng cụ, vật tư dùng cho máy thở, monitor, bơm kim tiêm điện mà người bệnh phải sử dụng. Chẳng hạn, riêng găng tay phục vụ giường bệnh điều trị tích cực phải sử dụng bình quân 30 đôi/ngày, hết khoảng 50-60.000 đồng; chi phí tiền lương cho bác sĩ, điều dưỡng phục vụ (định mức 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng chỉ phục vụ được 4 giường bệnh, 1 ngày làm 3 ca) dự kiến 323.000 đồng/giường.

“Trước đây, ngân sách chi tiền lương cho các bệnh viện. Lần này, tính tiền lương vào giá thì ngân sách sẽ không cấp tiền lương cho bệnh viện mà do BHYT và người bệnh trả sẽ có tác dụng thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ, bệnh viện có đủ kinh phí để tuyển bác sĩ, điều dưỡng theo đúng định mức nhân lực, người bệnh sẽ được phục vụ tốt hơn, bảo đảm đủ vật tư, hóa chất phục vụ người bệnh”, ông Liên nói.

Ông Liên cho biết thêm, chất lượng dịch vụ gồm nhiều yếu tố, chất lượng chuyên môn kỹ thuật y tế và chất lượng phục vụ chăm sóc người bệnh. Bộ Y tế đã có các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cụ thể đã ban hành Thông tư 19/2013 hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện, ban hành và thực hiện các tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, triển khai nhiều giải pháp để thực hiện đề án giảm tải bệnh viện, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề cho đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế, đã và đang phát động phong trào đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, lấy người bệnh làm trung tâm nên chất lượng dịch vụ sẽ được nâng cao.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho hay, việc điều chỉnh giá viện phí lần này là thực hiện theo các quy định của nhà nước vì từ trước đến nay giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ, một phần chi phí vẫn đang do nhà nước bao cấp. Việc điều chỉnh cơ chế tài chính cho phù hợp với cơ chế thị trường cũng là để các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao kỹ năng giao tiếp cho nhân viên y tế để cải thiện chất lượng phục vụ người bệnh.

“Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bao gồm cả chất lượng chuyên môn, chất lượng phục và chất lượng quản lý là một trong các mục tiêu hàng đầu của lần điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này. Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và của các cơ sở khám chữa bệnh để đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân”, ông Sơn nói.

Vậy, tăng giá dịch vụ y tế có ảnh hưởng nhiều đến những bệnh nhân mắc ung thư và người nghèo?, trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, hiện nay người nghèo theo chuẩn nghèo do Nhà nước quy định, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, ở xã đảo, huyện đảo, trẻ em dưới 6 tuổi và một số đối tượng chính sách đã được Nhà nước mua thẻ BHYT, khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí.

Tuy nhiên do mức đóng BHYT hiện nay còn thấp, BHYT không thể chi trả toàn bộ các loại thuốc điều trị được, nên có một số loại thuốc điều trị ung thư thì BHYT chỉ thanh toán một phần.

Để giảm bớt khó khăn cho người bị bệnh nặng, hiểm nghèo, có chi phí điều trị lớn, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh thành lập Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo theo quy định tại Thông tư liên tịch Y tế - Tài chính số 33/2013; đồng thời Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện phải trích một phần nguồn thu để lập quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho các đối tượng khó khăn, có chi phí điều trị lớn.

Hương Thủy