Đông nghẹt khách tham quan mẫu đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông

Giao thông - Ngày đăng : 12:28, 29/10/2015

(HNMO) - Mặc dù 10h hôm nay (29/10) mới mở cửa cho nhân dân tham quan và trưng cầu ý kiến đóng góp về mẫu đoàn tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông nhưng ngay từ sáng sớm đã có rất đông người dân và giới truyền thông đến chờ đợi tại Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội.

Khu trưng bày là hai gian lớn ở ngoài trời, một gian giới thiệu các hình ảnh, tiến trình xây dựng dự án, các bước thiết kế đoàn tàu và một màn hình cỡ lớn chiếu clip trải nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Gian hàng thứ hai là một toa tàu thực tế.



Đúng 10h, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Cục trưởng Cục Quản lý Công trình Giao thông Trần Xuân Sanh…cùng đông đảo quan khách đã kéo tấm nhung đỏ che đoàn tàu. Người dân ùa vào tham quan, chật cứng cả khoang.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Đây là dự án giao thông trọng điểm xây dựng cho Thủ đô Hà Nội một tuyến đường sắt đô thị hiện đại, thuận tiện, góp phần vào giảm ùn tắc và là điểm nhấn cho hình ảnh Thủ đô của hòa bình, thân thiện môi trường nhưng đầy năng động, cởi mở và hiện đại.

Theo Ban QLDA đường sắt, để đạt mục tiêu trên, chủ đầu tư đã xem xét kỹ lưỡng và lựa chọn cho đoàn tàu một hình dáng khí động học đầy năng động, mang màu sắc xanh tươi, thân thiện với môi trường. Các yếu tố thiết kế ngoại thất hiện đại mà vẫn lịch lãm như cửa sổ, đèn pha, bảng chữ LED đầu tàu hài hòa với bản sắc, văn hóa người Hà Nội.

Nhằm đảm bảo đoàn tàu phục vụ nhân dân Thủ đô ở mức tốt nhất, đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu, tiện nghi, chủ đầu tư cầu thị trưng cầu mọi ý kiến mang tính xây dựng của người dân, các chuyên gia, nhà khoa học… về các yếu tố nội thất, ngoại thất, tiện nghi của đoàn tàu để các đơn vị liên quan sớm hoàn thành công tác sản xuất, chế tạo.




Theo đó, trong phiếu khải sát ý kiến có 3 mục góp ý về ngoại thất, nội thất và phần các góp ý khác. Về ngoại thất, mẫu tàu đang có hình dáng vát nhọn có tính khí động học hiện đại. Đầu tàu sơn kín tạo nền trang trọng cho biểu tượng Khuê Văn Các và dòng chữ Cát Linh – Hà Đông là tên tuyến. Cụm đèn pha kép 3, dạng đứng hài hòa với sự trang trọng, kết hợp với bảng đền LED ẩn trong kính chắc gió. Cửa sổ ẩn trong kính hài hòa với dải màu sẫm liền mạch từ đầu đến cuối.

Về nội thất được thiết kế sang trọng với màu chủ đạo là ghi sáng, tạo ấn tượng sạch sẽ. Hàng cột đầu ghế ngồi cong ra phía giữa tạo thuận lợi cho khách đứng bám. Ghế ngồi liền tấm phẳng sử dụng vật liệu composit giúp tăng chỗ ngồi, tạo cảm giác thoải mái. Tấm ốp đầu ghế đơn giản. Đầu ghế nồi được bố trí ghế ưu tiên cho người già, phụ nữ có thai, trẻ em... với màu vàng nổi bật. Tay nắm treo sử dụng dây mềm với tay nắm nhựa chắc chắn. Đầu toa giữa đoàn tàu bố trí vị trí dành riêng cho xe lăn với thiết bị đai giữ an toàn. Bản đồ LED toàn tuyến được bố trí trên cửa ra vào toa có biểu thị các tên ga, hướng di chuyển, ga đang đến, hướng cửa mở. Các biển chỉ dẫn rõ ràng về thoát hiểm, ghế ưu tiên, chỗ dành cho xe lăn.




Trao đổi với PV HNMO về các góp ý để hoàn thiện thêm mẫu tàu Cát Linh – Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường – Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TNHH Một Thành viên Đường sắt Hà Nội cho biết, nhiều người dân đang góp ý về đầu tàu nên có hình múp tròn như các mẫu tàu của Nhật Bản, tuy nhiên đây là các thiết kế khí động học dành cho tàu chạy tốc độ cao khoảng 200 km/h, còn với tuyến Cát Linh – Hà Đông chạy nội đô có tốc độ thiết kế chỉ khoảng 80 km/h, chạy thực tế chỉ khoảng 40km/h.

Là đơn vị sẽ tổ chức vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Trường cũng cho biết thêm: Công ty đang chuẩn bị nguồn nhân lực để đưa tuyến đường sắt vào vận hành trong năm 2016 (trong đó có 3 tháng chạy thử kỹ thuật không tải, 3 tháng chạy thương mại, sau đó sẽ chạy chính thức). Hiện công ty đang đưa 37 người sang Trung Quốc để đào tạo về lái tàu, tổng số CBCNV vận hành sẽ là 618 người.

Ngồi thử trên đoàn tàu mẫu sáng nay, bà Trần Thị Hồng ở Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội xuýt xoa khen nội thất đoàn tàu rất lịch sự, hiện đại, góp phần cho đời sống nhân dân Thủ đô thêm văn minh. Tuy nhiên, bà Hồng cũng kiến nghị khi đi vào sử dụng thực tế, mọi người dân phải nâng cao ý thức khi sử dụng. Bởi tông màu ghi sáng trong tàu hiện nay sẽ lộ rất rõ các vết xước, bụi bẩn khi bám vào. Sử dụng tàu cũng không thể như xe khách để người dân có thể cầm theo hàng hóa, gà, vịt… mang theo. Bà cũng mong nhà sản xuất thiết kế các tay nắm treo, thanh bám inox chắc chắn hơn để có độ bền cao khi nhiều người cùng sử dụng.

Bên cạnh đó, ông Lưu Văn Tắc – cán bộ Học viện không quân đã nghỉ hưu lại băn khoăn về kết cấu các ray đường sắt có đảm bảo khi chạy ở trên cao; việc ôxy hóa các chi tiết sản xuất tàu trong vùng khí hậu nóng ẩm của Hà Nội sẽ được nhà sản xuất quan tâm như thế nào…?

Nhìn chung, sau khi tham quan mẫu đoàn tàu, nhiều người dân đã lưu lại ghi ý kiến. Việc trưng bày mẫu đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông còn diễn ra đến hết ngày 30-11. Hy vọng, với sự đóng góp trí tuệ cộng đồng, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ đi vào vận hành như một phương tiện vận chuyển công nghệ cao, biểu tượng cho nét đẹp và văn minh đô thị của Thủ đô.

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ mua 13 đoàn tàu (52 toa xe) với cấu thành 4 toa xe/1 đoàn tàu, chiều dài đoàn tàu là 79 mét. Tốc độ tối đa của đoàn tàu đạt 80 km/h; tốc độ khai thác trung bình lớn hơn hoặc bằng 35 km/h. Số lượng hành khách của mỗi đoàn tàu là 960 người (tối đa có thể đạt 1.326 người). Năng lực vận chuyển tối đa khoảng 28.500 hành khách/giờ/hướng.

Chi phí mua tàu với phía Trung Quốc (Công ty TNHH trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh) là hơn 63,2 triệu USD đã được Bộ Giao thông thẩm định. Đoàn tàu phục vụ vận chuyển hành khách trục Cát Linh - Hà Đông với tổng số 12 nhà ga trên cao, xuất phát từ Cát Linh (điểm giao cắt giữa đường Cát Linh và Giảng Võ) đến điểm cuối phía trước Bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông.

Dự kiến, đến 30/5/2016, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành phần thô và 30/6/2016 sẽ hoàn thành xây lắp để khai thác thử.

Lan Hương