Nạn "dội bom" tin nhắn rác: Cần bổ sung trách nhiệm nhà mạng
Công nghệ - Ngày đăng : 11:26, 29/10/2015
Nhiều ĐB đề cập đến thực trạng người dùng điện thoại hiện đang bị "dội bom" tin nhắn rác mỗi ngày |
Sáng 29/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật an toàn thông tin mạng.
Tiếp đó, đã có 12 đại biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Đa số các đại biểu tán thành nội dung cơ bản trong Báo cáo đã nêu, đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề nhằm hoàn thiện thêm dự luận này trước khi QH thông qua.
Bên cạnh việc đồng tình sửa lại thành “Luật an toàn thông tin mạng”, các ĐB đề nghị rà soát lại phạm vi điều chỉnh của Luật, bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, góp phần hạn chế tình trạng phán tán, tiếp tục rà soát quy định tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức, DN trong bảo vệ thông tin cá nhân người sử dụng, bổ sung quy định việc sử dụng thông tin cá nhân cho bên thứ ba được sự cho phép của cá nhân đó cần được quy định trong Luật; bổ sung về thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng trên mạng.
"Xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu!"
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hoà Bình) cho biết tại kỳ họp thứ 9 QH khoá XIII, tại buổi thảo luận góp ý vào dự án luật an toàn thông tin mạng, bà đã đề cập đến chuyện một nữ sinh không chịu nổi áp lực khi những hình ảnh riêng tư của em và bạn trai mới 15 tuổi bị phát tán trên mạng nên em đã uống thuốc diệt cỏ để quyên sinh. Nhưng đau lòng hơn, trong khoảng thời gian 3 ngày em điều trị tại bệnh viện cho đến khi qua đời thì những hình ảnh vẫn tiếp tục được lan truyền trên mạng với những lời bình luận hết sức ác ý. Tuy nhiên gia đình em không biết làm gì, cầu cứu ai, cơ quan nào để ngăn chặn, điều này đã gây nên áp lực lớn cho những người thân gia đình em, đến nỗi một người thân trong gia đình em phải thốt lên: "Xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu!"
“Trong sự việc nêu trên, nếu có biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, cảnh báo người dùng, phản ứng kịp thời để ngăn chặn phát tán, bảo vệ thông tin riêng phát tán trên mạng thì chưa chắc câu chuyện của nữ sinh đã có kết thúc đau lòngnhư vậy”-bà Hải bày tỏ.
ĐB Nguyễn Thanh Hải, Hoà Bình |
Việc không có các quy định thông tin riêng, bảo vệ thông tin riêng bằng các điều khoản về các biện pháp phòng ngừa, cảnh báo để bảo vệ thông tin cá nhân ở dự thảo luật với lý giải của ban soạn thảo là đã được quy định ở các bộ luật dân sự, hình sự - bà Hải băn khoăn.
Bà Hải thừa nhận, dù xây dựng các quy định bảo vệ thông tin riêng là khó về công nghệ nhưng nó việc là việc rất cần thiết trong cuộc sống ngày nay với nhu cầu trao đổi thông tin qua mạng.
“Tuy nhiên đây là đòi hỏi của thực tế cuộc sống, vì vậy cần nghiên cứu để bổ sung quy định về bảo vệ thông tin riêng để dự án có tính khả thi và hiệu quả xã hội cao”.
Bảo vệ thanh thiếu nhi trước mặt trái của mạng internet, bà Hải cho rằng việc xây dựng luật an toàn thông tin mạng có thể giảm thiểu được những tác hại của thông tin xấu trên mạng; góp phần phòng ngừa, giảm tội phạm do tác động của thông tin mạng khi loại tội phạm này có dấu hiệu gia tăng.
Ở đâu cũng nhan nhản vi phạm về thông tin cá nhân
ĐB Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TPHCM) cũng nêu một thực trạng bức xúc hiện nay là số điện thoại, danh tính của rất nhiều cá nhân bị thu thập, phát tán trái phép. Không ít người đã và đang bị quấy rối bởi các tin nhắn mời mua bất động sản, mua bảo hiểm, thông báo trúng thưởng, rao bán sim điện thoại...
"Tình trạng rao bán thông tin cá nhân công khai trên mạng đang gây bức xúc trong dư luận. Chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng, các đối tượng đã mua được danh sách hàng chục ngàn thuê bao di động kèm theo tên tuổi nghề nghiệp và khả năng mua sắm của những người đó. Các đối tượng phát tán tin nhắn rác dễ dàng tiếp cận những danh sách này để phục vụ cho việc "dội bom" tin nhắn của họ.
Ai trong chúng ta cũng biết thông tin cá nhân của mình đã bị phát tán trái phép nhưng không biết là phát tán từ đâu và cách nào để ngăn chặn tình trạng đó.
Dự thảo Luật đã đặt ra nhiều quy định tương đối đầy đủ để bảo vệ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, tôi nhận thấy để thực thi những điều khoản này trên thực tế là thách thức rất lớn khi mà hiện nay chưa có tiền đề cho việc sẵn sàng tuân thủ quy định trên, vì ở đâu cũng thấy nhan nhản vi phạm về thông tin cá nhân trong khi đó những điều khoản quy định có tính khả thi không cao" - ĐB nói.
Bà Trang đề nghị trước mắt các cơ quan quản lý nhà nước cần có có định kỳ và đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra tổ chức, DN sử dụng thông tin cá nhân, tiếp cận kênh thông tin trực tiếp để nhận và xử lý phản ánh của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân. Bên cạnh đó cần có hình thức phù hợp để tuyên truyền và quyền và trách nhiệm của các bên liên quan trong bảo vệ thông tin cá nhân, tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo thói quen chấp hành quy định pháp luật.
ĐB Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TP.HCM) |
ĐB Nguyễn Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị cần bổ sung quy định yêu cầu nhà mạng phải cung cấp công khai minh bạch các ứng dụng, liên kết trong thông tin mạng cho người sử dụng dịch vụ.
"Việc bảo vệ thông tin cá nhân mà chỉ quy định trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước thôi là chưa đủ vì thực tế, hàng ngày mọi người vẫn trao đổi thông tin qua mạng, sử dụng giao dịch trự tuyến, thương mại điện tử... Khi sử dụng dịch vụ này, người sử dụng phải cung cấp, kê khai các thông tin cá nhân theo yêu cầu của nhà mạng. Và nếu không được bảo vệ, thông này có thể bị sử dụng trái phép.
Thực tế trong thời gian gần đây, người sử dụng điện thoại đi động hàng ngày phải nhận hàng chục, hàng trăm tin nhắn rác, quảng cáo, dịch vụ bất động sản, ảnh hưởng không nhỏ, gây bức xúc trong dư luận mà chưa có biện pháp giải quyết.
ĐB đề nghị cần bổ sung một điều về trách nhiệm nhà mạng bên cạnh trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước.