Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam: Chủ trương vẫn... “trên trời”!

Kinh tế - Ngày đăng : 07:22, 29/10/2015

(HNM) - Mặc dù đề án tái cơ cấu (TCC) ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030 đã được góp ý và chỉnh sửa bổ sung nhiều lần, nhưng đến lần góp ý cuối cùng vẫn còn lộ ra rất nhiều điều bất cập.

Tái cơ cấu ngành lúa gạo sẽ mang lại lợi ích cho người nông dân và nền kinh tế. Ảnh: Việt Dũng


Đề án còn "chủ quan"

Theo mục tiêu đề án TCC đặt ra, đến năm 2020 sẽ bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% trở lên; tỷ lệ gạo xuất khẩu chất lượng cao đạt 60%-70% tổng lượng gạo xuất khẩu; tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt 70% vùng sản xuất vào năm 2020 và 80% năm 2030; giảm phát thải gây ra hiệu ứng nhà kính từ sản xuất lúa 10% so với hiện nay vào năm 2020 và 20% vào năm 2030…

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, trong khi cần phải căn cứ vào nhu cầu thị trường thì đề án còn rất nhiều ý chủ quan. Chẳng hạn, đề án đặt ra các con số diện tích vùng nguyên liệu, tỷ lệ gạo thơm xuất khẩu… trong khi điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam cũng cho rằng, đề án vẫn phải lấy nền tảng thị trường làm chuẩn.

Đồng tình với những nhận định trên, ông Hàng Phi Quang, Giám đốc Công ty Giống cây trồng miền Nam ví dụ, mục tiêu đến năm 2020 có 75% diện tích trồng lúa sử dụng giống xác nhận là một con số thách thức bởi hiện tỷ lệ sử dụng giống xác nhận của bà con nông dân chỉ mới đạt 20-30%. Vì vậy, để đạt mức 75% vào năm 2020 thì Bộ NN&PTNT phải đặt ra chương trình hành động cụ thể mới thực hiện được.

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, đề án có đầy đủ vấn đề, chính sách đặt ra rất nhiều nhưng mức độ đi vào thực tiễn là rất khó. "Nhà nước xây dựng chủ trương nhưng doanh nghiệp (DN) mới là chủ đạo trong thực hiện TCC. Chính sách phải sòng phẳng và tạo điều kiện cho DN thực hiện. Điều mà DN cần là các thông tin sát với nhu cầu thị trường để DN thực hiện. Bộ NN&PTNT nên đầu tư điều tra khảo sát nhu cầu thị trường và hoạch định các chính sách tập trung vào các mục tiêu đó", ông Dũng nói.

Ba vấn đề cốt lõi cần tái cơ cấu

Theo ông Huỳnh Thế Năng, có ba vấn đề cốt lõi cần phải thực hiện khi TCC ngành lúa gạo. Đó là củng cố hệ thống giống; củng cố hệ thống canh tác; củng cố, phát triển hệ thống hỗ trợ kỹ thuật hậu cần và dịch vụ logistic. Về hệ thống giống, theo ông Năng trách nhiệm của địa phương và các trung tâm khuyến nông là phải làm sao để bà con nông dân có niềm tin là sử dụng giống xác nhận thì năng suất lúa sẽ tăng. Nếu không làm được điều này thì không thể khuyến khích bà con nông dân sử dụng giống xác nhận.

Hiện các DN rất cần hệ thống hỗ trợ kỹ thuật hậu cần và logistic. Tình trạng thiếu máy phân tích các chỉ tiêu của hạt gạo khiến DN vừa xuất khẩu vừa hồi hộp vì hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu như Nhật Bản, Mỹ. Ngay chính gạo của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang vào hai thị trường trên cũng chỉ biết "cầu may". Năm ngoái có một DN đưa gạo vào thị trường Mỹ bị trả về phải lỗ mất 4 tỷ đồng. "Các thiết bị máy này DN không thể làm được mà Nhà nước phải hỗ trợ bằng cách tăng cường, nâng cấp các máy móc này cho các viện nghiên cứu lúa", ông Năng nói.

Ngoài ra, hệ thống giao thông cần phải cải tiến cả đường bộ và đường thủy. Hiện nay, sản phẩm gạo xuất khẩu phải đưa từ Đồng bằng sông Cửu Long lên các cảng TP Hồ Chí Minh, tiêu tốn 9-12 USD/tấn. Chính điều này làm giảm sự cạnh tranh về giá của hạt gạo Việt Nam. Việc tổ chức lại giao thông là việc cấp thiết phải làm nhưng đề án chỉ nói chung chung. "Các tỉnh đều đã có cảng biển nhưng thiếu đường ra biển. Chỉ cần mở đường ra biển ở các cửa biển như Định An (tỉnh Trà Vinh) ra Biển Tây sẽ vừa hạn chế kinh phí không chỉ cho ngành lúa gạo mà là cho tất cả nông sản Đồng bằng sông Cửu Long", ông Năng gợi ý.

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, dự thảo đã được sửa đi sửa lại nhiều lần nhưng có những vấn đề "lực bất tòng tâm" vì còn liên quan đến những bộ khác. Hiện đây đã là góp ý lần cuối cùng, các ý kiến của đại biểu trong lần góp ý này để được xem xét đưa vào dự thảo để trình Chính phủ. Điều đáng nói, dù Bộ NN&PTNT cho biết đề án liên quan rất nhiều đến các bộ, ngành khác nhưng tại buổi góp ý cho đề án rất quan trọng này, các đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đều không có mặt dù đã được mời.

Đặng Loan