Bài 32: Dấu ấn thời hội nhập
Chính trị - Ngày đăng : 07:06, 29/10/2015
Một Hà Nội thanh bình, hiếu khách là điểm nhấn đối với du khách quốc tế khi đến Việt Nam. |
Những thành công trên mặt trận đối ngoại đã đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn môi trường hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước và nâng cao vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhìn lại giai đoạn 5 năm qua, khi thế giới chìm trong khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ, đối đầu Đông - Tây gay gắt qua cuộc chiến Ukraine, xung đột ở Trung Đông, Bắc Phi và sự leo thang nguy hiểm những đòi hỏi chủ quyền trái luật pháp của Trung Quốc ở Biển Đông... sẽ thấy những gì ngành Ngoại giao đạt được là rất đáng tự hào.
Là trung tâm chính trị của cả nước, công tác đối ngoại của Hà Nội cũng đã có nhiều nỗ lực để đóng góp cho việc thực hiện những nhiệm vụ mà công tác ngoại giao được giao phó. Trong đó, việc xây dựng và quảng bá một hình ảnh Hà Nội ổn định về an ninh trật tự, điểm đến an toàn và nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư, một Thủ đô văn hiến, đa dạng văn hóa nhưng sẵn sàng tiếp thu những cái mới là thành quả quan trọng nhất. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" và cũng không phải bằng những cảm quan vô căn cứ, Hà Nội luôn nhận được sự yêu mến của bạn bè quốc tế. Bằng những cố gắng và tinh thần năng động, đối ngoại Hà Nội đã phát huy những lợi thế của trung tâm đầu não của cả nước để biến thành những kết quả cụ thể phù hợp với những chương trình hành động, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô mà Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã đặt ra.
Con số gần 100 thủ đô, thành phố lớn mà Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác là một di sản có ý nghĩa, khẳng định vị thế của Thủ đô và cũng là động lực để thành phố thân yêu của chúng ta tiếp tục những bước đi dài trên lộ trình hội nhập. Tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương như Mạng lưới các thành phố lớn Châu Á thế kỷ XXI (ANMC21), Hội nghị Thị trưởng thủ đô các nước ASEAN, Hội nghị Thị trưởng thủ đô các nước Á - Âu (ASEM), Hiệp hội Các thành phố có lịch sử lâu đời, Hiệp hội Các thành phố nói tiếng Pháp…, Hà Nội đã phát triển hiệu quả hướng đi riêng để hòa mình vào xu thế hợp tác của thế giới.
Tuy rằng, những dấu ấn của thời mở cửa và giao lưu quốc tế đã và đang được ghi lại trên từng con phố của Hà Nội, nhưng điều đặc biệt là thành phố hơn 1.000 năm tuổi vẫn không đánh mất những giá trị của riêng mình. Để đạt được điều này, đối ngoại văn hóa đã giữ một vai trò không nhỏ. Thành phố luôn xác định rằng trao đổi, chia sẻ các giá trị văn hóa, tinh thần với thế giới, qua đó tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ để bổ sung và làm phong phú nền văn hóa của Hà Nội và của dân tộc là phần trọng yếu để tạo nên một bản sắc Việt Nam hiện đại nhưng không bị hòa tan trong toàn cầu hóa.
Thông qua sự hợp tác chặt chẽ với UNESCO và nhiều tổ chức quốc tế khác, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội đã được tôn vinh, gìn giữ và được phổ biến rộng rãi với bạn bè quốc tế. Cũng nhờ đó, trong nhiều năm qua, Hà Nội liên tục được các tạp chí du lịch có uy tín đánh giá là một điểm đến hấp dẫn. Lượng khách quốc tế và trong nước đến với Thủ đô năm sau luôn cao hơn năm trước. Ước tính, tăng trưởng khách du lịch quốc tế trong giai đoạn 2008-2014 của Hà Nội là 12%/năm.
Hà Nội - Thành phố vì hòa bình. Ảnh: Viết Thành |
Tuy nhiên, những số liệu gây ấn tượng trên sẽ không thực sự có ý nghĩa trọn vẹn nếu như công tác hội nhập không mang đến cuộc sống ấm no và những cơ hội việc làm, kinh doanh cho người dân Thủ đô. Do đó, ngoại giao kinh tế quốc tế được xác định là lĩnh vực trọng tâm và những lĩnh vực đối ngoại khác phải tạo thuận lợi cho nhiệm vụ cốt lõi này. Thực hiện chủ trương trên, Hà Nội đã tích cực và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam để thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh trên tất cả những lĩnh vực mà thành phố đang cần cải thiện và phát triển.
Trong đó, "Kế hoạch đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế TP Hà Nội giai đoạn 2013-2015" mà thành phố ban hành đã tạo một cú hích lớn về chính sách, là bản kế hoạch hành động cụ thể và nhất quán để quảng bá về môi trường, chính sách ưu đãi đầu tư của thành phố, thúc đẩy các dự án, chương trình hợp tác với các đối tác bè bạn. Hiện, Hà Nội là địa phương đứng thứ ba trong cả nước về tiếp nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 16,9% về số dự án và 10,07% về vốn đầu tư đăng ký. Thành phố cũng thu hút và triển khai 88 dự án ODA với giá trị tài trợ là hơn 4.489 triệu USD, tập trung vào các công trình hạ tầng kinh tế như giao thông, đô thị, môi trường, cấp, thoát nước… những dự án tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh nhưng đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn.
Với những nguồn lực khá dồi dào, Hà Nội hội tụ đầy đủ những yếu tố để tiếp tục bứt phá. Những năm tới sẽ là giai đoạn phát triển mới khi Việt Nam sẽ gia nhập các sân chơi khu vực rộng lớn như Cộng đồng ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như triển khai các hiệp định song phương khác. Do vậy, đối ngoại Thủ đô cũng cần có những sáng kiến mới, cách thức mới để tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền và phục vụ cho công cuộc CNH, HĐH đất nước.