Phạt cả người vi phạm và người không ngăn chặn nguy cơ cháy nổ

Xã hội - Ngày đăng : 06:57, 29/10/2015

Pháp luật đã quy định nghiêm cấm dùng điện thoại di động tại trạm bơm xăng dầu, nhưng tôi thấy nhiều người vẫn vô tình hoặc cố tình vi phạm mà không thấy nhân viên bán xăng dầu nhắc nhở. Trường hợp xảy sự cố, ai sẽ chịu trách nhiệm bị xử phạt? Đỗ Minh Nguyệt (quận Hà Đông)

Pháp luật đã quy định nghiêm cấm dùng điện thoại di động tại trạm bơm xăng dầu, nhưng tôi thấy nhiều người vẫn vô tình hoặc cố tình vi phạm mà không thấy nhân viên bán xăng dầu nhắc nhở. Trường hợp xảy sự cố, ai sẽ chịu trách nhiệm bị xử phạt?
Đỗ Minh Nguyệt (quận Hà Đông)

Trả lời:


Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, các vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt sẽ có các mức phạt:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi sử dụng diêm, bật lửa, điện thoại di động ở những nơi có quy định cấm.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC theo quy định.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng nguồn lửa, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm;
b) Hàn, cắt kim loại mà không
có biện pháp bảo đảm an toàn về PCCC theo quy định.

4. Người nước ngoài có hành vi
vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc vi phạm quy định trong việc ban hành, phổ biến và tổ chức thực hiện quy định, nội quy về PCCC
sẽ xử phạt theo Điều 27 của Nghị định này:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Chấp hành không đầy đủ nội quy, quy định về PCCC của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Làm mất tác dụng hoặc để nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về PCCC cũ mờ, không nhìn rõ chữ, ký hiệu chỉ dẫn;
c) Trang bị nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về PCCC không đúng quy cách.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không bố trí, niêm yết tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về PCCC;
b) Không chấp hành nội quy, quy định về PCCC của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Không phổ biến nội quy, quy định về PCCC cho những người trong phạm vi quản lý của mình;
d) Ban hành các nội quy, quy định về PCCC không đầy đủ nội dung hoặc không phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí, niêm yết nội quy về PCCC.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không có hoặc có quy định, nội quy về PCCC nhưng trái với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.
Với nội dung nêu trên, có thể thấy rõ ràng, khi xảy ra sự cố, cả người trực tiếp có hành vi vi phạm cùng với người có trách nhiệm phòng ngừa PCCC nhưng không làm tròn chức năng nhiệm vụ sẽ bị phạt.

Ban Bạn đọc