Hồi chuông báo động

Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 29/10/2015

(HNM) - Thời gian gần đây, đi trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, thậm chí cả các tuyến đường mới đưa vào sử dụng tạm, tuyến đê Sông Đáy… khu vực ngoại thành đều dễ nhận thấy một lượng phế thải xây dựng lớn được đổ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sự an toàn


Khoảng 2 tháng nay, ai đi trên đường gom Đại lộ Thăng Long (Km13 đến Km14) đoạn qua địa phận xã An Thượng (huyện Hoài Đức) đều bức xúc khi chứng kiến cảnh cả đoạn đường luôn trong tình trạng bụi bẩn. Nguyên nhân là do thời gian gần đây, khu đất nông nghiệp bên phải đường bỏ hoang nhiều năm, nay biến thành bãi đổ phế thải xây dựng chất cao như "núi" và tràn xuống lòng đường… Một người dân có đất nông nghiệp gần đó cho biết, khu đất này do một "ông chủ" đứng ra "bảo kê" cho các xe chở đất, nhưng không rõ lai lịch. Để hạn chế lượng phế thải vương vãi trên đường, "ông chủ" bãi thuê 1-2 nhân viên làm nhiệm vụ gạt đất, quét bụi… dọc đoạn đường. Hai lối lên bãi phế thải cũng được chặn barie tạm, căng một cái bạt nhỏ. Lượng đất, phế thải đổ ở đây ngày càng lớn, nhưng không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan chức năng không xử lý dứt điểm?

Phế thải xây dựng được đổ nhiều dọc đường gom Đại lộ Thăng Long đoạn qua
địa phận huyện Hoài Đức.


Tại tuyến đê hữu Đáy, đoạn từ xã Sài Sơn đi các xã Phượng Cách, Yên Sơn, Đồng Quang (Quốc Oai), thời gian gần đây cũng liên tục xảy ra tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng. Quan sát của phóng viên dọc tuyến đê, có nhiều đống phế thải lớn được đổ ngay trên mái đê. Điển hình của nạn đổ trộm phế thải trên tuyến đê này là đoạn qua thôn Yên Nội (xã Đồng Quang). Tại đây, lượng phế thải được đổ trên mái, thân đê rất lớn, lên đến hàng nghìn mét khối, ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của tuyến đê, nhưng chưa được xử lý. Tương tự, tại khu vực chân Cầu 72 thuộc địa phận xã Cộng Hòa (Quốc Oai), đoạn đê tả Đáy qua địa phận xã Song Phương, An Thượng (Hoài Đức) cũng xảy ra tình trạng đổ phế thải bừa bãi ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thoát lũ và sự an toàn của tuyến đê.

Còn tại tuyến đường trục phía Nam Hà Tây cũ (đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông kéo dài đi Thanh Oai) chưa hoàn thành, mới đưa vào sử dụng tạm, nhưng hơn 1 năm nay trở thành nơi đổ trộm phế thải lý tưởng của nhiều đối tượng. Phế thải các loại đổ tràn lan lên mặt đường, có đoạn đổ cả xuống ruộng. Nhiều nhất phải kể đến lối rẽ vào cổng làng văn hóa Thôn Hạ, xã Cự Khê (Thanh Oai).

Khó xử lý!

Tìm hiểu của phóng viên được biết, thực trạng trên xuất phát từ thực trạng trong khu vực các quận có nhiều dự án đang trong triển khai, lượng phế thải xây dựng phát sinh nhiều, trong khi các đơn vị nhận vận chuyển phế thải vì lợi nhuận đã không vận chuyển đến bãi tập kết tập trung và tìm những nơi gần, trống trải để đổ trộm. Ngoài ra, ở một số huyện, do người dân có nhu cầu sử dụng đất thải để san lấp mặt bằng nên một số đối tượng đã mua phế thải về bán, dẫn đến tình trạng phế thải đổ tràn lan.

Ông Trần Bách Khoa, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông huyện Quốc Oai cho biết, do các đối tượng thường đổ trộm phế thải vào ban đêm hoặc sáng sớm nên việc bắt quả tang và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Để bắt được quả tang các đối tượng vi phạm, anh em trong đội phải hóa trang, mật phục canh gác, nhưng kết quả xử lý chỉ như "muối bỏ bể". Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, phát hiện lái xe dừng xe, chuẩn bị đổ trộm phế thải, nhưng khi thấy lực lượng chức năng ập tới họ liền bỏ chạy. Một số đối tượng sau khi bị bắt đã không hợp tác với cơ quan chức năng trong việc hoàn tất hồ sơ, khiến công tác xử lý vi phạm gặp khó khăn.

Cùng quan điểm, đại diện chính quyền một số địa phương cho biết, cái khó nhất là vi phạm chủ yếu xảy ra vào ban đêm, ngày nghỉ và ngày lễ. Hơn nữa, nhiều đối tượng vi phạm rất manh động, không hợp tác trong việc xử lý nên khó khép hồ sơ để xử lý. Về việc xử lý vi phạm, do lượng phế thải đổ trộm lớn, nếu xử lý dứt điểm phải thuê máy xúc, ô tô để vận chuyển đi, trong khi các địa phương còn khó khăn nên việc xử lý dứt điểm khó thực hiện.

Rõ ràng việc đổ trộm đất, phế thải tại các tuyến đường, tuyến đê thời gian qua đã và đang gây không ít bức xúc trong nhân dân, thế nhưng chưa có giải pháp nào để giải quyết tận gốc. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc các ngành hữu quan, rất cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương, có như vậy vấn nạn đổ trộm phế thải mới được kiểm soát, xử lý dứt điểm.

Minh Hoàng